1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ngày Tết nhớ bánh chưng Hoàng Công

(Dân trí) - Bánh chưng gợi nhớ ngày Tết hay Tết gợi hương vị bánh chưng? Không biết tự bao giờ, món bánh truyền thống ấy đã trở thành thứ không thể thiếu trên mỗi bàn thờ tổ tiên, thành món ăn đặc trưng của những ngày đón năm mới…

Về Đà Nẵng những ngày này, thấy khắp thành phố xuất hiện những tấm biển “nhận làm bánh chưng” của nhiều cơ sở, nhưng ngon nhất, nổi tiếng nhất vẫn là bánh chưng Hoàng Công.

 

Bánh chưng Hoàng Công ra đời cách đây gần 100 năm. Cụ ông Hoàng Công và cụ bà Nguyễn Thị Khế là người ngoài Bắc, vào Đà Nẵng lập nghiệp rồi đưa luôn cả nghề gói bánh chưng vào đây, xây dựng nên thương hiệu bánh chưng Hoàng Công.

 

Hai cụ qua đời, truyền lại nghề cho con gái là bà Hoàng Thị Thái và con rể là Nguyễn Ngọc Ưng. Bà Thái bắt đầu sự nghiệp gói bánh chưng đã hơn 30 năm nay. Trong nhà, bà là người gói chính, ngoài ra, các con gái bà cũng được mẹ truyền nghề, trở thành những “nghệ nhân” trong làng gói bánh chưng.

 

Bà Thái tâm sự: “Tôi biết gói bánh chưng từ hồi nhỏ. Đối với tôi đó không chỉ là công việc mà còn là niềm đam mê”.

 

Trước đây, bánh chưng Hoàng Công được gói bán hàng ngày. Mấy năm gần đây, do tuổi đã cao, các con gái đi lấy chồng xa, không có ai phụ giúp nên chỉ đến dịp Tết, bà Thái mới nhận gói bánh để “chiều lòng” khách.

 

Đến hiệu bánh chưng Hoàng Công những ngày giáp Tết thấy nhộn nhịp người ra vào đặt bánh. Anh Vinh, một người đến đặt bánh, hồ hởi khoe: “Năm nào tôi cũng đến đặt mua bánh chưng Hoàng Công. Ăn không biết chán. Hơn nữa, Tết đến có được những chiếc bánh chưng ngon thờ ông bà thấy lòng mình cũng vui hơn”. Một chị khách hàng khác cho biết năm nào chị cũng phải đến đây đặt bánh sớm kẻo… hết phần.

 

Hiếm có nơi nào, cứ gần đến Tết, người dân lại nô nức rủ nhau đi đặt bánh chưng của một hiệu bánh như Đà Nẵng. Mà không chỉ người Đà Nẵng “mê” bánh Hoàng Công, người Việt ở nước Nhật, nước Ý… xa xôi cũng muốn có cặp bánh chưng Hoàng Công bày bàn thờ ngày Tết.

 

Ông Ưng cho biết: “Mấy ngày trước có một tàu đi Nhật đã đến đặt 60 chiếc để đưa qua bên Nhật ăn”. Đắt hàng là thế nhưng nhà bà Thái năm nào cũng chỉ nhận làm 2.000 chiếc là “khoá sổ”. Có năm hết bánh rồi mà vẫn có khách nài nỉ, gia đình bà lại phải hy sinh cặp bánh thờ ông bà, nhường khách. “Thấy khách yêu mến bánh của mình như thế mình không nỡ lòng nào từ chối”, bà Thái tâm sự.

 

Với gia đình bà Thái và những người yêu bánh chưng Hoàng Công, chiếc bánh chưng vuông nhỏ bé không còn đơn thuần là món ăn truyền thống ngày Tết mà đã trở thành niềm vui, niềm hân hoan sum họp, là món ăn tinh thần trong những ngày đầu năm mới.

 

Khánh Hồng