1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Nếu thêm gói kích cầu, điều hành phải hết sức cẩn trọng”

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, do đang thực hiện các giải pháp kích cầu, đang tăng cường đầu tư rất lớn, đầu tư nước ngoài bắt đầu quay trở lại… nên trường hợp thêm gói kích thứ 2, điều hành vĩ mô phải hết sức cẩn trọng.

Thưa Phó Thủ tướng, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội trong 2 ngày qua, nhiều đại biểu đã đề nghị có thêm gói kích cầu thứ 2. Quan điểm của Phó Thủ tướng về vấn đề này như thế nào?
 
Các đại biểu Quốc hội, các nhà kinh tế đang trao đổi rất nhiều và Chính phủ cũng sẽ có bàn luận trong phiên họp tới để đưa ra quyết định. Bây giờ tôi nói ý kiến cá nhân là chưa được.
 
Nhưng ở đây có ý, gói kích cầu thứ 2 có được là tốt, bởi lãi suất của ta hiện nay còn hơi cao. Nếu duy trì được gói kích cầu thêm một giai đoạn nữa trong quá trình chúng ta giảm lãi suất sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tốt hơn.
 
Còn nếu chúng ta cắt ngay trong điều kiện lãi suất chưa giảm được, doanh nghiệp sẽ khó khăn. Chúng ta đang thúc đẩy để tăng trưởng tiếp tục lên, nền kinh tế bứt phá ra, không bị quay lại vòng thứ 2, bởi các nhà kinh tế trên thế giới đang lo lắng, suy thoái còn có vòng thứ 2, chứ không chỉ có một vòng, tức là suy thoái kép, suy thoái hình W, không phải hình chữ V.
 
“Nếu thêm gói kích cầu, điều hành phải hết sức cẩn trọng” - 1
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (Ảnh: Phương Thảo).
 
Chưa nói, thị trường xuất khẩu của chúng ta có ý nghĩa rất quan trọng đến nền kinh tế hiện nay cũng chưa hồi phục hoàn toàn nên nếu duy trì được hỗ trợ vòng 2 cộng với từng bước thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm dần lãi suất, chúng ta sẽ tạo điều kiện phát triển ổn định hơn.
 
Nhưng nếu thêm gói kích cầu thứ 2 liệu có dẫn tới lạm phát tăng cao?
 
Lạm phát là yếu tố chúng ta phải quan tâm thường xuyên. Bây giờ hỏi có xảy ra hay không thì chúng ta phải điều hành cho tốt thôi, bởi lúc nào lạm phát cũng có thể xảy ra được.
 
Nền kinh tế chúng ta hiện nay đang thực hiện các giải pháp kích cầu và đang tăng cường đầu tư rất lớn, chưa nói đầu tư nước ngoài bắt đầu quay trở lại, thị trường chứng khoán bắt đầu khởi sắc… cộng thêm gói của Chính phủ nữa thì việc điều hành vĩ mô phải hết sức cẩn trọng, do lượng tiền bơm ra là rất lớn.
 
Nếu chúng ta không cân đối được giữa tiền và hàng, tức là các đầu tư của chúng ta đưa vào không ra được các sản phẩm thì chúng ta dễ mất cân đối và dễ dẫn đến lạm phát. Trong điều hành kinh tế vĩ mô, cân đối trên là mục tiêu lớn nhất mà Chính phủ phải duy trì trong giai đoạn tới.
 
Nếu không tiếp tục hỗ trợ, Chính phủ có lo ngại sẽ ảnh hưởng đến việc phục hồi kinh tế cũng như mục tiêu duy trì việc làm không?
 
Như trên tôi đã nói, nếu bỏ gói kích cầu thứ 2, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn nhiều hơn, bởi vì mặt bằng lãi suất còn cao. Nếu doanh nghiệp khó khăn sẽ khó khăn duy trì việc làm, trong khi đó kinh tế chúng ta lại đang bứt phá ra, chưa quay lại mức tăng trưởng như cũ.
 
Ví dụ công nghiệp, chưa quay lại được 17% như trước hay du lịch, dịch vụ cũng chưa quay lại mức tăng trưởng cũ nên khả năng cũng ảnh hưởng đến việc làm.
 
Ở đây có vấn đề, nếu chúng ta duy trì gói kích cầu thứ 2 đi cùng với việc tăng trưởng kinh tế và giảm dần lãi suất thị trường xuống, phát triển của chúng ta sẽ bền vững hơn ở giai đoạn sau.
 
Xin cám ơn Phó Thủ tướng!
 
Cấn Cường(ghi)