Ngàn lẻ một chiêu đối phó công an của "giới" hàng rong
(Dân trí) - “Giữ giùm cô giỏ hàng”, mặc đôi bạn trẻ đang ngỡ ngàng không hiểu chuyện gì, người phụ nữ bán hàng rong đã dúi ngay chiếc giỏ đựng những chai nước vào giữa đôi trẻ rồi ung dung tay không bước đi…
Hàng rong kinh doanh “ngầm”
Trước đây, công viên 23/9 (Q.1), một trong những điểm vui chơi tại trung tâm TPHCM, luôn nhộn nhạo, lộn xộn cảnh hàng rong buôn bán. Bây giờ tình trạng này nhìn bề ngoài thì đã được dẹp hẳn. Tất nhiên những người bán hàng rong không dễ bỏ qua điểm “kiếm ra vàng” này, chỉ có điều thay vì bán hàng rong công khai, họ đã chuyển sang... hoạt động ngầm. Việc buôn bán được tổ chức khá kín đáo và tinh vi hòng qua mắt lực lượng quản lý trong công viên.
Hàng rong vẫn âm thầm hoạt động tại khu công viên 23/9.
Không công khai bày hàng lê liệt như trước, giờ người bán hàng rong nhìn cũng chẳng khác khách đi dạo công viên là mấy. “Hành trang” bán hàng của họ vô cùng gọn nhẹ với chiếc giỏ nhựa đủ đựng chừng chục chai nước hay ít trái cây, gói bánh... được che hờ bằng chiếc mũ hoặc nón. Chỉ từng đó, họ rong ruổi thả bộ đến từng khách để mời.
Với mặt hàng nước giải khát, nếu khách đồng ý mua, người bán hàng chỉ cần vẫy tay, lập tức có người mang ly đựng đá sử dụng một lần đến. Tất cả hàng hóa được họ giấu kín sau gốc cây lớn hoặc gầm ghế đá nằm khuất trong công viên.
Ngồi trên ghế đá với chiếc giỏ nhỏ đựng vài chai nước, chị Lê Minh Nguyệt, một trong những “tắc kè hoa” bán nước tại công viên 23/9, không ngừng đưa mắt nhìn quanh, đề phòng bảo vệ hay lực lượng dẹp trật tự có thể bất ngờ xuất hiện. Chiếc giỏ của chị chỉ có trên chục chai nước, bán hết lại đến lấy thêm ở điểm để hàng. Khi có khách mua nước, đứa con gái của chị đứng ở gốc cây gần đó sẽ lập tức đưa ly đến.
Một giỏ hàng hết sức gọn nhẹ thế này cũng đủ nuôi sống cả một gia đình.
Chị Nguyệt tiết lộ, khi thấy bóng lực lượng chức năng, chị đứng dậy xách giỏ đi hướng khác, chẳng ai nhìn thấy mình bán hàng nên không bắt được. Hoặc cách hay nhất là nhanh tay nhờ những khách hàng gần nhất cầm giùm cái giỏ, chọn mấy cô cậu ngồi trên xe máy, đẩy vào kẹp giữa hai người là xong. “Nhiều khách bị nhờ bất ngờ cũng giật bắn người nhưng mình nói vài câu, ai nỡ từ chối. Khi mấy chú ấy đi mình quay lại xin”, chị Nguyệt bật mí chiêu "làm ăn".
Người phụ nữ này khẳng định, nếu không may bị phát hiện thì cũng chỉ mất vài chai nước. Còn nơi để hàng bí mật hiếm khi bị phát hiện, nếu có thì cũng sẽ lập tức được tẩu tán rất nhanh.
Cũng theo chị Nguyệt, trước đây có hàng trăm người bán dạo kiếm sống ở công viên này nhưng từ khi thành phố mạnh tay “dẹp” hàng rong, trả lại trật tự cho điểm vui chơi trung tâm thì số người bán hàng rong đã giảm rõ rệt, nhiều người đã chuyển sang kiếm việc khác kiếm sống. Những người cố bám trụ như chị thì phải tự nghĩ ra muôn vàn cách “biến hóa” mới có thể buôn bán.
Vừa bán vừa chạy
Không bán buôn kiểu “ẩn mình” như ở công viên 23/9, những người bán hàng rong tại các điểm như nhà thờ Đức Bà, bưu điện thành phố lại thường xuyên có cảnh vừa bán vừa chạy.
Hành trang của họ là một giỏ nhựa, một mâm hàng, có khi thêm một bếp than. Họ bê cả gian hàng đó đi thong dong, đến địa phận nào chắc chắn an toàn, họ bày mâm hàng của mình ra, có đủ thứ từ đồ lưu niệm đến đồ ăn, nước uống… Rất có thể ngay khi vừa mời mọc và khách hàng vừa cầm vào món hàng, người bán đã vội vàng giật món đồ trên tay khách, cũng có khi không kịp lấy tiền, cuống cuồng bê hàng cắm đầu bỏ chạy. Liền sau đó khách hàng sẽ thấy công an hoặc dân phòng đi tới.
Vừa bán hàng vừa chạy- cảnh thường thấy trước khu vực bưu điện TPHCM.
Chỗ họ “tạm trú” thường là lối rẽ gần nhất hoặc bất kỳ gốc cây, gờ tường hay cột điện nào, miễn sao có thể che tầm mắt bên ngoài nhìn vào. Khi giấu được hàng hóa, họ mới ung dung bước ra vờ như đi dạo, thám thính tình hình, chờ lực lượng chức năng đi khuất để quay lại công việc của mình.
Ng.T.H, cô gái trẻ bán bánh tráng nướng trước bưu điện thành phố cho hay, quen với việc “chạy” mỗi ngày nên dù có đang bày bừa đủ thứ bán cho khách thì chỉ cần nghe “báo động”, mất chưa đến một phút cô đã gom hết hàng và biến mất sau bờ tường gần đó. Thế nên cô gái quê ở Cà Mau này khoe, vừa bán vừa chạy nhiều năm nay nhưng cô chỉ mới bị thu hàng 2 lần, trong khi những người bán cùng cô nhanh đến mấy cũng bị thu hàng thường xuyên.
Theo H, để thoát hiểm ngoài nhanh tay nhanh mắt còn phải nhờ các bác xe ôm “phát tín hiệu” giúp.
Bị bắt, bị đuổi, bị thu hàng thường xuyên nhưng người buôn hàng rong ở đây vẫn ít ai nghĩ đến chuyện chuyển nghề hay chuyển địa điểm bán hàng. Thậm chí được các cơ quan lý, tổ chức vận động chuyển nghề, kinh doanh ở những nơi phù hợp nhưng... chỉ một thời gian đâu lại vào đó.
Vừa giấu hàng vừa do thám tình hình để nhanh chóng quay trở lại mời khách.
“Vợ chồng tôi bán cả chục năm nay rồi, mấy cô chú ở phường cũng vận động chuyển nghề khác nhưng chẳng việc nào kiếm được hơn nghề này nên nghỉ một thời gian, vợ chồng lại quay lại. Đuổi thì chạy, hết đuổi mình lại bán, chịu khó vậy thì mới có tiền nuôi ba đứa con đang tuổi ăn học”, ông Đ thật tình.
Nói đến đó, ông Đ lại dáo dác nhìn quanh. Lúc không thấy chồng, bà vợ ông đã nhanh chóng bê thùng hàng chạy hướng cột điện gần đó trước khi ba dân phòng đi đến. Giấu được hàng, bà vợ ung dung đi ra trách chồng: “Ông làm ăn kiểu gì vậy, may mà con bé bán tò he ôm hàng chạy qua tôi mới biết, không là mất toi thùng nước”.
Hoài Nam