1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ngành đường sắt lần đầu tiên mở cửa chào đón doanh nghiệp tư nhân

(Dân trí) - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) hôm nay (16/9) thí điểm cho thuê có điều kiện kết cấu hạ tầng đường sắt của bãi hàng Nam ga Yên Viên (Hà Nội). Đây là lần đầu tiên ngành này “mở cửa” đón chào doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng theo hướng xã hội hóa.

 

Ga đường sắt Yên Viên - Hà Nội (ảnh: Lao động)
Ga đường sắt Yên Viên - Hà Nội (ảnh: Lao động)

Với Đề án xây dựng Trung tâm Logistic đường sắt ga Yên Viên, đơn vị tư nhân được tham gia đầu tư xây dựng là Công ty CP Giao nhận và vận chuyển INDO Trần. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 sẽ xây dựng bãi hàng phía Nam ga Yên Viên, dự kiến khởi công vào 10/10/2015 với tổng mức đầu tư là 90 tỷ đồng; giai đoạn 2 - từ tháng 1/2016, lập báo cáo khả thi đầu tư khu vực bãi hàng phía Bắc ga Yên Viên, xây dựng các phân khu hàng hóa, kho bãi, khu vực tác nghiệm vận hành đường sắt và xếp dỡ hàng hóa.

Điều kiện đơn vị tư nhân này phải chấp nhận khi tham gia là không yêu cầu bồi hoàn khi Nhà nước thu hồi bãi hàng để thực hiện Dự án đường sắt trên cao đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên trong thời hạn cho thuê.

Tổng Công ty ĐSVN có quyền tổ chức điều hành chạy tàu, dồn tàu, lập tàu, cắt móc và tập kết xe hàng trong khu ga và tại bãi hàng. Bên thuê xây dựng đơn giá các loại dịch vụ liên quan đến công tác xếp dỡ, lưu kho bãi và các loại giá dịch vụ khác, trên cơ sở đó ĐSVN thẩm định và thống nhất nhằm tạo mội trường bình đẳng kinh doanh đối với các doanh nghiệp.

Theo thỏa thuận, Công ty CP Giao nhận và vận chuyển INDO Trần được quyền sử dụng và khai thác Trung tâm Logistic đường sắt ga Yên Viên trong thời gian 23 năm, sau đó chuyển giao toàn bộ cho đường sắt. Trong thời hạn khai thác, đơn vị này được quyền thu phí nâng/hạ container và các dịch vụ giá trị gia tăng nhằm thu hồi vốn đầu tư và có lợi nhuận.

Ông Trần Ngọc Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty ĐSVN - cho biết, đây là dự án đầu tiên được thực hiện theo hình thức xã hội hóa của ngành đường sắt, nhằm thay đổi hoạt động độc quyền của ngành lâu nay trong đầu tư xây dựng hạ tầng và kinh doanh vận tải. Hiện nay thị phần vận tải đường sắt so với các loại hình khác đạt chưa tới 1%, vì vậy chúng tôi kỳ vọng xã hội hóa sẽ giúp ngành đường sắt cạnh tranh và phát triển tốt hơn.

“Hệ thống đường sắt sẽ đổi mới toàn bộ hình ảnh về vận tải, nhanh hơn, đẹp hơn và chúng tôi chào đón mọi nhà đầu tư tham gia vào đường sắt” - ông Thành cho hay.

Đường sắt là một ngành trong lĩnh vực giao thông vận tải, tuy nhiên với sự lạc hậu và độc quyền nên từ lâu ngành này vốn tự coi mình như một “Bộ” đường sắt. Việc “mở cửa” đón chào doanh nghiệp tư nhân bước chân vào ngành dù là lần đầu tiên thực hiện nhưng có thể được xem là một tín hiệu tích cực để loại bỏ dần yếu tố độc quyền.

Châu Như Quỳnh