1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ngày về với nắm tro tàn

(Dân trí) - Sáng 10/3, làng Cương Gián - Nghi Xuân - Hà Tĩnh không còn sôi động như ngày nào mà trầm lặng. Dưới cơn mưa phùn giá lạnh, dòng người ở vùng quê giàu bậc nhất xứ Nghệ đã tổ chức đón rước những người con xuất ngoại xấu số trở về quê với nắm tro tàn.

Lẫn trong đám người đông đó, lòng tôi đăng đắng nghe tiếng khóc ai oán của người bố, người mẹ mất con, người vợ mất chồng...

 

Đau thương và nước mắt

 

Cả ngày 9/3, lãnh đạo làng Cương Gián liên tục nối máy với chúng tôi để báo tin chính xác ngày hai người con của làng tử nạn trên tàu đánh cá SEA WORLD 101 của Hàn Quốc được đưa về mai táng tại quê nhà. Nhưng mãi sáng 10/3, thi thể họ mới được đưa về làng Cương Gián.

 

7h sáng, chúng tôi leo xe đò về ngôi làng được tấn phong là giàu bậc nhất vùng bể Ngang xứ Nghệ. Cơn mưa phùn lất phất của đợt lạnh mới càng khiến ngôi làng Cương Gián thêm buồn. Con đường nhỏ rải nhựa vắt qua làng vắng bóng người đi. Tất cả họ đang hướng về Nghĩa trang trung tâm xã - nơi sẽ đón rước hai người con xấu số của làng tử nạn trên chuyến tàu đánh cá của Hàn Quốc. Lòng chúng tôi như đau quặn lại khi chứng kiến những khuôn mặt thẫn thờ, khô cạn nước mắt của người thân hai thủy thủ xấu số Nguyễn Văn Hạnh và Nguyễn Văn Tới.

 

Chị Phương, người mợ của thuỷ thủ Hạnh cố nén đau thương, kể với chúng tôi: Bố mẹ nó sinh được 8 chị em. Hạnh là đứa thứ 4. Năm nay nó 27 tuổi, là đứa khoẻ mạnh nhất nhà. Đông anh em, nên nhà nó cực lắm, mẹ ốm suốt ngày. Nhà nghèo nó phải bỏ học đi làm ăn, ở đây chỉ có đi làm ăn ở nước ngoài thôi. Nó đã đi bờ được 6 năm. Nhưng tính thanh niên bồng bột lắm, chưa tích góp được gì nhiều. Nắm trước về quê, cưới vợ, vay mượn anh em đi tiếp chuyến nữa, ai ngờ. Nó đi mà chưa để lại được cho ông bà một đứa cháu nội...

 

Người chị gái của Hạnh không thể nói nên lời. Chị khóc, chị gào thét cho đứa em trai xấu số: “Sao em nỡ bỏ chị, sao trời không công bằng” - Chị gái Hạnh khóc rồi lại quỳ xuống đất.

 

Ngày về với nắm tro tàn - 1

Chị Nga, vợ anh Hạnh với nỗi
đau mất chồng.

 Trong đám đông ấy tôi nhận ra một cô gái đến từ phương Nam, đó là chị Nga vợ Hạnh. Mấy ngày nay nỗi đau mất chồng đã lấy đi hết sức lực của chị. Chị Nga đứng đấy mà thẫn thờ, vô vọng. “Em quen anh ấy khi còn đi làm ở Hàn Quốc. Sau những tháng ngày tìm hiểu, bọn em quyết định về quê xây dựng hạnh phúc. Cưới xong anh bảo em ở nhà lo việc gia đình còn anh tiếp tục vay mượn đi chuyến nữa tích góp vốn làm ăn. Rồi anh đi Hàn Quốc, em cũng vào Nam sinh sống, làm việc chờ ngày anh về. Nhưng giờ thì anh ấy đã bỏ em”, chị Nga nghẹn ngào.

 

9h30, những chiếc xe ô tô chở tử thi chạy vào làng. Tiếng khóc, tiếng hô hoán vang vọng trong đám đông. Gia đình các nạn nhân người đứng, người ngồi xoài xuống đất. Ngày các anh ra đi mang biết bao hy vọng, nước mắt của hy vọng... thì ngày về nước mắt của họ là của nỗi đau thương.

 

“Theo tục lệ ở Cương Gián, linh cữu của các thủy thủ sẽ được đưa về nhà một ngày rồi mới đem đi mai táng” - Phó Chủ tịch UBND xã Cương Gián Hoàng Công Tuần nói với chúng tôi. Lời ông Tuần kết thúc cũng là lúc di hài của hai nạn nhân Hạnh và Tới được chuyển xuống những cái bàn nhỏ nghi ngút khói hương bên vệ đường. Một nghi lễ nhỏ được tiến hành để chuẩn bị đưa họ về với gia đình trước lúc mai táng ở nghĩa trang.

 

Chia sẻ nỗi đau

 

Chúng tôi rời đám đông đầy tiếng gào khóc theo những chiếc ô tô chở phía đơn vị cung ứng lao động, đại diện các nhà bảo hiểm về Trụ sở UBND xã Cương Gián. Các thông tin liên quan đến việc tử vong của hai nạn nhân được thông báo ngắn gọn tới gia đình họ.

 

Ngoài 2 thủy thủ xã Cương Gián xấu số, chuyến dừng chân định mệnh tại cảng Montevideo - Urugoay của tàu SEA WORLD 101 của Hàn Quốc còn có 3 thủy thủ khác của Việt Nam thoát nạn trong vụ nổ bình khí Amoniac. 3 nạn nhân may mắn sống sót là Phan Thanh Hà, sinh năm 1979, quê xã Xuân Liên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, Trần Văn Vinh, sinh năm 1975, quê Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, Nghệ An, Đinh Văn Lương, sinh năm 1983, quê Nghi Hải, thị xã Cửa Lò. Được biết, 3 nạn nhân may mắn nói trên đã về tới Hà Nội. Hiện cả 3 nạn nhân chưa trở về gia đình mà đang ở lại Hà Nội để giám định tỷ lệ thương tật.

Chúng tôi đọc được những dòng viết nghe đến hãi hùng của một thuyền viên may mắn sống sót sau vụ tai nạn: Khi chúng tôi đang làm việc thì bình chứa amoniac từ con tàu phát nổ, khi chạy lại thì nhiều người bị bỏng, được đưa ngay vào bệnh viện chữa trị. Lúc tỉnh giậy mới biết đã có người chết...”.

 

“Đây là một tai nạn rất thương tâm nằm ngoài ý muốn. Người mất thì đã rồi, chúng tôi biết nỗi đau này gia đình và địa phương khó vượt qua, cũng vì thế giờ là lúc chúng tôi làm hết trách nhiệm của mình để góp phần giúp các gia đình bớt đi nỗi đau” - ông Bùi Đình Châu - Giám đốc Công ty cung ứng lao động và Dịch vụ quốc tế (INMASCO) – đơn vị trực tiếp đưa hai thuỷ thủ xấu số xuất ngoại nói trong cuộc gặp mặt.

 

Phía INMASCO đã trao số tiền hỗ trợ lần hai cho gia đình các nạn nhân với số tiền 5 triệu đồng, đồng thời hứa làm hết sức mình liên hệ với chủ tàu gửi nốt số tiền lương, thưởng mà hai thuỷ thủ chưa nhận lúc còn lao động, và xin chủ tàu hỗ trợ gia đình hai nạn nhân chi phí hỗ trợ nhân đạo.

 

Cũng ngay trong cuộc gặp mặt này, phía công ty bảo hiểm Bảo Minh Nghệ An đã trao số tiền bảo hiểm thân thể 160 triệu đồng cho gia đình hai nạn nhân Hạnh và Tới. Còn đại diện chính quyền xã Cương Gián cho hay, ngoài việc lo tiếp thi hài hai nạn nhân, xã sẽ trích quỹ XKLD để hỗ trợ cho các gia đình lo đám tang.

 

Những con số quặn lòng

 

“15 năm sôi động với phong trào xuất khẩu lao động, đây là lần thứ 16 chúng tôi phải đón những người con trở về quê hương trong nước mắt. Chúng tôi đau và đau lắm”, Bí thư Đảng ủy xã Cương Gián Hoàng Minh Triết không cầm nỗi nước mắt.

 

“Phần lớn trong số những người tử nạn là đi làm nghề đánh cá trên biển” - Phó chủ tịch UBND xã Hoàng Công Tuần nói thêm. Những cái chết đến kinh hoàng, có người chết do nổ khí ga, có người chết vì bị lưới kéo xuống biển, cũng có người không chịu được sự khắc nghiệt trên tàu mà nhảy biển trốn vào bờ nhưng không kịp. Tất cả họ ra đi ở trong độ tuổi thanh xuân và mang một ước nguyện thoát nghèo.

 

Chúng tôi rời làng Cương Gián trong nỗi băn khoăn, Cương Gián đang vươn mình, cuộc sống ở đây đang đổi thay nhanh chóng, nhưng đổi lại người Cương Gián phải trả những cái giá qúa đắt, gần hai chục người con của làng vĩnh viễn ra đi trong độ tuổi sung sức, điều đó cũng đồng nghĩa với hơn một chục gia đình rơi vào cảnh mất con, mất chồng và mất cha.

 

Văn Dũng - Nguyên Nghĩa - Minh San