Ngập lụt nghiêm trọng, thiệt hại khoảng 200 tỉ đồng
(Dân trí) - Mưa lớn cùng với việc xả lũ của một số hồ đập thủy lợi đã gây ra tình trạng ngập lụt trên diện rộng tại một số huyện của tỉnh Thanh Hóa. Hàng chục nghìn ha lúa màu bị ngập, hàng trăm hộ dân bị ngập nước. Ước tính thiệt hại khoảng 200 tỉ đồng.
Trong thời gian từ 20h ngày 10/9 đến 9h sáng ngày 11/9, Công ty thủy nông sông Chu - đơn vị chủ quản của công trình hồ thủy lợi Yên Mỹ - đã xả lũ là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ngập úng trên.
Ngoài ra, toàn huyện Nông Cống có tới 350 hộ dân bị cô lập hoàn toàn. Khoảng 1.200ha lúa mùa đã mất trắng hoàn toàn. Chỉ tính riêng thiệt hại về lúa đã lên tới gần 40 tỉ đồng.
Ông Trần Văn Thuấn, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết: Tình hình mưa lũ khiến khoảng hơn 20 nghìn nhân khẩu sẽ bị thiếu đói trong thời gian từ nay đến tháng 5/2012.
Tại huyện Tĩnh Gia, hiện mực nước tại hồ thủy lợi Hao Hao đã vượt qua mức tràn tới 1,5 - 2m, nước tràn ra gây ngập úng nặng nề cho các xã: Các Sơn, Anh Sơn, Hùng Sơn.
Hiện tỉnh lộ 512 nối Quốc lộ 1A lên đường mòn Hồ Chí Minh đã bị chia cắt bởi nước lũ. Nước lũ cũng đã tràn quan Quốc lộ 1A, đoạn gần cầu Hang, xã Tân Dân, huyện Tĩnh Gia, khiến các phương tiện giao thông gặp khó khăn khi đi qua đoạn đường này.
Theo thống kê sơ bộ của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão Thanh Hóa, tính đến 17h chiều 11/9, toàn tỉnh đã có hàng chục nghìn ha lúa màu bị ngập, trong đó có tới 5.776 ha lúa mùa bị ngập nặng có khả năng mất trắng; gần 900 ha ngô, lạc bị ngập, hư hại, hơn 112 ha mía bị ngã đổ, gần 300ha hoa màu các loại bị ngập úng.
Đặc biệt có 6 hồ đập bị tràn; hơn 7.500 m3 đê điều bị sạt lở; hàng ngàn m3 đất đá trên các tuyến giao thông nông thôn bị cuốn trôi… Ước tính thiệt hại lên tới trên 200 tỉ đồng.
Những hình ảnh về tình trạng ngập lụt tại huyện Tĩnh Gia do PV Dân trí ghi lại:
Sáng ngày 11/9 lượng mưa đo được phổ biến từ 150-250mm, một số vùng có lượng mưa lớn hơn như Quế Phong mưa 303 mm; Tây Hiếu 301,0 mm; Nam Đàn 288,0mm; Cửa Hội 307,0mm. Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, đến thời điểm sáng ngày 11/9, do mưa lớn kéo dài đã khiến hàng nghìn ha lúa tại các huyện Hưng Nguyên, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu bị ngập úng, nhiều diện tích đang đứng trước nguy cơ mất trắng.
Huyện Quỳnh Lưu có trên 500 ha lúa hè thu thuộc các xã Mai Hùng, Quỳnh Văn, thị trấn Hoàng Mai bị ngập úng. Trên 3.500 ha lúa có nguy cơ ngập thuộc các xã gần cửa tiêu nước như Quỳnh Ngọc, Quỳnh Bá.
Mưa lớn cũng gây ngập úng 800 ha lúa mới gieo lại sau cơn bão số 2 tại huyện Hưng Nguyên. Đến thời điểm này nông dân Hưng Nguyên đã thu hoạch được khoảng 500 ha trong tổng số 5.600 ha lúa hè thu và lúa mùa. Phần lớn diện tích còn lại đang trong thời kỳ trổ bông và bắt đầu bước vào giai đoạn chín.
Vựa lúa Yên Thành cũng bị ngập úng khoảng gần 2.000 ha lúa.
Nhiều tuyến đường giao thông bị ngập sâu trong nước (Ảnh: Hoàng Lam)
Do mưa lớn đã gây ảnh hưởng đến hệ thống công trình giao thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trên tuyến Quốc lộ 7, Quốc lộ 48C, tỉnh lộ 598A và 598B đã xảy ra sạt lở ta luy hoặc ngập sâu làm ách tắc giao thông nghiêm trọng.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, hiện lũ trên hệ thống sông Cả (Nghệ An) đang lên. Mực nước lúc 13h00 ngày 11/9/2011, trên sông Hiếu tại Quỳ Châu: 72.54m, tại Nghĩa Khánh: 39.15m; trên sông Cả tại Thạch Giám: 63.95m, Dừa: 21.13m, tại Đô Lương: 13.45m dưới báo động I: 1.05m, tại Nam Đàn: 4.98m dưới báo động I: 0.42m
Quốc lộ 48C đoạn qua xã Yên Hòa, Yên Thắng (huyện Tương Dương) bị sạt lở do mưa lớn kéo dài (Ảnh: Nguyễn Duy)
Chiều ngày 11/9, UBND tỉnh Nghệ An đã có công điện khẩn gửi Chủ tịch, trưởng ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành, thị; Giám đốc các Sở, ban, ngành liên quan và giám đốc các công ty thủy lợi có các phương án chủ động đối phó với diễn biến thất thường của thời tiết nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lớn gây ra. Đồng thời cảnh báo cho các hộ dân cư đang sinh sống ở khu vực cửa sông, ven biển, ven sông, suối và các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, hạ lưu hồ chứa nước biết để chủ động phòng tránh.
Các huyện, thành, thị trong toàn tỉnh đang tích cực khơi thông các dòng chảy, cử người túc trực tại các trạm thủy lợi, các cống xã lũ và các hồ đập để kịp thời xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương vận động bà con nông dân thu hoạch diện tích lúa đã chín từ 60-70% với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do ngập úng kéo dài.