1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghe người phụ nữ 76 tuổi kể chuyện tình yêu đẹp hơn cổ tích

(Dân trí) - Một người phụ nữ Gio Linh (Quảng Trị) hồn hậu, đi gần hết cuộc đời vẫn vẹn nguyên một mối tình. Tính đến giờ, bà chỉ có 12 năm làm vợ đúng nghĩa, 35 năm làm mẹ nhưng có tới 57 năm phụng dưỡng mẹ chồng.

Bà là Trương Thị Ba, năm nay đã 76 tuổi. Thời gian không phủ mờ tình yêu của bà, bởi tình yêu đó được dậy lên từ những ngày bom đạn. Ngay cả cái cách xưng hô “đồng chí” đối với tôi - người nhỏ tuổi hơn cả con út của bà - cũng cho thấy bà thuộc về một thế hệ can trường, trước sau như một và chẳng gì có thể lay chuyển. Tình yêu không là ngoại lệ.
 
Bà Ba lần giở lại những ký ức của đời mình

Bà Ba lần giở lại những ký ức của đời mình
 

Chúng tôi tìm đến thăm nhà bà trong một buổi chiều mưa lất phất, qua điện thoại bà chỉ đường “đồng chí cứ đi từ Đông Hà ra đoạn dốc cửa ngõ của thị trấn Gio Linh (huyện Gio Linh), nhìn phía bên tay trái, thấy nhà nào có những hàng cau xanh nõn là nhà của tôi”. Quả nhiên, gian nhà nhỏ của bà quá đỗi bình thường nhưng lại “lạc” giữa những hàng cau đẹp mê hồn.

 

Chúng tôi lặng im nghe bà kể chuyện từ những ngày xửa xưa. Từ thuở bà còn là một cô nhóc của làng Mai Xá (xã Gio Mai, huyện Gio Linh), lon ton chạy theo các anh chị trong Chi đoàn thanh niên cứu quốc làng Mai Xá, suốt ngày tập hát tập múa để biểu diễn tuyên truyền cách mạng cho người dân. Lớn thêm chút nữa, bà vẫn “sống với địch, hoạt động cho ta” và bị bắt giam tới 3 lần vào những năm 1957, 1959, 1960; bị địch nghi ngờ có mối liên hệ mật thiết với cộng sản.

 

Trong quá trình hoạt động cách mạng, bà quen một thanh niên cùng làng tên Trương Quang Giao. Cảm tình tuổi đôi mươi chưa kịp nói lời yêu, chưa kịp trao lời thề hẹn thì tháng 3/1954, ông Giao gia nhập bộ đội địa phương. Sau hiệp định Geneve, ông Giao trở về quê được ít ngày thì được lệnh phải ra Bắc tập kết. Bà Ba một lần nữa phải chia tay người thương nhớ, nhưng lần này thì khác, họ đã khắc vào tim nhau rằng 2 năm sau là ngày đoàn tụ.

 

Và một lần nữa tình yêu của đôi trẻ làng Mai Xá tưởng như đổ vỡ bởi những biến cố lịch sử của đất nước. Sông Bến Hải chia tách làm đôi, kẻ Nam người Bắc đến hơn 20 năm sau mới gặp lại…

 

Năm 1955, được sự đồng ý của trên, bà Ba đã bí mật tổ chức đám cưới với ông Giao mà không hề có mặt của chú rể. Và trớ trêu thay cuối năm ấy ông bà hoàn toàn mất liên lạc với nhau. “Từ đó đến khi thoát ly lên rừng (1965), không phải không có ai để ý đến tôi. Phía mình thì không có rồi vì họ không thể tán tỉnh vợ của đồng đội được. Nhưng về phía địch, cũng có nhiều tên lởn vởn, bị tôi cự tuyệt thì gây khó dễ… Chúng dọa dẫm bắt tôi phải viết… đơn li dị với ông nhà để chúng gửi ra Bắc rồi quy kết tôi có chồng đi tập kết nên tôi sống khá khổ sở…”- Bà Ba nhớ lại.

 

Năm 1973, bà Ba lúc này vẫn “ba không” (không chồng, không con, không nhà), trở thành cán bộ tổ chức của Huyện ủy Gio Linh, mối tình ngày nào vẫn cháy nhưng hiềm nỗi bà không thể biết ông Giao ở đâu, sống hay chết.

 

Cũng trong năm này, Chủ tịch CuBa Phidel Castro đến thăm tỉnh Quảng Trị, bà được phân công dẫn đường cho các phóng viên đi theo đoàn. Và giống như trong chuyện cổ tích, khi đầu năm 1974, cuộn phim được đưa đi chiếu cho quân dân cả nước cùng xem, hình ảnh bà Ba chỉ có được vài giây thôi nhưng ông Giao (lúc này đã ở chiến trường phía Nam) nhận ra ngay đó là người vợ yêu dấu của mình. Ông lập tức biên thư về, 1 lần, 2 lần, 3 lần… cuối cùng thư cũng đã đến tay bà Ba với bao niềm hạnh phúc khôn tả.
 
Bà Ba và người mẹ chồng đã 104 tuổi mà bà phụng dưỡng suốt gần 60 năm nay.
Bà Ba và người mẹ chồng đã 104 tuổi mà bà phụng dưỡng suốt gần 60 năm nay.

 

Một tháng rồi hai tháng sau chiến thắng mùa Xuân năm 1975, bà Ba ngóng đợi nhưng chẳng có một cánh thư nào từ miền Nam gửi về nữa. “Lòng tôi như lửa đốt và đầy sự hồ nghi. Suốt ngày cứ tự hỏi hay là anh ấy đã hi sinh? Hay là anh ấy đã có một gia đình mới?”- Bà Ba ngấn lệ nhớ lại quá khứ.

 

Lúc này bà Ba đã 39 tuổi. Mặc cho sự lo lắng, khuyên răn kèm sự thương cảm của người thân, đồng đội, bà quyết lên đường vào Nam tìm ông Giao với vỏn vẹn một manh mối duy nhất là địa chỉ hòm thư “Quân khu 8, K 650”.

 

Hành trình tìm chồng của bà Ba quả là… kinh hoàng! Chuyến xe đò đưa bà Ba hướng vào Nam khi đất nước vừa hòa bình 2 tháng đã phải trải qua bao gập ghềnh, đường hỏng, cầu sập và cảnh đốt phá thỉnh thoảng vẫn xảy ra dọc đường. Thở phào khi đặt chân xuống Sài Gòn, cầm chặt mảnh giấy ghi số hòm thư và cái tên Trương Quang Giao, bà đã “gõ cửa” Ban quân quản TP rồi Cục miền Trung và được biết một thông tin mù mờ rằng đơn vị này đóng ở Mỹ Tho (Tiền Giang).

 

Về tới Mỹ Tho, vào tới QK.8 có người nói đơn vị đang đóng ở huyện Cai Lậy cách đó 50 km nhưng khi về tới Cai Lậy thì không một cơ quan nào biết về K 650. Không chịu thua bà trở ngược lại QK.8 và trên chuyến xe này bà may mắn gặp một sĩ quan công tác tại K 650. Chẳng có gan ruột nào để nghỉ ngơi, bà đã tìm về huyện Cái Bè (Tiền Giang) theo sơ đồ của vị sĩ quan nọ và ngã quỵ khi đứng trước chồng là thiếu úy, chính trị viên tiểu đoàn Trương Quang Giao.

 

“15 ngày, tôi đi tìm ông nhà đúng 15 ngày… Nghĩ lại cũng thấy mình liều thật, là phụ nữ cả đời chưa đi vào Nam, lúc ấy lại còn lộn xộn mà dám lặn lội khắp nơi mọi chốn, rủi có chuyện gì cũng chẳng biết kêu ai…”- Bà Ba không khỏi xúc động.

 

Được sự quan tâm của tổ chức, ông Giao đã được điều chuyển về công tác tại trường Đảng huyện Gio Linh để đoàn tụ với gia đình. Bà Ba bảo: “Đó là quãng đời đẹp nhất của tôi và có lẽ của cả ông nhà. Chúng tôi đã sống đã cống hiến cho đất nước và chúng tôi cũng đã yêu, chúng tôi có quyền được hạnh phúc...”.

 

Nhưng niềm vui chẳng tày gang, sau đúng 12 năm chung sống đúng nghĩa, ông Giao qua đời (năm 1988). Lúc này ông bà đã có với nhau 3 người con kháu khỉnh. Như để chứng minh cho tình yêu mãnh liệt, không gì ngăn cản nỗi của mình, ông bà đã đặt tên con lần lượt là Thủy, Chung, Trung. Một nách ba con nhưng bà Ba còn phải làm tròn một bổn phận của một người con dâu. “Đời sống lúc đó khổ cực lắm, lương hưu của tôi chỉ có ba mấy ngàn một tháng, một mình tôi cày cuốc, nhận ruộng để làm nhưng toàn ăn cơm độn sắn khoai. Tôi thì gắng được nhưng chỉ thương mạ với mấy đứa nhỏ răng yếu nên nhai sếu sáo rồi nuốt trỏng…”- Bà Ba rưng rưng kể lại.

 

Giờ đây điều làm bà Ba tự hào nhất là 3 người con đều học hành đỗ đạt (2 con gái đầu làm giáo viên, con trai út làm kiểm lâm) và mẹ chồng là cụ Lê Thị Trà đã thọ tới 104 tuổi. Bà nói: “Đối với con tôi cảm ơn chúng nó. Đối với mạ, tôi vẫn chăm lo từng miếng ăn giấc ngủ cho đến việc vệ sinh cá nhân, ngày nào mạ còn ăn ngày 3, 4 bát cơm là tôi còn sức để báo hiếu thay ông nhà…”.

 

Trong buổi chiều giá lạnh đầu mùa, sau khi “trải” hết cả cuộc đời cho tôi nghe, bà chống cằm nhìn ra hàng cau xanh nõn trước sân buột miệng: “Nghiệm lại tất cả, tôi thấy mình đã có một tình yêu thật trọn vẹn. Có người nói số tôi truân chuyên nhưng tôi không nghĩ vậy, bởi tình yêu như hoa hồng, ai sợ chảy máu thì nào hái được…”.

 

Đình Dũng