Ngày 1/7 - Ngày của “Luật vì dân sinh”
(Dân trí) - Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá; Luật Phòng chống bạo lực gia đình; lệnh cấm lưu hành xe 3-4 bánh tự chế, cấm bán hàng rong... đều có hiệu lực thi hành bắt đầu từ hôm nay, ngày 1/7/2008.
Những luật, quy định này khi đi vào cuộc sống sẽ có tác động lớn đến đời sống kinh tế, xã hội của mọi người dân. Dân trí xin giới thiệu một số luật, quyết định pháp luật quan trọng.
Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá: Người tiêu dùng sẽ không còn bị “bắt nạt”
Thực tế cho thấy, từ thời điểm 1/7/2008 trở về trước, chính sách và giải pháp của Nhà nước về lĩnh vực này còn thiếu và yếu khi chưa phân định rõ trách nhiệm về chất lượng hàng hoá, chưa xử lý các vi phạm triệt để, tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn kém, dẫn đến quyền lợi của người tiêu dùng dễ dàng bị xâm hại.
Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá ra đời đã khắc phục hầu hết những hạn chế của Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá đã sửa đổi năm 1999 và Nghị định 179/2004/NĐ-CP ra ngày 21/10/2004. Cụ thể, đó là quy định yêu cầu kiểm tra chất lượng hàng hoá nước ngoài nhập khẩu ngay từ nơi sản xuất ở nước ngoài, những hành vi như thông tin, quảng cáo sai sự thật hoặc có hành vi gian dối về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, về nguồn gốc và xuất xứ hàng hóa được quy kết lỗi vi phạm cụ thể.
Luật này cũng quy định, người sản xuất có nghĩa vụ phải kịp thời ngừng sản xuất, thông báo cho các bên liên quan và có biện pháp khắc phục hậu quả khi phát hiện sản phẩm, hàng hoá gây mất an toàn hoặc sản phẩm, hàng hoá không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; thu hồi, xử lý sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng…
Hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực này cũng được đổi mới theo hướng đảm bảo tối đa tính tự chủ của doanh nghiệp. Hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải đảm bảo minh bạch, khách quan, không phân biệt đối xử, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng…
Nhiều người dân đang đặt niềm kỳ vọng về một luật mới ra đời, sẽ giúp họ không còn dễ dàng bị “bắt nạn” như trước đây.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có 6 chương, 46 điều ra đời trong hoàn cảnh tình trạng bạo lực gia đình đang có chiều hướng gia tăng, gây nên những bất ổn tiềm ẩn cho xã hội. Bước đường tiến tới việc phát hiện, xử lý luôn gặp “chông gai” bởi chính thủ phạm, nạn nhân hoặc thậm chí, ngay cả sự làm ngơ của chính quyền địa phương. Sự ra đời của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sẽ giúp cho hàng nghìn người trên khắp cả nước đang là nạn nhân của nạn bạo hành gia đình.
Các hành vi bạo lực gia đình được quy định rõ trong Luật gồm có 4 nhóm hành vi lớn sau: Nhóm 1, nhóm hành vi bạo lực về thể chất: bao gồm hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập… Nhóm 2, nhóm hành vi bạo lực về tinh thần: bao gồm các hành vi lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhóm 3, nhóm hành vi bạo lực về kinh tế: bao gồm chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình; cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; Nhóm 4, nhóm hành vi bạo lực về tình dục: gồm có hành vi cưỡng ép quan hệ tình dục.
Điểm đặc biệt của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là các quy định về "Bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình" tại Chương III. Nội dung chương này quy định về một số biện pháp hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân. Đó là: cấm tiếp xúc giữa người gây bạo lực và nạn nhân bạo lực gia đình. Việc chăm sóc sức khoẻ cho nạn nhân tại cơ sở khám, chữa bệnh được quy định rõ là Quỹ bảo hiểm y tế sẽ chi trả chi phí cho việc khám và điều trị đối với nạn nhân bạo lực gia đình có bảo hiểm y tế, còn các đối tượng khác sẽ theo quy định của pháp luật về viện phí…
Thay thế xe 3-4 bánh tự chế
Từ hôm nay 1/7, lệnh cấm lưu hành xe 3-4 tự chế trên cả nước theo Nghị quyết số 32 ngày 29/6/2007 của Chính phủ chính thức có hiệu lực. Ngày 18/6/2008, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã ra Công văn số 4642/BGTVT-VT về việc thực hiện quản lý xe công nông, xe tự chế 3-4 bánh theo quy định của Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP và 05/2008/NQ-CP.
Bộ trưởng yêu cầu: các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động chủ phương tiện và nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ về quản lý xe công nông, xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3-4 bánh tham gia giao thông. Kiên quyết thực hiện việc đình chỉ lưu hành xe công nông và xử lý nghiêm các hành vi điều khiển loại xe này tham gia giao thông…
Đình chỉ lưu hành ngay loại xe cơ giới 3 bánh tự chế (xe chưa được các cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật, đăng ký và cấp biến số theo quy định) mà người điều khiển không phải là thương binh, người tàn tật tham gia giao thông.
Các xe cơ giới 3 bánh dùng làm phương tiện đi lại của thương binh, người tàn tật (không chở thêm người và hàng hóa) chưa đăng kiểm, đăng ký và cấp biển số phải thực hiện việc đăng kiểm, đăng ký và cấp biển số. Các xe không có đăng ký và biển số chỉ được phép lưu hành đến hết ngày 31/12/2008.
Tuy nhiên, một vấn đề lớn đang đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay là định hướng cho người dân khi chuyển đổi phương tiện. Một số địa phương vẫn đang loay hoay vì chưa có phương án nào thay thế, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các chủ xe 3, 4 bánh.
Còn nhớ, từ 1/1/2008 lệnh cấm xe 3-4 bánh tự chế theo kế hoạch đặt ra, đã có thể thực hiện. Nhưng đêm giao thừa ngày 31/12/2007, Bộ trưởng Bộ GTVT gửi công điện khẩn đến các địa phương để chính thức lùi thời điểm cấm xe tự chế. Trước đó, một vài địa phương cũng có hiện tượng “xé rào” xin hoãn thời điểm thực hiện lệnh cấm.
Ngược lại, một số địa phương như TP Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Tháp... vẫn thông báo tuân thủ nghiêm lệnh cấm của Chính phủ.
Hà Nội cấm hàng rong tại 62 tuyến phố: Nín thở chờ thực hiện
Hàng ngàn người sẽ gặp không ít bỡ ngỡ, khó khăn khi quy định này chính thức có hiệu lực từ hôm nay. Cũng vì lẽ đó, đã nảy sinh nhiều ý kiến khác nhau khi danh mục 62 tuyến phố, 48 vị trí di tích lịch sử cấm bán hàng rong được UBND TP Hà Nội công bố chính thức.
Theo Kế hoạch số 51/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Quyết định số 02/2008/QĐ-UBND quy định về quản lý hoạt động bán hàng rong, UBND TP Hà Nội giao cho Sở Giao thông - Công chính và UBND các quận, huyện từ ngày 25 đến 31/5 đã tổ chức cắm xong biển báo cấm bán hàng rong trên các tuyến đường, khu vực không được phép bán hàng rong. Từ 1 đến 30/6, các lực lượng chức năng của thành phố, quận, huyện, phường, xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, chủ yếu là nhắc nhở và hướng dẫn hoạt động bán hàng rong.
Và từ 1/7, các lực lượng chức năng trên toàn thành phố ra quân kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Trao đổi với báo giới vào chiều 30/6, một lãnh đạo của UBND thành phố Hà Nội khẳng định quyết tâm “thực hiện kiên quyết, không đánh trống bỏ dùi theo kiểu chiến dịch”. Thể hiện rõ nét nhất điều này là bảng phân công theo dõi cụ thể vị trí kiểm tra của từng vị lãnh đạo thành phố trong ngày ra quân.