1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ngày giỗ của 87 nạn nhân bão Chanchu: "Chúng tôi không thể bỏ biển!"

(Dân trí) - Tính theo ngày âm lịch thì ngày 19-20 tháng Tư âm lịch này (nhằm ngày 25-26/5/2016) là ngày giỗ chung lần thứ 10 của 87 nạn nhân trong cơn bão Chanchu năm 2006 ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam.

Trong ngày giỗ chung này, nhiều con em của các nạn nhân đã không được ở nhà để lo giỗ cho bố của mình, họ không thể bỏ biển dù biển đã “lấy” đi người thân của họ.

Trong ngày giỗ lần thứ 10 này, chúng tôi đã về với những “góa phụ Chanchu” và chia sẻ cùng họ cuộc sống trong 10 năm qua và hiện tại.

Chị Nguyễn Thị Lâu đang kể lại ký ức xưa. Bên cạnh là 2 cô con gái
Chị Nguyễn Thị Lâu đang kể lại ký ức xưa. Bên cạnh là 2 cô con gái

Cách đây 10 năm, chị Nguyễn Thị Lâu (thôn Bình Tân, xã Bình Minh) tròn 38 tuổi, lúc này chị đang mang bầu cô con gái út hiện tại thì nghe tín sét đánh. Chồng chị - anh Võ Văn Mến lúc đó cũng vừa tròn 40 tuổi - đã bỏ mạng ngoài biển bởi cơn bão Chanchu để lại cho chị 5 người con và một đứa đang mang trong bụng.

Khi nghe tin dữ, chị ngất xỉu liên tục và không hay biết gì, mọi việc lúc bấy giờ người thân lo giúp, cũng may giữ được cái thai trong bụng. Một tháng sau, cháu Võ Thị Tuyết Hương ra đời và năm nay cháu cũng vừa tròn 10 tuổi. Cháu sinh ra đã không biết mặt bố, 10 năm qua, hình ảnh của bố chỉ là tấm hình cưới do mẹ cháu chụp với bố được treo ở nhà. Giờ cháu Hương đang học lớp 4.

Chị Lâu cùng các con của mình thắp hương cho chồng trong ngày giỗ 10 năm
Chị Lâu cùng các con của mình thắp hương cho chồng trong ngày giỗ 10 năm

Nhớ lại cái thời khắc đau lòng đó, chị Lâu chia sẻ: “Lúc đó tôi nghe tin thì ngất xỉu, không biết gì nữa. Mấy anh chị em trong nhà xúm lại giúp đỡ chứ hồi đó rối trí quá, có làm được gì đâu”. Cùng đi trên chuyến tàu ngày đó có em chồng chị Lâu là anh Võ Văn Mạnh. 2 anh em ruột cùng với hơn 20 bạn tàu ở các địa phương khác đã không trở về.

Từ ngày chồng mất, chị Lâu một thân một mình nuôi đàn con 6 đứa. Mọi khó khăn đều dồn lên đôi vai của chị. “Lao động chính trong nhà đã mất, chỉ còn một mình tôi nuôi đàn con dại. Lúc đó có nhiều tổ chức và Nhà nước giúp đỡ nhưng không đủ để nuôi các con của mình ăn học cho đàng hoàng được”, chị chia sẻ.

Lời tâm sự của một góa phụ Chanchu

Để nuôi đàn con, chị làm tất cả, từ buôn gánh bán bưng đến đi làm thuê, buôn cá buôn mắm… cái gì có thể kiếm ra tiền chị cũng làm. Chị cho biết, hiện nay cô con gái út đang gửi chị ruột ở nhà nuôi giúp để mình ra Đà Nẵng đi làm giúp việc cho người ta.

Nhà bà Nguyễn Thị Tê (54 tuổi, thôn Bình Tịnh) cũng vừa làm đám giỗ lần thứ 10 cho chồng. Chồng bà Tê là ông Phạm Phú Cường mất khi ông 47 tuổi. Trong số 87 nạn nhân cơn bão Chanchu, chồng bà là một trong số rất ít những người tìm được thi thể.

Theo lời bà kể, lúc đó bà ngất xỉu nên khi thi thể chồng được đưa về Đà Nẵng, thì bà không thể ra nhận được, các con bà thì còn nhỏ. Sau đó, thi thể của chồng bà được chính quyền Đà Nẵng chôn cất ở nghĩa trang. “Hiện mộ của ổng cũng đã được xây cất tươm tất nhưng ước muốn của tôi là được đưa mộ của chồng về nhà để gần gia đình, con cái và tiện việc hương khói nhưng khó khăn quá, không có tiền để đưa ổng về gần nhà được”, bà Tê nói trong nước mắt.

Trưa 25/5, chúng tôi đến nhà bà Trần Thị Liên (thôn Bình Tịnh) cũng là lúc bữa giỗ đã được làm xong. Bà và hàng xóm cùng quây quần bên mâm cỗ. Bà năm nay đã 59 tuổi, chồng bà là ông Nguyễn Văn Ba lúc xảy ra tai nạn vừa tròn 50 tuổi.

Không may cho bà, đứa con trai đầu tên Nguyễn Văn Tam lúc đó vừa 24 tuổi cũng bỏ mạng ngoài biển cùng bố. Chồng bà tìm được thi thể để đưa về chôn cất, còn con trai không tìm thấy thi thể. Hiện mộ của 2 bố con ở cạnh nhau nhưng mộ của con bà chỉ là mộ gió.

Sau khi chồng và con tử nạn, bà phải một nách nuôi 5 người con. “Ai kêu gì tôi làm nấy, đi buôn đi bán kiếm ngày năm bảy chục nuôi con chứ ở vùng này ngoài đàn ông làm nghề biển thì phụ nữ chỉ làm những công việc thế thôi. Nghĩ đến các con nên tôi cố gắng thôi”, bà Liên tâm sự.

Bà Trần Thị Tê thắp hương cho chồng trong ngày giỗ tròn 10 năm
Bà Trần Thị Tê thắp hương cho chồng trong ngày giỗ tròn 10 năm

Trong 5 người con của bà Liên thì đứa con gái lớn đã lấy chồng, còn con trai lớn đang theo tàu bạn đi câu mực. Trong ngày giỗ lần thứ 10 này, cũng vì mưu sinh mà người con trai của bà không thể về được. Bà tâm sự: “Nó vừa đi được mấy ngày, hôm nay giỗ cha với anh nó cũng không về được. Biết sao bây giờ, nghề biển mà. Lênh đênh cả tháng trời trên biển, chỉ về nhà được ít ngày rồi lại phải đi. Không đi thì làm gì để sống”.

Bà Liên cũng tâm sự, biển đã “giữ” luôn đứa con trai cả của bà nhưng không vì thế mà người dân ở đây cũng như gia đình bà bỏ nghề vì đây là nghề truyền thống của cha ông để lại. Không đi biển thì biết làm gì bây giờ?

Hầu hết những “phụ nữ Chanchu” mà chúng tôi tiếp xúc trong ngày giỗ tròn 10 năm đều cho biết, sau khi chồng tử nạn ngoài biển, họ rất vất vả mưu sinh để nuôi con, không ai đi bước nữa. Thực tế, tại “làng Chanchu” hầu hết các góa phụ đều ở vậy thờ chồng nuôi con.

Với những người phụ nữ Chanchu, dù biển đã lấy mất người thân của họ nhưng nghề biển đối với họ là cuộc sống, là máu thịt, bởi vậy họ không thể rời xa biển!

Công Bính