1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nghe lén điện thoại để "tóm" tội phạm: Lo nhạy cảm, phức tạp

(Dân trí) - Về biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt như ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật… qua báo cáo giải trình, tiếp thu Bộ luật Tố tụng hình sự của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, vẫn còn ý kiến đề nghị không quy định biện pháp này vì nhạy cảm, phức tạp.

Áp dụng điều tra đặc biệt khi khởi tố vụ án

Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu về dự án Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy, đa số ý kiến đại biểu tán thành với dự thảo về việc quy định các biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt, đối tượng áp dụng, người có thẩm quyền áp dụng.

Đại biểu Nguyễn Doãnh Khánh đồng tình với việc luật hóa việc điều tra đặc biệt
Đại biểu Nguyễn Doãnh Khánh đồng tình với việc luật hóa việc điều tra đặc biệt

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị chỉ quy định những biện pháp trực tiếp hạn chế quyền con người, quyền công dân, tránh nhầm lẫn với các biện pháp nghiệp vụ trinh sát. Một số ý kiến khác đề nghị không quy định biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trong Bộ luật này vì nhạy cảm, phức tạp.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc quy định các biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt là cần thiết để bảo đảm tôn trọng quyền con người, quyền công dân theo yêu cầu của Hiến pháp, đồng thời để tạo điều kiện cho Cơ quan điều tra chủ động thu thập chứng cứ, xác định đối tượng tình nghi phạm tội trong quá trình điều tra các vụ án phức tạp, có tổ chức, đặc biệt nghiêm trọng. Để tránh nhầm lẫn thì không nên quy định cả biện pháp nghiệp vụ trinh sát thông thường là biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt.

Vì vậy, tiếp thu đa số ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ quy định của dự thảo về đối tượng, thẩm quyền áp dụng các biện pháp này và chỉ nên quy định 3 biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt trực tiếp liên quan đến hạn chế quyền con người, quyền công dân gồm: ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử.

Tuy nhiên, có một số ý kiến đề nghị không quy định biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt vì bản chất đây là các biện pháp nghiệp vụ trinh sát; có một số ý kiến đề nghị quy định cả 5 biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt gồm: ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử; theo dõi bí mật; sử dụng trinh sát hoặc cộng tác viên bí mật.

Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị thời điểm áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt kể từ khi khởi tố vụ án. Có đại biểu tán thành với dự thảo về thời điểm áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt kể từ khi xác minh nguồn tin về tội phạm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thời điểm áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt kể từ khi khởi tố vụ án là phù hợp để bảo đảm chặt chẽ, khả thi của việc áp dụng.

Lo ngại ảnh hưởng đến người xung quanh

Thảo luận tại hội trường về vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Doãnh Khánh (đoàn Phú Thọ) đồng tình với việc luật hóa việc điều tra đặc biệt như 3 biện pháp được nêu trong dự thảo và các nhóm tội được thực hiện biện pháp này.

Tuy nhiên, đại biểu Khánh không đồng ý với trường hợp thứ 3. “Trường hợp thứ 3 chúng ta quy định là có đề nghị của người tố giác tội phạm và người bị hại áp dụng đối với chính họ. Về mặt lý thuyết thì đúng nhưng trên thực tế chúng ta không bao giờ tách con người này ra khỏi hoạt động chung của xã hội”, đại biểu Nguyễn Doãn Khánh nói.

Đại biểu đưa ra ví dụ như theo dõi việc bí mật, nghe họ trao đổi trên mạng và trao đổi qua điện thoại thì không phải một mình người bị hại hoặc người tố giác người ta tự nói chuyện với chính họ mà phải liên quan đến người khác. Hay khi tham gia hoạt động cộng đồng xung quanh họ còn rất nhiều người khác.

Theo đại biểu Khánh những người khác vô tình giao dịch và nằm trong không gian của người tố giác tội phạm và người bị hại hoạt động, không tự nguyện nhưng cũng bị thực hiện các biện pháp áp dụng tố tụng đặc biệt này là không phù hợp.

“Tôi đề nghị cần quy định chặt chẽ thủ tục thẩm quyền quyết định và giám sát việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ. Quy định rõ khung thời gian và số lần cho phép gia hạn tối đa, trong điều luật này không quy định”, đại biểu Nguyễn Doãnh khánh nêu kiến nghị.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Trần Đình Nhã (đoàn Thừa Thiên – Huế) đánh giá biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt là một chương mới và lần đầu tiên xuất hiện trong Luật tố tụng hình sự. Việc cho phép áp dụng biện pháp kỹ thuật ghi âm, ghi hình, nghe điện thoại bí mật, thu thập bí mật, dữ liệu điện tử và vấn đề quan trọng ở đây là cho phép sử dụng những kết quả áp dụng biện pháp kỹ thuật này làm chứng cứ chứng minh trong vụ án, không chỉ là chứng minh trong quá trình điều tra, trong quá trình truy tố mà còn chứng minh trong quá trình xét xử.

“Điều đó sẽ làm thay đổi quan niệm của chúng ta hiện nay. Xưa nay những tài liệu này không thể được làm chứng cứ trực tiếp, nhưng bây giờ nếu quy định như thế này thì đây là chứng cứ trực tiếp. Tôi thấy chỗ này có một số điều đề nghị xem lại, từ trường hợp áp dụng cũng như sử dụng thông tin tài liệu này như thế nào?”, đại biểu Trần Đình Nhã đánh giá.

Quang Phong