1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Nghêu ngao hát trên đường Trịnh Công Sơn

Hay tin nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chính thức được đặt tên đường tại Huế cùng dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất, một người bạn yêu nhạc Trịnh từ rất xa tò mò hỏi thăm: “Con đường ấy có đủ đẹp, đủ xao xuyến để mỗi khi qua đó hát nghêu ngao một khúc nhạc Trịnh không?”.

Câu trả lời là chưa, bởi đó chỉ mới là một sự bắt đầu được hiểu theo nhiều nghĩa...

 

Một điểm son...

 

Cho đến bây giờ, khi đường đã gắn biển mang tên Trịnh Công Sơn, thì sự kiện này vẫn đang là câu chuyện thời sự được bàn thảo chưa dứt. Một buổi chiều cuối tháng 3 đầy rét mướt, tôi ngồi co ro trong một quán cà phê mới mở ở đường Trịnh Công Sơn gần 2 tiếng đồng hồ chỉ để nghe lão Thông - chủ quán - tự hào mỗi một chuyện mình đang ở trên đường mang tên nhạc sĩ tài hoa này. Lão nói: “Không riêng chi tui, mà toàn bộ mấy trăm hộ dân sống ở đường ni, ai cũng cảm thấy vinh dự hết”.

 

Nghêu ngao hát trên đường Trịnh Công Sơn  - 1

Đường Trịnh Công Sơn hiện đang còn ngổn ngang với dự án xây dựng một công viên – một “không gian văn hoá” dọc bờ sông Hương.

 

Thú thật là lần đầu tiên trong đời làm báo, tôi tận mắt chứng kiến người dân tự hào rất thật về việc con đường nhà mình mang tên ai đó một cách gan ruột như vậy. Ở một quán cà phê khác đang réo rắt nhạc Trịnh (những ngày này ở Huế đi đâu cũng nghe nhạc Trịnh), ông Nguyễn Duy Hiền - Giám đốc Trung tâm Festival Huế - tủm tỉm: “Thật ra, việc đặt tên đường Trịnh Công Sơn không phải là một sự kiện mới lạ như nhiều người nghĩ, bởi cái tên Trịnh Công Sơn đã được hội đồng đặt tên đường thành phố Huế thông qua và đưa vào trong “ngân hàng” tên đường từ cách đây 5 năm... Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên bây giờ mới có cơ hội để làm”.

 

Sau khi những vui mừng tạm lắng đi, bình tâm lại, nhiều ý kiến nhận định việc đặt tên đường Trịnh Công Sơn, lại đặt ở Huế - nơi ông sinh ra, nơi ông có những mối tình đầu tiên để rồi ra đời những tình khúc đầu tiên, nơi phảng phất và ám ảnh ông ở hầu hết những tình khúc của mình... - là một điểm son. Nó thể hiện quan điểm, sự nhìn nhận rất mới mẻ và thông thoáng của lãnh đạo địa phương vốn lâu nay bị “mang tiếng” là bảo thủ.

 

Nói thông thoáng trong nhận thức, trong cách nhìn về một con người vì trước hết, cuộc đời của Trịnh Công Sơn có rất nhiều vấn đề còn gây tranh cãi và ông khác với những người “cách mạng” cùng thế hệ như Ngô Kha hay Trần Quang Long (những người cũng được đặt tên đường trong đợt này)... Nhà văn, dịch giả Bửu Ý - một người bạn rất thân của Trịnh Công Sơn ở Huế - nhận xét: “Ngay cả cách yêu mến, cách bộc lộ tình cảm của công chúng đối với Trịnh Công Sơn, ở Huế người ta cũng dè dặt hơn nhiều so với hai miền Nam – Bắc, đặc biệt là những năm tháng sau ngày đất nước thống nhất. Lý do là ở Huế rất nhiều người biết rõ về hoàn cảnh gia đình Trịnh Công Sơn – một hình ảnh rất bi kịch của xã hội Việt Nam thời tao loạn như bao nhiêu bi kịch gia đình khác, khi Trịnh Công Sơn có một người em là sĩ quan của chế độ cũ...”.

 

“Tuy nhiên, khi đặt vấn đề đặt tên đường Trịnh Công Sơn, hội đồng đặt tên đường thời điểm đó và lãnh đạo các cấp sau này đều bỏ qua tất cả những điều vụn vặt để cùng nhìn vào một điểm chung, đó là sự đóng góp to lớn về mặt âm nhạc của người nghệ sĩ tài hoa này – một trong những người viết tình ca tuyệt vời nhất thế kỷ” - ông Nguyễn Duy Hiền nói.

 

Điều này thể hiện rất rõ trong “phụ lục 2” của đề án đặt tên đường vừa được HĐND tỉnh Thừa Thiên – Huế thông qua: “Đề án lựa chọn đường bờ sông Hương vừa được xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật để đặt tên cho một trong những nhạc sĩ lớn của nền tân nhạc Việt Nam: Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Con đường này nằm cạnh dòng Hương Giang thơ mộng, phù hợp với tâm hồn, tính cách của người nhạc sĩ tài hoa, người con yêu dấu của xứ Huế”.

 

Sau tên đường là nhà lưu niệm?

 

Trở lại với sự tò mò của bạn rằng: “Con đường ấy có đủ đẹp, đủ xao xuyến để mỗi khi qua đó có thể hát nghêu ngao một khúc nhạc của Trịnh không?”. Ngoài câu trả lời là chưa, tôi còn giấu bạn một chuyện không lấy gì làm vui là hiện con đường đang và sẽ đẹp, lãng mạn, thơ mộng đến mức những người được đặt tên đường khác phải ghen tỵ ấy, trong lúc chính quyền địa phương đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng một công viên đầy cỏ xanh ở phía bờ sông để biến nới đây thành một “không gian văn hoá Trịnh”, thì ngược lại ở phía đối diện của bờ sông lộng gió, người ta đang đua nhau dựng lên những quán nhậu san sát nhau và rất nhếch nhác, không phù hợp chút nào với tên đường.

 

Được nghêu ngao hát một khúc nhạc trên đường Trịnh Công Sơn là ước muốn chung của rất nhiều thế hệ. Nhưng bạn chỉ có thể nghêu ngao hát khi cả tuyến đường này và cả những khoảng trống phía bờ sông sẽ trở thành một “không gian văn hoá”.

 

Trước thềm kỷ niệm 10 năm ngày mất, những người yêu mến Trịnh Công Sơn, đặc biệt là bạn bè của nhạc sĩ cũng đang rất buồn lòng vì thông tin do một nhạc sĩ ở Huế viết trên một tờ báo rằng: “Nè, sau ni “moa” có về với cát bụi, xin các anh nếu có đặt tên đường cho mình thì đặt tên ở những con đường nào mà chưa có tên, vì nếu có tên rồi mà thay tên mình vào, tội”. Họ buồn vì đây là thông tin không thể kiểm chứng. Và không ai đủ dũng cảm để tin rằng một người như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lại “sân si” đến mức chưa chết đã mong được người ta đặt tên đường cho mình (!).

 

Đem điều này hỏi nhà văn, dịch giả Bửu Ý, ngạc nhiên là ông chỉ cười cười: “Đó chắc chỉ là một phút bốc đồng của người nhạc sĩ nớ, thôi trách làm chi”. Lời ông nhẹ nhàng và bao dung, cũng như ông rất nhẹ nhàng và bao dung với rất nhiều người “ăn theo” Trịnh Công Sơn bằng những bài viết, chuyện kể vốn không có trong sự thật trong suốt 10 năm nay: “Ai đó có một tư tưởng hướng về người nhạc sĩ tài hoa đã mất đó, dù có như thế nào thì cũng là điều đáng mừng. Và cuộc đời vốn nó vui như vậy. Nên thiệt sự cũng khó mà đòi hỏi thiên hạ ai cũng giống mình...”.

 

Tuy nói vậy, nhưng ông cũng “đính chính” một chút cho Trịnh Công Sơn khi nhắc đến một ước nguyện khác lớn hơn chưa thực hiện được: Một ngôi nhà lưu niệm của Trịnh Công Sơn ở Huế. “Sinh thời, Trịnh Công Sơn có một ước nguyện ở Huế, nhưng không phải dành riêng cho cá nhân mình” - ông kể - “Ban đầu, Trịnh Công Sơn ao ước sẽ xây dựng ở Huế một không gian gọi là “nhà nguyện tình yêu” với ý nghĩa cao đẹp là nơi tới lui của những người yêu nhau, đồng thời là nơi để cầu nguyện cho những tình yêu trắc trở.

 

Đó là một điểm hẹn cho những người yêu nhau nuôi dưỡng và hàn gắn tình yêu, đồng thời là nơi gặp gỡ, vui chơi của thanh niên các thế hệ... Và ý tưởng này đã được người đứng đầu thành phố Huế lúc đó là Nguyễn Văn Quang - Bí thư Thành uỷ Huế - ủng hộ. Thậm chí, đích thân ông Quang đã dẫn Trịnh Công Sơn đi chọn đất vào năm 2000...”.

 

Theo nhà văn Bửu Ý, cụm từ “nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn” là do chúng tôi - những người bạn của nhạc sĩ ở Huế - đề xuất thực hiện sau khi ông mất vào năm 2001. “Ý tưởng này từ khi ra đời cho đến nay luôn được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và hai bên đã cùng nhau chọn rất nhiều địa điểm ở gần chùa Thiên Mụ, đồi Thiên An, đường Lê Duẩn, Tạp chí Sông Hương hiện nay, công viên bên bờ sông Hương (đoạn gần chân cầu Trường Tiền sắp tới đặt tượng Phan Bội Châu), rồi một ngôi nhà vô chủ phía bên kia đập Đá... Tuy nhiên đến thời điểm này, vẫn chưa có chỗ nào được chọn vì những lý do khác nhau”.

 

Cuối năm 2008 - những người bạn của Trịnh Công Sơn ở Huế đã đứng ra thành lập “Ban vận động xây dựng nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn” do nhà văn Bửu Ý làm trưởng ban. “Chúng tôi đã rất hào hứng soạn thảo và trình lên lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế một đề án hoạt động và trưng bày cụ thể, trong đó có cả việc mở một quán càphê nghe nhạc Trịnh bên nhà lưu niệm... Nhưng sau đó, dự án này cũng không làm được và chúng tôi cũng không hiểu rõ là vì sao ngoài câu trả lời của lãnh đạo tỉnh là “thời điểm chưa thích hợp”.

 

Theo Hoàng Văn Minh

 Lao động