1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Ngày thứ 7 định mệnh

(Dân trí) - Hôm nay, đúng một tuần sau ngày xảy ra thảm họa núi lở tại công trường thuỷ điện Bản Vẽ. 18 con người đã vĩnh viễn ra đi - thảm họa có thể nói chỉ đứng sau vụ sập cầu Cần Thơ - xảy ra vào một ngày cuối tuần đáng nhẽ chỉ dành cho những nghỉ ngơi, sum họp…

Bới núi tìm xác bạn

 

Một tuần đã trôi qua sau ngày định mệnh ấy. 18 nạn nhân, mỗi người một quê hương, một hoàn cảnh, nhưng ai cũng nghèo… Công trình thủy điện lớn nhất xứ Nghệ đang trong giai đoạn nước rút, và những người công nhân cũng tích cực làm để kiếm thêm chút tiền tiêu ngày cuối năm.

 

Hiện mới tìm được thi thể của 8 nạn nhân, người thứ 9 mới phát hiện được một phần thi thể, phải chờ giám định ADN mới có thể xác định danh tính. Cho đến lúc này, công cuộc kiếm tìm vẫn đang được triển khai tích cực. Nhưng mong muốn đưa được những thi thể nguyên vẹn ra khỏi hàng tấn đất đá là không dễ.

 

Ngày thứ 7 hôm nay, đội cứu hộ cho biết đã thấy mùi xú khí bốc lên từ dưới đống đất đá, không khí tang tóc vẫn bao trùm công trường. 

 

Anh Thái Sơn - kỹ sư kiêm giám đốc điều hành Ban quản lý dự án thuỷ điện Bản Vẽ - tâm sự: “Đúng một tuần nay, anh em thức trắng. Nhiều người phờ phệch, mắt đỏ hoe, nhiều anh em đang gầy rộc đi. Riêng tôi đã giảm 3kg. Thương anh em lắm nhưng chúng tôi cũng chỉ biết động viên. Hơn nữa, áp lực đặt lên hàng đầu là phải tìm thấy 9 thi thể còn lại một cách sớm nhất. Nếu không năm nay anh em chẳng thể về quê ăn tết cùng gia đình…”.

 

Những ngày xuân buồn

 

Chị Phạm Thị Nhâm, chị dâu nạn nhân Lương Văn Tân, quê Hoà Bình, đang công tác tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Bình. Hay tin em chồng bị chôn vùi dưới núi đá, chị xin nghỉ phép, bắt xe từ Quảng Bình lên Tương Dương lo hậu sự cho em. Nhưng đến giờ, sau 7 ngày, xác em vẫn chưa tìm thấy.

 

Chị cầm trong tay một hòn đá lớn, vừa hôn lên đá vừa trào nước mắt: “Chú Tân. Sao chú lại bỏ cha mẹ già mà đi. Chú hứa năm nay về thăm ông bà, anh chị sao lại từ biệt mà chẳng nói với mẹ một câu”.

 

Ngày thứ 7 định mệnh  - 1

Anh Vũ Văn Mạnh may mắn sống sót sau vụ lở núi đang thắp nén hương tiễn đồng nghiệp. (Ảnh: N.Duy)

 

Anh Ngô Xuân Nghiệp ở Sông Đà 5 tâm sự: “Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là tết, nhưng vụ tai nạn này đã cướp đi mùa xuân của những người trai trẻ. Kẻ đang chuẩn bị lấy vợ, người vừa có con đầu lòng, người còn bố mẹ già ốm yếu… Nỗi đau mất người thân đang bao trùm lên 18 gia đình trong ngày xuân này”.

 

Những ngày cuối năm, thời tiết âm u kéo theo từng đợt gió lạnh. Không khí vốn u ám nơi Bản Vẽ nay càng thê lương bởi những tiếng khóc ai oán của người nhà các nạn nhân chưa tìm được xác. Anh Dương Bạch Long, người thân nạn nhân Nguyễn Thế Sơn, quê Nghệ An, chia sẻ: “Mùa xuân này chúng tôi dành để tưởng nhớ các nạn nhân xấu số. Tội nghiệp quá anh ạ. Anh Sơn nhà tui vừa mới nhận chức (kỹ sư được giao nhiệm vụ tại mỏ đá D3 - PV) hôm trước, hôm sau đã mất mạng rồi”.

 

Anh Đoàn Văn Mạnh, Phó TGĐ Sông Đà 2, não nề: “Chúng tôi thật sự xót xa, không thể ngờ được việc này lại xảy ra nhanh như thế. Hôm đó, cũng “may” mà máy nghiền hư nên chỉ có 22 người làm ở mỏ đá D3, chứ mọi hôm lúc nào cũng 30-40 người”.

 

Theo anh Mạnh, năm nay đại diện công ty sẽ đến thăm và tặng quà động viên cho các gia đình nạn nhân. “Cái quan trọng nhất bây giờ là tình người, mình không thể phụ lòng những vong linh đã hy sinh”, anh chia sẻ.

 

Còn anh Nguyễn Quang Tuyến - Quản đốc dây chuyền nghiền Xí nghiệp 208 - lại có một nỗi lo lắng khác: “Vấn đề đặt ra hàng đầu hiện nay là phải đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn. Tuyệt đối không để xẩy ra những tai nạn thứ phát”.

 

Cũng theo anh Tuyến, nguyên nhân gây ra sự cố lở núi có thể là do tầng địa chất tại mỏ đá D3 phức tạp nhưng đơn vị khảo sát, thiết kế mỏ đã không lường hết để đưa ra những giải pháp đảm bảo an toàn lao động; khi sự cố bất ngờ xảy ra, anh em cán bộ công nhân đã không kịp trở tay.

 

Nguyễn Duy