1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Ngao chết hàng loạt: Số tiền đề xuất hỗ trợ giảm gần một nửa

(Dân trí) - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc đề nghị hỗ trợ các hộ nuôi ngao trên địa bàn xã Hải Lộc và xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc) có ngao nuôi bị chết. Theo đó, kinh phí mà Sở NN&PTNT đề nghị hỗ trợ lần này giảm gần một nửa so với trước đó.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT và UBND huyện Hậu Lộc thì ngao chết không phải do dịch bệnh và chưa đủ điều kiện để tiến hành lập hồ sơ công bố thiên tai.

Hàng chục hộ nuôi ngao trên địa bàn huyện Hậu Lộc bị thiệt hại do ngao chết hàng loạt
Hàng chục hộ nuôi ngao trên địa bàn huyện Hậu Lộc bị thiệt hại do ngao chết hàng loạt

Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ngao bị chết là do điều kiện thời tiết, khí hậu và chế độ thủy triều, vì vậy, đề nghị vận dụng để hỗ trợ một phần theo mức quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ.

Đối tượng và phạm vi hỗ trợ là các hộ nuôi ngao nằm trong vùng quy hoạch nuôi ngao trên địa bàn xã Hải Lộc và xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) có ngao nuôi bị chết từ ngày 19/12/2016 đến ngày 30/1/2017.

Đối với diện tích bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ tương đương khoảng 35% chi phí mua giống; đối với diện tích bị thiệt hại từ 30 - 70%, hỗ trợ tương đương khoảng 20% chi phí mua giống.

Mức hỗ trợ được đề xuất đối với diện tích bị thiệt hại trên 70% là 26 triệu đồng/ha; đối với diện tích bị thiệt hại từ 30-70% là 15 triệu đồng/ha. Tổng kinh phí mà Sở NN&PTNT đề nghị hỗ trợ lần này cho các hộ nuôi ngao tại các địa phương có ngao nuôi bị chết là hơn 8,6 tỷ đồng.

Trong đó, hỗ trợ đối với diện tích bị thiệt hại trên 70% là hơn 6,2 tỷ đồng; hỗ trợ đối với diện tích bị thiệt hại từ 30 đến 70% là hơn 2,4 tỷ đồng. Nguồn kinh phí được lấy từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh Thanh Hóa năm 2017.

Sở NN&PTNT kiến nghị Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc căn cứ thực tế phát sinh, Quyết định cấp hỗ trợ cho từng hộ dân; thực hiện quản lý, sử dụng kinh phí được hỗ trợ đúng mục đích, đúng đối tượng và thanh quyết toán theo đúng quy định hiện hành, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật Nhà nước về các quyết định của mình trong việc xác định khối lượng thiệt hại và việc chi hỗ trợ cho hộ dân bị thiệt hại.

Trước đó, Sở NN&PTNT đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị hỗ trợ các hộ nuôi ngao có ngao nuôi bị chết vào thời điểm cuối năm 2016 với tổng số tiền là hơn 15,6 tỷ đồng.

Số tiền được đề nghị hỗ trợ lần này là hơn 8,6 tỷ đồng
Số tiền được đề nghị hỗ trợ lần này là hơn 8,6 tỷ đồng

Sau đó, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có thông báo kết luận và cho rằng việc đề xuất chủ trương hỗ trợ các hộ nuôi ngao nhằm giảm bớt khó khăn, khôi phục sản xuất là cần thiết.

Theo ông Xứng chỉ đạo, việc hỗ trợ phải dựa trên cơ sở đánh giá, thống kê đầy đủ, chính xác diện tích, mức độ thiệt hại của từng hộ nuôi ngao nhằm đảm bảo công tác hỗ trợ đúng mục đích, yêu cầu đề ra.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc không thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, làm chậm và giảm hiệu quả, ý nghĩa của việc hỗ trợ. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê bình Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc liên quan đến vấn đề nêu trên.

Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm