Ngân hàng Nhà nước luân chuyển 12 lãnh đạo cấp vụ làm quản lý doanh nghiệp

Hoài Thu

(Dân trí) - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết đã có 12 cán bộ lãnh đạo cấp vụ được luân chuyển sang giữ chức danh lãnh đạo, quản lý cấp cao tại các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại Nhà nước.

Vấn đề nguồn nhân lực là nội dung trọng tâm được lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo tại phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, sáng 19/7.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết đây là cơ quan đầu tiên tiến hành nghiên cứu, xây dựng và ban hành "Sơ đồ vị trí việc làm và bản mô tả công việc". 

Đến nay, cơ quan này nằm trong số 5/20 bộ quản lý ngành, lĩnh vực đã ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành. Ngân hàng Nhà nước cũng là một trong số các bộ ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm viên chức nghiệp vụ chuyên ngành.

Ngân hàng Nhà nước luân chuyển 12 lãnh đạo cấp vụ làm quản lý doanh nghiệp - 1

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú (Ảnh: VGP).

Nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước rất quan tâm công tác luân chuyển cán bộ, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết kể từ khi có Quy định 98 của Bộ Chính trị về công tác luân chuyển (10/2017), đã có 4 nhân sự luân chuyển từ các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại Nhà nước thuộc Ngân hàng Nhà nước quản lý về giữ các chức vụ lãnh đạo quản lý cấp vụ tại các đơn vị, vụ, cục.

Bên cạnh đó, ông Tú cũng thông tin về 12 cán bộ lãnh đạo cấp vụ của Ngân hàng Nhà nước được luân chuyển sang giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp cao tại các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại Nhà nước.

Ngoài ra, còn có 14 cán bộ luân chuyển giữa các đơn vị, vụ, cục và 9 cán bộ luân chuyển từ ngân hàng thương mại Nhà nước sang giữ các chức vụ giám đốc, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, việc luân chuyển này vừa giúp cho các vụ, cục chuyên môn nâng cao năng lực nghiên cứu, xây dựng chính sách cũng như chất lượng tham mưu, xử lý công việc, vừa từng bước đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng được đội ngũ cán bộ tiềm năng thông qua việc tạo điều kiện để cán bộ trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm thực tế.

Từ đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ có nguồn cán bộ kế cận chất lượng cao.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng và triển khai đề án đào tạo chuyên gia qua nhiều giai đoạn. Trong giai đoạn 2013-2020, đơn vị này đã có 40 cán bộ, công chức, viên chức được công nhận hoàn thành chương trình đào tạo chuyên gia. 

Hiện Ngân hàng Nhà nước đã ban hành kế hoạch đào tạo bồi dưỡng chuyên gia giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, trong đó 81 cán bộ, công chức, viên chức được lựa chọn đưa vào quy hoạch đào tạo chuyên gia.