1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ngăn chặn tự do hàng hải: Cái “cớ” để xâm phạm chủ quyền trên biển?

(Dân trí) - “Cần quy định nghiêm cấm việc ngăn chặn, cản trở quyền tự do hàng hải trên biển, bởi nếu không quy rõ nội dung này thì có thể dẫn đến bị lợi dụng việc đi lại tự do trên biển để xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển của Việt Nam”.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (đoàn Quảng Ngãi) kiến nghị như vậy trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng nay (22/6) về Bộ luật Hàng hải.

Nữ đại biểu đoàn Quảng Ngãi dẫn chứng, trung bình trong năm có khoảng trên 40.000 lượt tầu biển qua lại khu vực biển Đông, 5 trong tổng số 10 tuyến đường biển quốc tế lớn nhất của thế giới đi qua khu vực này, trong điều kiện mới chỉ có 1/3 trong số gần 400 đường biên giới biển, trên thế giới được phân định thông qua các bản án của tòa án và trọng tài, 10 trong số 16 đường biên giới biển ở khu vực biển Đông vẫn đang trong tình trạng tranh chấp, chưa kể vấn đề liên quan đến hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam đang bị vi phạm chủ quyền nghiêm trọng. Vì vậy, các nội dung được chỉnh sửa của Bộ luật hàng hải cũng không nằm ngoài tình hình thực tiễn trên.

Theo đại biểu Đinh Thị Phương Lan, Luật biển quy định khá chặt chẽ như: Đi ngang qua nhưng không đi vào nội thủy Việt Nam, việc đi qua lại không gây hại trong lãnh hải, không được làm phương hại đến hòa bình, quốc phòng, an ninh của Việt Nam. Tuy nhiên, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển quốc tế năm 1982 lại thừa nhận quyền qua lại, không gây hại của tàu thuyền nước ngoài ở vùng lãnh hải có chiều rộng 12 hải lý, mà không quy định đó là tàu chiến hay tàu hàng. Bởi vậy, một số quốc gia đã triệt để lợi dụng tính chất “nửa vời” này để vi phạm chủ quyền trên biển của quốc gia khác.

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan - đoàn Quảng Ngãi (ảnh: Ngọc Châu)

Đại biểu Đinh Thị Phương Lan - đoàn Quảng Ngãi (ảnh: Ngọc Châu)

“Cần quy định nghiêm cấm việc ngăn chặn, cản trở quyền tự do hàng hải trên biển. Nếu không quy rõ nội dung này thì có thể dẫn đến bị lợi dụng việc đi lại tự do trên biển để xâm hại chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển của Việt Nam”- đại biểu Đinh Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt về diễn biến trên biển Đông, trong phần thảo luận của mình, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) bày tỏ sự lo ngại về việc phân biệt tàu dân sự và quân sự hoạt động động trên biển quy định trong dự thảo luật và cho rằng có nguy cơ dân tới các bất ổn. 

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nêu ra thực tiễn gần đây các tranh chấp trên biển Đông đã và đang diễn ra những tranh chấp ngày càng căng thẳng, phức tạp, trong đó phía Trung Quốc là nước bất chấp kể cả luật pháp quốc tế, nhiều nước trong đó có Trung Quốc đã công khai tuyên bố sẽ sản xuất các loại tàu thuyền lưỡng dụng, không chỉ phục vụ mục đích dân sự - kinh tế mà còn có thể sử dụng vào mục đích quân sự khi cần thiết.

“Dự thảo Luật dường như chưa cập nhật những thông tin về tình hình biển Đông, điều đó dẫn tới việc Bộ Luật của chúng ta trong thời gian tới không ổn định và phải cập nhật, sửa đổi. Đề nghị quy định rõ các loại tàu, thuyền, các thiết bị nổi và các loại thiết bị chìm… Không phân biệt mục đích quân sự hay dân sự để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ lưỡng dụng khi cần thiết” - đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho hay.

Vị đại biểu này đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát và có tính khái quát cao, quy định khắc phục những hạn chế của Bộ Luật, quy định rõ về các hoạt động hàng hải, bao gồm các tàu thuyền, các thiết bị nổi chìm khác trên biển, thuyền viên, các cảng biển, luồng hàng hải, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường và các hoạt động khác liên quan đến tàu thuyền và các thiết bị khác trên biển…

Đại biểu Nguyễn Phi Thường - đoàn Hà Nội (ảnh: Ngọc Châu)
Đại biểu Nguyễn Phi Thường - đoàn Hà Nội (ảnh: Ngọc Châu)

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) nêu quan điểm về bối cảnh an ninh trên biển Đông hiện nay có nhiều vấn đề phức tạp, Bộ luật Hàng hải Việt Nam cần có những quy định chặt chẽ, rõ ràng hơn về vấn đề này.

Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường, Luật Hàng hải 2005 đã được soạn thảo khá công phu nhưng việc trích dẫn không đầy đủ những quy định của một số điều ước, thông lệ quốc tế dẫn đến khá nhiều bất cập khi vận dụng Luật trong thực tiễn.

“Rất nhiều trường hợp khi xảy ra tranh chấp, các bên phải căn cứ vào thỏa thuận trong hợp đồng, các điều ước, thông lệ quốc tế để giải quyết. Ngành hàng hải có đặc thù hội nhập quốc tế rất cao và rất sớm, cho nên ở lần sửa đổi này, những vấn đề đã được quy định chi tiết, đầy đủ tại các công ước, thông lệ quốc tế mà VN có tham gia thành viên thì đề nghị áp dụng theo thông lệ quốc tế” - đại biểu Nguyễn Phi Thương nhấn mạnh.

Âm mưu độc chiếm biển Đông, Trung Quốc gia tăng các hành động gây hấn

Âm mưu độc chiếm biển Đông, Trung Quốc gia tăng các hành động gây hấn

Kết thúc buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh về chính sách phát triển hàng hải với ý kiến của các đại biểu đều tán thành là phải xây dựng ngành hàng hải Việt Nam trở thành ngành kinh tế phát triển nhanh và bền vững để góp phần tích cực vào yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, góp phần đảo bảo quốc phòng an ninh, bảo đảm quyền và chủ quyền quốc gia, hội nhập quốc tế. Thực hiện chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 theo tinh thần Việt Nam trở thành quốc gia giàu lên từ biển, mạnh lên từ biển.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đây là dự án Luật có nhiều điều khoản liên quan đến yếu tố quốc tế nên cần phải xem lại các quy định trong dự thảo luật này đã đảm bảo tương thích với công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc phù hợp với các thông lệ quốc tế. Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 10.

Châu Như Quỳnh