1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ngân hàng tế bào gốc đầu tiên đi vào hoạt động

Ngân hàng tế bào gốc đầu tiên của Việt Nam được Bộ Y tế cấp giấy phép mang tên MekoStem đã chính thức đi vào hoạt động sáng 15/2, tại TPHCM, đánh dấu một bước tiến vượt bậc trong nghiên cứu của giới y khoa Việt Nam.

Ngân hàng sẽ cung cấp các dịch vụ về thu thập, phân tích, xử lý tách tế bào, bảo quản các loại tế bào gốc từ máu và màng dây rốn cho cộng đồng.

MekoStem được thành lập dựa trên khoản đầu tư ban đầu hơn 10 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Hóa dược phẩm Mekophar, và hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua một đề tài nghiên cứu độc lập cấp Nhà nước. Ngân hàng này sử dụng công nghệ phân lập tế bào gốc mang dây rốn của Công ty CellResearch Corporation (Singapore) để bảo quản và lưu giữ tế bào gốc dây rốn (gồm máu và màng dây rốn), nhằm cung cấp cho các nhà y học ứng dụng trong điều trị bệnh nhân thuộc các chuyên khoa khác nhau.
 
Ngân hàng tế bào gốc đầu tiên đi vào hoạt động  - 1

Nhận và lưu giữ tế bào gốc tại MekoStem. (Ảnh: TTXVN)

Theo tiến sỹ, bác sỹ Lê Văn Đông, Phó Chủ nhiệm Bộ môn miễn dịch học (Học viện Quân y), người phụ trách kỹ thuật của MekoStem, Ngân hàng sẽ nhận các mẫu dây rốn từ hai nhóm đối tượng để tách và bảo quản tế bào. Nhóm thứ nhất là các dây rốn do các bà mẹ tình nguyện hiến dây rốn của con mình để hình thành Ngân hàng tế bào gốc công cộng dùng để điều trị cho bất kỳ bệnh nhân nào trong cộng đồng có các chỉ tiêu xét nghiệm phù hợp. Nhóm thứ hai bao gồm những dây rốn do bố mẹ các em bé mới sinh có nhu cầu lưu giữ riêng, hình thành Ngân hàng tế bào gốc tư bao gồm các mẫu tế bào gốc được lưu giữ theo yêu cầu.

Kinh phí cho một ca thu thập dây rốn, phân tích xét nghiệm và xử lý tách tế bào từ một dây rốn là 800-2.500 USD tùy loại tế bào muốn cất giữ và thời gian yêu cầu lưu giữ. Hiện đã có khoảng 50 mẫu tế bào gốc được lưu giữ tại đây và ít nhất 10 khách hàng đã yêu cầu lưu giữ riêng tế bào gốc của con họ. Do tính chất kỹ thuật đặc thù, dịch vụ lưu giữ tế bào gốc theo yêu cầu của người dân mới chỉ được MekoStem áp dụng ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh và năng lực thực hiện tách mẫu khoảng 10 ca/ngày.

Mặc dù sự ra đời của MekoStem mới chỉ là bước đi đầu tiên trong tổng thể chương trình phát triển nghiên cứu tế bào gốc tại Việt Nam, song đây là một bước tiến vượt bậc ghi nhận khả năng nghiên cứu, ứng dụng chuyên sâu của giới y khoa Việt Nam trong việc sử dụng nguồn tế bào gốc quý giá mà nhiều năm qua bị vứt bỏ như một loại rác thải y tế.

Sử dụng nguồn tế bào gốc hiện được coi là một giải pháp đặc biệt để chữa bệnh trong tương lai cho mỗi người, các thành viên trong gia đình và cộng đồng do khả năng biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau thay thế cho các tế bào bị mất đi do già, chết tự nhiên hay chấn thương vì nhiều nguyên nhân. Tế bào gốc đã được sử dụng để chữa trị thành công một số bệnh ở người như suy tủy, ung thư máu, có khả năng sớm được ứng dụng để chữa bệnh tiểu đường, liệt do chấn thương tủy sống, ung thư và bệnh lý gen.

Tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh, việc ghép tế bào gốc đã được thực hiện thành công cho 3 bệnh nhân mắc bệnh lý ác tính và bệnh di truyền bẩm sinh từ tháng 7/1995, hiện tất cả đều sống khỏe mạnh. Từ đó đến nay, Bệnh viện này đã ghép tế bào gốc cho 69 ca, trong 32 ca ghép dị tế bào gốc có 78,12% đáp ứng tốt và phục hồi, 37 ca tự ghép tế bào gốc có 51,35% hồi phục và có sức khỏe bình thường.

Theo TTXVN