Sự cố sách giáo khoa:

"Nền giáo dục loay hoay tìm triết lý chỉ tạo ra được sản phẩm cóp nhặt!"

Thái Anh

(Dân trí) - "Sách giáo khoa vừa học đã phải thay đổi, sửa chữa vì chưa qua thử nghiệm rõ ràng. Một nền giáo dục loay hoay tìm triết lý sẽ tạo ra sản phẩm như vậy, chỉ biết cóp nhặt, a dua và không nói thật"...

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu phát biểu như vậy tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội của Quốc hội sáng 3/11.

Trong phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) phát biểu về vấn đề giáo dục. Ông nhắc lại lộ trình xây dựng, áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới do Bộ Giáo dục – Đào tạo đưa ra cuối năm 2018: Năm học 2020-2021 lớp 1; 2021-2022 là lớp 2, lớp 6; 2022-2023 là lớp 3, lớp 7, lớp 10; 2023-2024 là lớp 4, lớp 8, lớp 11 và 2024 -2025 là lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Chuyện khiến dư luận lo ngại là ngay giai đoạn đầu của lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới đã vấp phải nhiều ý kiến dư luận xã hội khác nhau, đa phần là phản ánh những hạt sạn ngay chính trong sách giáo khoa, tài liệu để thực hiện giáo dục mà một số trường lựa chọn, “loạn” sách tham khảo.

Đại biểu Hải phán đoán, nguyên nhân sâu xa của vấn đề này đến từ việc quá vội vàng trong khâu thẩm định nội dung sách giáo khoa của Hội đồng thẩm định quốc gia, vấn đề thiếu kiểm tra, giám sát của chính cơ quan chủ quản giáo dục trong việc thực hiện thẩm định hay chính trong sự quyết định lựa chọn sách giáo khoa của các địa phương để thực hiện lộ trình Bộ Giáo dục đề ra.

Ông Hải cho rằng, vô tình, các cơ quan đã xem nhẹ các yếu tố tác động khách quan đến việc thực hiện lộ trình chương trình phổ thông, sách giáo khoa mới, trong đó có sự bùng nổ và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên toàn thế giới và ngay cả trong nước ảnh hưởng đến việc nghiên cứu, lựa chọn, tập huấn giáo viên một cách đúng thời gian và đúng liều lượng.

Nền giáo dục loay hoay tìm triết lý chỉ tạo ra được sản phẩm cóp nhặt! - 1
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) phát biểu tại phiên thảo luận sáng 3/11.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) lập luận, với cách giáo dục như hiện nay, việc hình thành tư duy mạch lạc, năng động và hướng thiện là vô cùng khó khăn.

“Chúng ta hình dung một cháu bé vào lớp 1, quyển sách giáo khoa chưa qua thử nghiệm rõ ràng đang học lại thay đổi, bổ sung, sửa chữa hay đính chính. Một nền giáo dục loay hoay tìm triết lý sẽ tạo ra những sản phẩm định hướng không rõ ràng, chỉ biết cóp nhặt, a dua và không nói thật” – ông Hiếu nhận xét.

Dẫn lời nói của giáo sư nổi tiếng Richard Faymen: “Đừng bị ấn tượng bởi tiền bạc, số môn đồ, bằng cấp, danh xưng, hãy ấn tượng những tấm lòng tử tế chánh trực, khiêm cung và rộng lượng”, đại biểu cho rằng, yêu cầu với nền giáo dục chính là làm sao dạy được học sinh những điều tưởng đơn giản như sẽ là nền móng của sự phát triển của đất nước vững chắc trong tương lai.

Đại biểu nhấn mạnh, Việt Nam có rất nhiều người trẻ tuổi, thông minh, tài giỏi, đầy khát vọng như cũng ngập tràn lòng trắc ẩn, như vợ chồng Công Vinh - Thủy Tiên. Ông bày tỏ, những hình ảnh đầy tính nhân văn, tinh thần chia sẻ như vậy có thể gặp thường xuyên ở những nơi khó khăn, gian khổ trên khắp đất nước. Tinh thần tương thân tương ái là bản chất, là truyền thống của dân tộc.

Vậy nên chưa khích lệ được những điều tốt đẹp đó, theo đại biểu, nếu có trách thì chỉ nên nghĩ đến việc tổ chức tốt hơn để lòng tốt không bị lãng phí, người thực sự khó khăn sẽ nhận được sự giúp đỡ chí công và lòng yêu thương của con người sẽ ngày càng được nhân rộng.

Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) đánh giá khái quát, thời gian qua, Bộ Giáo dục - Đào tạo có nhiều cố gắng tích cực, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, của dư luận, người dân về vấn đề sách giáo khoa. Tuy nhiên, sự cố sách Tiếng Việt 1 trong Bộ sách đầu tiên được thực hiện theo tinh thần xã hội hoá vẫn gây tranh cãi, gây ảnh hưởng tới nhiều nhà trường, giáo viên, học sinh và các gia đình.

Ông phản ánh kiến nghị của cử tri với vai trò phụ huynh có con đang trong lứa tuổi đến trường là muốn Bộ Giáo dục - Đào tạo trực tiếp biên soạn một bộ sách giáo khoa chuẩn, tránh việc mở rộng hoạt động biên soạn sách giáo khoa mà thiếu vắng bộ sách chuẩn dẫn tới nhiều hệ lụy không lường hết được.

Thực tế, Bộ Giáo dục đã được giao nhiệm vụ biên soạn bộ sách “chuẩn” này nhưng cơ quan quản lý đã quá “chậm chân” trong việc mời gọi chuyên gia tham gia viết sách, dẫn tới việc khi 5 bộ sách do các đơn vị chủ động biên soạn nhanh chóng hoàn thành thì Bộ quản lý vẫn “trắng tay”. Bộ Giáo dục rơi vào tình trạng “trâu chậm uống nước đục”. 16 triệu USD vay về phục vụ việc biên soạn bộ sách đã để sẵn vẫn “đọng” trong tài khoản.