Bạc Liêu:

Ngày trở về của thiếu nữ đã được làm giỗ 2 năm

(Dân trí) - “Ngày em về nhà, trong túi chỉ có vài trăm ngàn. Đây là số tiền em giấu được lúc còn làm ở quán cà phê. Được trở về nhà sau 2 năm, gặp cha mẹ, anh em... là em hạnh phúc lắm rồi”, thiếu nữ mất tích suốt 2 năm chia sẻ.

Cú điện thoại lúc 10h đêm…

Tin em T.T.X (15 tuổi, ngụ xã Tân Phong, huyện Giá Rai) bất ngờ trở về nhà sau 2 năm mất tích đã làm xôn xao cả một xóm đạo ven sông Cà Mau- Bạc Liêu. Nhiều người dân cho biết, cách đây 2 năm, em T.T.X (lúc đó chỉ mới 13 tuổi) bỗng dưng mất tích, gia đình không thể tìm được em, ngỡ rằng em đã chết nên lập bàn thờ cho em. Và mỗi năm gia đình đều cúng giỗ đúng cái ngày em X. mất tích.

Bất ngờ cách đây vài ngày, em X. liên lạc về cho một người quen ở gần nhà. “Lúc đó tui nhớ khoảng 10 giờ đêm, khi đang ngủ thì nhận được số điện thoại lạ gọi đến. Tui vừa bắt máy lên thì đầu dây bên kia nói “con là bé X. đây Út ơi”. Tui hoảng hồn tỉnh dậy cứ tưởng nằm mơ gặp ma. Nhưng khi định tâm lại thì mới biết nó là bé X. mất tích 2 năm trước”, bà Út kể lại thời khắc em T.T.X. liên lạc với bà.

Ngay sau đó, bà Út hỏi han tình hình và em T.T.X. cho biết em đang làm trong một quán cà phê ở quận 9, TPHCM. Em T.T.X. cho biết, em có địa chỉ trang facebook nên kêu bà Út tìm trên đó sẽ thấy hình của em. Sau đó, bà Út đã nhờ con trai lục tìm thì thấy hình của em T.T.X. trên trang facebook mang tên H.M. Nhận ra em T.T.X, bà Út liền báo cho gia đình em. Ngay sáng hôm sau, gia đình báo công an.

Qua các nghiệp vụ, Công an tỉnh Bạc Liêu đã tiếp cận đúng quán cà phê mà em X. đang làm ở TPHCM. Ngày 22/10, em X. được đưa trở về nhà trong niềm vui mừng khôn xiết của gia đình.

Em T.T.X. kể lại vụ việc với PV

Em T.T.X. kể lại vụ việc với PV Dân trí. (Ảnh: Giang Hải Yến)

Ngày trở về của thiếu nữ 15 tuổi 

Gặp chúng tôi tại nhà, em T.T.X. không ngần ngại chia sẻ những ngày tháng em làm việc ở quán cà phê trên TPHCM. Em kể, 2 năm trước, do nhà nghèo nên em đi bán vé số kiếm tiền phụ giúp gia đình. Một ngày, do bán còn tồn nhiều, sợ về sẽ bị cha mẹ la nên em đã đón xe đò lên TPHCM để kiếm việc làm. Khi đi em X. giấu không báo cho ai biết.

X. kể, khi lên bến xe miền Tây, một lái xe ôm hỏi thăm thì em X. nói em đi tìm việc làm. Ngay sau đó, lái xe ôm này nói sẽ giới thiệu cho em làm ở quán cà phê, mỗi tháng 3 triệu đồng. X. tin lời nên đi theo và sau đó lái xe ôm giao em cho một người khác lấy vài trăm ngàn đồng. Từ đó, X. phải làm việc trong quán cà phê mà sau đó em mới biết là quán cà phê ôm.

Em X. cho biết, quán cà phê mở cửa đón khách từ khoảng 8h sáng đến 12h đêm. “Chủ quán của em không có trả lương gì hết. Tụi em chỉ có tiền khách bo thôi. Mà ngày nào cũng có khách, quen có, lạ có nên có lúc em rất mệt nhưng cũng phải làm vì em thường được khách gọi lại ngồi”, X. kể.

X. cho hay, em và các nhân viên trong quán chỉ ở trong quán chứ ít khi được chủ cho đi đâu. Chỗ ở thì chủ lo nhưng ăn uống thì chủ quán lấy tiền. Tiền bo của nhân viên giao cho chủ để chủ mua đồ và những chi phí sinh hoạt khác nên hầu như nhân viên không giữ được gì.

X. cũng cho biết, có một lần em bỏ trốn nhưng bị chủ phát hiện nên bị bắt lại. “Có lúc em và nhân viên trong quán cũng bị chủ quán chửi, đánh vì không vừa lòng chủ”, X. nói.

Trong một lần tiếp khách, X. quen một người cùng quê nên đã nhờ người này liên lạc về với gia đình. “Em nhờ anh này xin số điện thoại của người ở quê em mà ảnh quen, sau đó, em đã gọi về cho cô Út hàng xóm. Rồi công an lên tìm em và đưa em về nhà”, X. cho biết quá trình mình được đưa về nhà sau 2 năm ở TPHCM.

“Ngày em trở về chỉ có vài trăm ngàn trong túi. Đây là số tiền bo mà em giấu được lúc em làm ở quán cà phê. Với em thì được trở về nhà, được gặp cha ẹm, anh em là mừng lắm rồi. Em có mong mỏi gì nữa đâu”, X. chia sẻ.

Bày tỏ thêm với chúng tôi, X. nói: “Giờ em ở nhà, cha mẹ em cũng không cho em đi đâu nữa. Chắc mai mốt em cũng tìm việc làm ở gần nhà để có tiền phụ gia đình. Em sợ lắm khi phải đi làm việc ở xa”.

Giang Hải Yến