1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Ngân hàng “trả nhầm” tiền cho trộm, khách hàng chỉ biết khóc

Sau khi “trả nhầm” tiền cho kẻ đã ăn trộm sổ tiết kiệm và chứng minh thư của người khác rồi giả chữ ký, rút tiền trong sổ, Ngân hàng NN&PTNT chưa biết phải chịu trách nhiệm thế nào đối với khách hàng của mình.

Bị người quen trộm sổ tiết kiệm

 

Ngày 28/5/2008, chị Nguyễn Thị Mai, quê Bắc Giang, tạm trú tại số nhà 68, tổ 3, làng Thành Công, Ba Đình, Hà Nội, gửi số tiền 626.932.000 đồng tại sở giao dịch số 2 Láng Hạ, Ngân hàng NN&PTNT.

 

Đến ngày 24/7/2008, chị Mai đã rút ra 350.000.000 đồng, số tiền còn lại trong sổ tiết kiệm là 276.932.000 đồng.

 

5 tháng sau, ngày 24/12/2008, chị Mai phát hiện ra sổ tiết kiệm bị mất nên vội đến ngân hàng trình báo, thì được nhân viên giao dịch cho biết, tiền trong sổ đã rút sạch từ ngày 11/11/2008.

 

Quá ngỡ ngàng, chị Mai đã làm đơn với nội dung cam đoan chị không hề rút tiền vào ngày 11/11/2008 và đề nghị ngân hàng làm rõ.

 

Sau đó ngân hàng đã phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Trật tự quản lý kinh tế, Công an Thành phố Hà Nội tiến hành xác minh, bắt kẻ gian đã lấy cắp sổ tiết kiệm và giả mạo chữ ký của chị Mai để rút tiền.

 

Kẻ trộm được cơ quan công an xác định là Nguyễn Thị Nết (sinh năm 1986), là sinh viên một trường Đại học tại Hà Nội, tạm trú tại phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội.

 

Chị Mai cho biết, trước đó Nết và chị Mai ở chung một nhà thuê. Chị Mai ở tầng 5, còn Nết ở tầng 4. Chị Mai coi Nết như chị em gái nên Nết đã có cơ hội để lấy trộm sổ tiết kiệm và chứng minh thư của chị Mai để ra ngân hàng rút tiền.

 

Theo cơ quan công an, Nết đã mang sổ tiết kiệm và chứng minh thư của chị Mai ra ngân hàng rồi giả chữ ký của chị Mai, rút được số tiền gần 300 triệu đồng trong sổ tiết kiệm.

 

Theo khai nhận ban đầu của Nết, do biết chị Mai có khoản tiền gửi tiết kiệm, Nết đã vào phòng của chị lấy cuốn sổ tiết kiệm. Sau khi lấy trộm được sổ tiết kiệm và số tiền trên, Nết lập cho mình sổ tiết kiệm 100 triệu đồng và dùng số tiền còn lại ăn chơi, cho người thân vay.

 

Qua khám xét nơi ở của Nết, cơ quan điều tra đã thu được sổ tiết kiệm của Nết gửi và tiếp tục điều tra vụ việc.

 

Trách nhiệm không thuộc về ngân hàng?

 

Chị Mai cho biết, sau toàn bộ sự việc kể trên, chị Mai đã đến làm việc với Ngân hàng vào ngày 30/12/2008, nhưng quan điểm của Ngân hàng NN&PTNT là: “Căn cứ vào điều 20 QĐ 123, nếu khách hàng không báo mất sổ tiết kiệm kịp thời thì mọi thiệt hại do khách hàng chịu. Nếu thấy cần thiết thì có thể đề nghị Ngân hàng giúp đỡ làm thủ tục đề nghị cơ quan pháp luật xử lý. Mọi chi phí về điều tra làm rõ vụ việc đều do khách hàng chịu”.

 

Còn về phía chị Mai thì cho rằng: "Thực tế, từ khi công an vào cuộc bắt kẻ gian, sự việc đã “hai năm rõ mười”. Tôi phải cứ chạy theo cơ quan công an để thu hồi tài sản của mình mà chưa được, nghĩ mà uất ức cho cái thân phận khách hàng của mình".

 

Chị Mai cho biết: "Tôi đã xem lại mẫu chữ ký của mình, đem so sánh với chữ ký mà Nết đã giả mạo thì thấy là hai chữ ký không hề giống nhau. Bên cạnh đó, ảnh trong chứng minh thư của tôi với ngoại hình của Nết cũng không hề giống nhau, vậy mà ngân hàng vẫn trả tiền cho người giả mạo...".

 

Chị Mai đã đến ngân hàng với mong muốn được nhận lại số tiền còn lại trong sổ tiết kiệm đã bị lấy cắp của mình thì được ngân hàng yêu cầu: qua bên công an giải quyết!?

 

Chị Mai tỏ ra bức xúc: "Tôi nghĩ rằng mình mất giấy tờ chứ đâu phải mất tiền! Kẻ gian đã lừa đảo được ngân hàng, nhưng sơ suất của ngân hàng không phải chịu trách nhiệm gì, đổ hết phần thiệt lên tôi, như vậy có phải tôi bị ngược đãi hay không?".

 

Ngày 21/1, chúng tôi đã đem những thắc mắc kể trên của chị Mai để trao đổi với ông Nguyễn Tiến Đông, Giám đốc Sở giao dịch số 2 Láng Hạ, Ngân hàng NN&PTNT thì được trả lời tỉnh queo như sau: "Vụ việc đã được bên công an vào cuộc thì để cơ quan công an xử lý".

 

Khách hàng có quyền khởi kiện

Luật sư Trần Anh Tuấn, Trưởng Văn phòng luật sư Trần cộng sự cho biết, trong trường hợp này, sau khi có văn bản yêu cầu Ngân hàng NN&PTNT trả tiền mà ngân hàng không thực hiện thì khách hàng hoàn toàn có quyền khởi kiện theo Điều 304, 305 và 307, Bộ luật dân sự năm 2005.

Khách hàng có quyền khởi kiện theo Điều 305 về trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện và không thực hiện trách nhiệm dân sự theo Điều 304. Trong trường hợp khách hàng chứng minh được việc chậm trả tiền gây thiệt hại cho họ thì phía ngân hàng còn phải bồi thường cho khách hàng phần thiệt hại do chậm trả theo điều 307 Bộ luật dân sự.

Trả lời câu hỏi: trong trường hợp này khách hàng có lỗi không khi đã để mất quyển sổ tiết kiệm và 5 tháng sau mới báo cho ngân hàng biết thì ông Tuấn cho rằng: "Đó là phần lỗi của khách hàng, nhưng đó là lỗi do vô ý. Bình thường sổ tiết kiệm người ta cất kỹ trong tủ chứ không ai suốt ngày lôi ra ngắm và đến khi đến hạn, hoặc khi cần mới đem sổ ra và phát hiện mình bị mất".

Cũng theo ông Tuấn, việc công an đã bắt được thủ phạm và đang tiến hành điều tra vụ án thì không có nghĩa ngân hàng có quyền từ chối luôn trách nhiệm của mình đối với khách hàng trong thời điểm đó.

 

Theo VietNamNet