1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nghệ An:

Ngập ngụa trên con đường đau khổ nhất miền Tây xứ Nghệ

(Dân trí) - Cung đường vào Na Ngoi, xã biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An được mệnh danh là "đau khổ nhất miền Tây xứ Nghệ", bởi nó luôn ngập ngụa trong bùn lầy.

Những ngày cuối tháng 3/2015, tiết trời ở mảnh đất Na Ngoi u ám, thi thoảng trời lại đổ cơn mưa. Mảnh đất này quanh năm mây vẫn bao phủ bởi độ cao của nó, càng khiến cho Na Ngoi trở nên âm u hơn bao giờ hết.

Ngập ngụa trên con đường đau khổ nhất miền Tây xứ Nghệ

Chúng tôi sải theo cung đường này vào một ngày mưa vừa ngớt khi những chuyến xe máy vừa “cày” độ dài chặng đường hơn 300km từ thành phố lên. Bà con nơi đây cho biết, mấy ngày cuối tháng 3/2015 vừa qua mưa nhiều nên đường vào Na Ngoi gian nan, vất vả lắm, phải đi bộ thì mới an toàn.

Khi chúng tôi đang tìm cách để vào Na Ngoi được thuận lợi nhất thì bất chợt trời đổ mưa nặng hạt, đồng nghĩa với việc tuyến đường đi vào cái xã khó khăn này chịu cứng vì bùn ngập ngụa, xe cộ đi lại chỉ còn cách cài số 1, dắt bộ và thêm một người đẩy từ phía sau.

Nói về "con đường đau khổ" này, thầy cô giáo ở Na Ngoi luôn khiếp sợ bởi hễ vào mùa mưa là đường không thể đi nổi, các em học sinh ở vùng này đi học cũng phải lội bùn, đi ủng... Dù con đường chỉ dài khoảng 15km.

Thầy Nguyễn Quang Huy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Ngoi 1 - cho biết: “Tôi lên đây công tác từ năm 1987. Đến nay đã gần 30 năm công tác giảng dạy tại đây. Để đi vào Na Ngoi được suôn sẻ thì phải đi vào mùa hè, khi nhiệt độ lên 36 độ. Từ ngày tôi lên đây, đi con đường này chưa bao giờ được sướng lên một tý. Trước đây, để vào được Na Ngoi thì phải đi bộ, trèo đèo, lội suối... Tuy nhiên, những năm trở lại đây, Nhà nước có đầu tư hơn, đường đi lại đỡ vất vả hơn, xe máy vào được tận trụ sở xã, tuy nhiên cứ trời mưa thì bùn lầy lội, đi lại vất vả gấp bội phần. Nhà báo thấy đó, mới tuần vừa rồi mưa, bùn đã nhão nhoẹt lút cả bánh xe máy....”.

Xã Na Ngoi với 100% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mông chiếm 99%, còn lại 1% là người Thái và Khơ Mú. Cuộc sống của người dân nơi đây gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn... Trong đó phải kể đến là cung đường đi lại. Mùa nắng thì còn đỡ, cứ trời mưa xuống là cung đường này như bị chia cắt.

Một trong những ngôi trường có nhiều học sinh ở bản xa phải đi bộ lội bùn nhiều nhất đó là Trường THCS Na Ngoi. Theo thầy Nguyễn Thế Hiền - Hiệu trưởng nhà trường, một số các em ở trường phải đi bộ lội bùn vào mùa mưa, khi đến trường các em quần áo dường như lấm lem bùn, chân bị đất đá cào xước.

“Hiện nay trên xã Na Ngoi đang có dự án làm đường vành đai biên giới, nhiều xe tải chở gỗ (gỗ tận thu) đang hoành hành, cày phá ngày đêm khiến cho con này trở nên đau khổ hơn bao giờ hết. Nhiều em học sinh ở trường chúng tôi cũng phải lội bùn để đến trường và gặp khá nhiều khó khăn...”, thầy Hiền chia sẻ.

“Nói đến vùng cao là ta thường nghĩ đến những hình ảnh bản làng, những con đường uốn lượn quanh co, những ngôi nhà sàn lúp xúp và cuộc sống giản dị có phần thiếu thốn của người dân tộc thiểu số. Nhưng nếu bạn một lần được đến Na Ngoi (Kỳ Sơn, Nghệ An) thì chắc hẳn bạn phải giật mình vì cuộc sống của bà con nơi đây. Tôi cũng đã đặt chân đến nhiều nơi trên vùng cao miền núi phía Bắc nhưng quả thật chưa ở đâu khủng khiếp như ở Na Ngoi. Người dân nơi đây không chỉ đói khổ về vật chất, thiếu thốn về văn hoá, mà họ còn phải đối mặt hàng ngày với những con đường giao thông lầy lội, đi lại cực kỳ khó khăn vất vả”, người anh đồng hành trên hành trình lên với núi rừng Na Ngoi - Phạm Đình Quý (đến từ Hà Nội) chia sẻ.

Na Ngoi nghĩa là "ruộng trên cao". Na Ngoi nằm ở độ cao 1200m so với mặt nước biển, chính vì thế mà khí hậu ở đây quanh năm "nắng ít, mưa nhiều".

Anh Quý chia sẻ thêm: “Suốt chặng đường 15km không có lấy một chỗ bằng phẳng khô ráo, tất cả đều sình lầy ổ trâu ổ bò, các em học sinh đều phải cuốc bộ đến trường bằng những đôi ủng, nhà đã xa, đường thì lầy lội nên đứa nào cũng mướt mải mồ hôi như vừa được vớt từ suối lên; còn các thầy cô và người dân ở đây thì quá vất vả và chấp nhận những thiệt thòi. Cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh cũng ngại lên đây bởi chính con đường này”.

Cũng theo anh Quý, đây lần thứ 3 anh đến với Na Ngoi thì cả 3 lần đều được Na Ngoi "trải thảm đỏ” (ý nói đến đất đỏ trên cung đường này luôn là ám ảnh đối với anh) tiếp đón. 

“Nhìn những đôi chân các em gầy yếu lê lết trên đường mà thấy thương chúng quá. Hôm nay tôi về đây để xây dựng cho các em 2 ngôi nhà bán trú, doanh nghiệp tài trợ cho chương trình này cũng đã ủng hộ hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa cho Nghệ An, đó là điều vô cùng trân trọng và quý báu. Nhưng thiết nghĩ những con đường như đường vào Na Ngoi này cần được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư, bởi giao thông là huyết mạch là chìa khoá mở ra cánh cửa để Kỳ Sơn thoát nghèo. Có như vậy kinh tế đồng bào miền núi mới thực sự chuyển biến và đi lên”, anh Quý tâm sự.

Còn ông Vừ Chồng Và - Chủ tịch xã Na Ngoi cho biết: “Ơ, cái đường vào xã ta à, khó đi lắm. Mưa xuống thì bùn lầy lội, những hố bùn to lắm, to như cái vũng bom trên đường. Hôm qua ta mới ra huyện bằng xe máy phải dùng ủng để đi lại mà bùn vẫn ngập ngang bánh xe. Cung đường này được xem là khổ ải nhất ở Nghệ An đó nhà báo ơi. Nguyên nhân thì nhiều lắm, nào là xe chở gỗ từ đường tiểu ngạch bên Lào về, xe chở vật liệu làm đường vành đai cày nát hết rồi... Nhiều lần chúng tôi đề xuất lên huyện nhưng vẫn không có kết quả... Bà con xã ta cũng mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm hơn nữa, bởi người dân ta đang khó khăn, gian khổ lắm”.

Thiết nghĩ cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An cần quan tâm hơn nữa cung đường vào Na Ngoi sớm được thực hiện như lời mong ước của vị chủ tịch xã này cũng như bà con nhân dân xã khó khăn nơi biên giới Việt - Lào. Bởi đây là huyết mạch giao thông chính, là chìa khoá mở ra cánh cửa để Na Ngoi thoát nghèo, để các em học sinh đến trường được thuận tiện hơn.

Một số hình ảnh con đường đau khổ nhất Miền tây xứ Nghệ được PV ghi lại:

Bùn đỏ au nhão nhoẹt..
Bùn đỏ au nhão nhoẹt..

Một đoạn đường màu đất bạc cũng bùn đặc quánh.
Một đoạn đường màu đất bạc cũng bùn đặc quánh.

Những chiếc xe ô tô lớn cũng chìm trong bùn.
Những chiếc xe ô tô lớn cũng chìm trong bùn.

Nhiều đoạn đường phải lội bùn.
Nhiều đoạn đường phải lội bùn.

Vượt qua những chỗ bùn lầy, đến những chỗ khô ráo hơn chút nhưng cũng bùn đỏ ngập ngụa.
Vượt qua những chỗ bùn lầy, đến những chỗ khô ráo hơn chút nhưng cũng bùn đỏ ngập ngụa.

Vượt qua những chỗ bùn lầy, đến những chỗ khô ráo hơn chút nhưng cũng bùn đỏ ngập ngụa.
Nhiều năm nay con đường này đã như đám ruộng và được cày xới bởi những chiếc xe chở gỗ được nhập từ Lào về qua đường tiểu ngạch.

Hầu hết các em phải đi ủng mỗi khi đến trường như thế này.
Hầu hết các em phải đi ủng mỗi khi đến trường như thế này.

Nhiều em sau khi lội bùn chân đã bị tứa máu.
Nhiều em sau khi lội bùn chân đã bị tứa máu.

Học sinh tranh thủ kiếm củ trên rừng về.
Học sinh tranh thủ kiếm củ trên rừng về.

Một em học sinh với bữa ăn hàng ngày.
Một em học sinh với bữa ăn hàng ngày.

Món dâu trộn phổ biến của học sinh nơi đây.
Món dâu trộn phổ biến của học sinh nơi đây.

Món dâu trộn phổ biến của học sinh nơi đây.
Hầu hết các em ở Na Ngoi sống tự lập, ngoài một số ít hỗ trợ từ Nhà nước như gạo, còn ngoài ra các em tự tìm cái ăn, vì gia đình còn quá nghèo.


Nguyễn Duy