1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghi án hối lộ Bio-Rad: Không khó tìm ra quan chức y tế nhận tiền

(Dân trí) - Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền nhận xét, với việc quản lý lỏng lẻo, thiếu kiểm soát, nhất là trong các đề án mua bán tài sản công, những vụ việc kiểu như “nghi án” đường sắt đô thị, Bio-Rad của ngành y tế… bản chất không khác nhau.

Các vụ việc nước ngoài phát hiện doanh nghiệp của họ hối lộ quan chức Việt Nam trong quá trình hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam nổ ra mỗi lúc một nhiều. “Nghi án” vụ đường sắt đô thị chưa giải quyết xong giờ lại thêm vụ Bio-Rad tại Mỹ chấp nhận nộp phạt 55 triệu USD vì đã hối lộ 2,2 triệu USD cho quan chức ngành y tế Việt Nam trong 5 năm. Ông nhận tin về “nghi án” mới nhất này thế nào?

Tôi không bất ngờ về việc này vì cơ chế quản lý của chúng ta quá lỏng lẻo, nhất là thiết chế kiểm soát quá trình thực hiện các đề án, mua bán tài sản công của ta còn thiếu. Việc quản lý lỏng lẻo như vậy thì sự việc này khác xảy ra cũng không khác nhau nhiều.
 
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền.
Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền.

Bộ Y tế đã nhanh chóng đề nghị Bộ công an vào cuộc điều tra, xác minh thông tin đã công bố trên báo chí Mỹ. Ông đánh giá thế nào về khả năng tìm ra quan chức nhận hối lộ phía Việt Nam?

Chúng ta đã có hợp tác về tội phạm quốc tế Interpol rồi. Nếu có sự việc xảy ra như thế thì chắc chắn sẽ tìm ra thôi.

Nếu công an xác định được sự việc như phản ánh từ phía Mỹ thì việc xử lý những quan chức nhận 2,2 triệu USD của Bio-Rad thế nào, thưa ông?

Nếu đúng vậy thì những người này phải chịu trách nhiệm hình sự, phải đưa họ ra trước vành móng ngựa.

Dư luận đang đặt câu hỏi về trách nhiệm của bộ chủ quản như nào khi xác định được các quan chức trong ngành có hành vi nhận hối lộ?

Việc này liên quan đến trách nhiệm quản lý cán bộ. Sau quá trình xem xét trách nhiệm đó thì sẽ xét trách nhiệm liên đới. Nhưng trách nhiệm ở đây cũng phải tính ở nhiệm kỳ, thế hệ vì có thể sự việc xảy ra ở thế hệ cán bộ quản lý trước nữa, khi đó cần xem việc như vậy liên quan tới ai. Nói chung, nguyên tắc quản lý nhà nước cũng như công dân, liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật nào, tính chất mức độ vi phạm ra sao thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề đó.   

Trường hợp xác định sự việc xảy ra từ giai đoạn trước, cán bộ chịu trách nhiệm khi đó đã dời vị trí công tác, nghỉ hưu rồi thì sao, thưa ông? Có chắc người về hưu rồi vẫn có thể đưa ra xử lý trách nhiệm được không?

Trong trường hợp thế hệ nào đi chăng nữa, kể cả là đã về hưu, người ta vẫn phải chịu trách nhiệm. Anh về hưu mà anh nhận hối lộ thời còn đương chức thì vẫn phải xử lý chứ. Việc này Đảng đã nêu chủ trương nói rồi, không có vùng cấm nào cho quá trình xử lý đối với hành vi tham nhũng cả.

Xin cảm ơn ông!

P.Thảo (ghi)