Ngành Y tế phải đặt mình vào vị trí người dân
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị ngành Y tế phải đứng từ góc nhìn của người dân trong quá trình xây dựng, thực hiện các chủ trương, chính sách nhằm cải thiện, nâng cao công tác khám chữa bệnh để mang lại hiệu quả thực sự.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Tất cả những điều mà công luận, nhân dân phản ánh với thái độ bày tỏ sự chưa hài lòng thì đấy là những lời góp ý, những bài học để ngành Y tế cùng suy nghĩ để khắc phục. Ảnh: VGP/Đình Nam
Dự Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành Y tế sáng ngày 8/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá nhiều việc trong lĩnh vực y tế đã được triển khai tích cực, đạt kết quả bước đầu.
Cụ thể, ngành Y tế đã cố gắng xây dựng được một số phác đồ điều trị chuẩn; bắt đầu tiến hành hệ thống hóa, mã hóa các dịch vụ các thiết bị, một số loại thuốc điều trị; ban hành bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện. Một trong những điểm nhấn của ngành Y tế là việc ban hành các thông tư mới quy định về đấu thầu mua thuốc tại BV đã kéo giá thuốc trúng thầu giảm tới 35%.
Với sự quyết liệt, tập trung chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế cũng như các địa phương, chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân, công tác phòng chống dịch bệnh từng bước được nâng cao.
“Nhiều việc ngành Y tế đã làm được tương đối nhưng cũng có những việc mới được nửa chặng đường, chưa đến kết quả cuối cùng. Vì vậy, tôi đề nghị các đồng chí làm nhanh hơn, tập trung hơn, để khi hoàn thành thì người dân, xã hội sẽ thấy có những chuyển biến rất tốt”, Phó Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, ngành Y tế phải đứng từ góc nhìn của người dân để khắc phục những hạn chế mà người dân và chính bản thân ngành Y tế chưa hài lòng.
Hội nghị sơ kết công tác y tế 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và định hướng kể hoạch năm 2015, ngày 8/8. Ảnh: VGP/Đình Nam
Chia sẻ cùng các đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng những thông tư mới quy định về đấu thầu giá thuốc đã kéo giảm giá thuốc được một mức nhưng giá rẻ thì chưa đủ mà còn phải chú ý khía cạnh quan trọng nhất đối với người bệnh là có thuốc điều trị phù hợp.
"Có những loại thuốc có giá 1 đồng 1 lọ, nhưng tiêm 10 lọ bệnh nhân chưa khỏi, trong khi loại thuốc có giá cao hơn, số lần tiêm ít hơn, người bệnh khỏi nhanh hơn thì việc lựa chọn thuốc điều trị phải tính đến quyền lợi của người bệnh, đồng thời đẩy mạnh được phát triển ngành dược trong nước", Phó Thủ tướng nói.
Cũng từ góc độ bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân khi khám chữa bệnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế, các địa phương phải xem xét nghiêm túc các vụ lạm dụng BHYT, lạm dụng kỹ thuật cao, thuốc biệt dược trong khám chữa bệnh; vụ việc đấu thầu mua thiết bị y tế tại BV Thường Tín (Hà Nội) đã được báo chí phản ánh thời gian qua...
Phó Thủ tướng đặt câu hỏi: “Những vụ việc như vậy có phổ biến không? Nếu phát hiện những vụ việc như vậy chỉ là cá biệt thì đương nhiên chúng ta phải xử lý nghiêm và đúng bản chất; nhưng nếu không phải chỉ ở một nơi mà ở nhiều nơi thì phải xem xét rất nghiêm túc, làm rõ nguyên nhân là do đâu, trách nhiệm thuộc về ai? Tại văn bản hay do quá trình chỉ đạo thực hiện? Nếu do văn bản thì cần chấn chỉnh văn bản. Ngành Y tế, cũng như các địa phương phải rà soát, kiểm tra, thanh tra với tinh thần trách nhiệm cao nhất, công khai, minh bạch tất cả”.
"Những vụ việc báo chí phản ánh về ngành Y tế không nên coi là việc của thiên hạ, việc ở đâu, không phải của mình, phải rà soát lại xem những phản ánh đó có thật hay không, có ở đơn vị mình, địa phương mình hay không”.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, công luận luôn nhìn nhận, đánh giá đúng thái độ cầu thị, trách nhiệm, lắng nghe của ngành Y tế khi xử lý những vấn đề liên quan đến đời sống của số đông người dân. “Ví dụ vừa rồi chúng ta cho kiểm tra chất lượng các nguồn nước, tôi được biết sau khi Bộ làm nghiêm túc thì các tỉnh cũng làm rất nghiêm túc. Tới đây, chúng ta chọn những việc gì trước hết liên quan đến số đông người dân để tập trung chỉ đạo thực hiện với tinh thần như vậy”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng nhắn nhủ: “Tất cả những điều mà công luận, nhân dân phản ánh với một thái độ bày tỏ sự chưa hài lòng thì đấy là những lời góp ý, những bài học để ngành Y tế cùng suy nghĩ, khắc phục bằng được. Chẳng hạn, về dịch sởi vừa qua có nhiều ca tử vong thì dù tại khâu nào, ngành Y tế vẫn có lỗi. Điều này cần phải được nghiền ngẫm, phải thấy là đau xót để không bao giờ lặp lại và không để những việc tương tự như thế xảy ra nữa”.
Theo Đình Nam
Chinhphu.vn