1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

“Nên ghi rõ mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1-2 con”

(Dân trí) - Đó là ý kiến của nhiều Uỷ viên Thường vụ Quốc hội đối với đề xuất sửa Pháp lệnh Dân số của Chính phủ. Các ý kiến cũng nhấn mạnh, nếu không thể hiện rõ quan điểm về dân số, nước ta sẽ phải đối diện với nhiều vấn đề trong tương lai.

Theo tờ trình của Chính phủ, qui định “mỗi cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định số con…” tại khoản a, khoản 1, điều 10 của Pháp lệnh Dân số năm 2003 đã tạo nên những cách hiểu khác nhau và là một nguyên nhân quan trọng tạo nên sự gia tăng dân số trở lại trong những năm vừa qua.

Trước tình hình này, Chính phủ cho rằng, để đảm bảo tính chặt chẽ và thống nhất của pháp luật cần qui định số con của mỗi cặp vợ chồng.

Cụ thể, Chính phủ đã đề xuất sửa điều 10 Pháp lệnh Dân số như sau:

“1. Mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có quyền: a) Quyết định thời gian sinh con, khoảng cách giữa các lần sinh, sinh 1 hoặc 2 con phù hợp với lứa tuổi, tình trạng sức khoẻ, điều kiện học tập, lao động, công tác, thu nhập và nuôi dạy con của cá nhân, cặp vợ chồng trên cơ sở bình đẳng; Chính phủ qui định những trường hợp được coi là không vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình”…

Dứt khoát phải giảm gia tăng dân số

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, Pháp lệnh Dân số 2003 ra đời đã khiến nhiều địa phương “ngỡ ngàng”. Và thực tế, những thành quả về công tác dân số đạt được trong những năm trước đó đã bị phá vỡ trong người dân và cả trong đảng viên.

Ông Hiển nhấn mạnh, chúng ta phải tỏ thái độ cương quyết đối với vấn đề dân số, nếu không chúng ta sẽ phải đối diện với nhiều vấn đề, trong đó việc xóa đói giảm nghèo sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông, điều 10 phải sửa rõ hơn đề xuất, không nên để mập mờ mà cần qui định rõ “mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1 đến 2 con”, chỉ một số trường hợp được sinh con thứ ba.

Chủ nhiệm UB Pháp luật, Nguyễn Văn Thuận đồng tình, quan điểm mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1-2 con phải được khẳng định rõ trong pháp lệnh. “Mục tiêu của chúng ta là dứt khoát phải giảm gia tăng dân số vì đói nghèo không ai gánh thay chúng ta”, ông Thuận nhấn mạnh.

Ông Thuận cũng cho rằng, việc sửa đổi như trên sẽ không bị ràng buộc bởi Công ước CEDAW (Việt Nam phê chuẩn công ước này năm 1980). Bởi lẽ, điều 16 của công ước này qui định “Quyền tự do và trách nhiệm như nhau khi quyết định về số con, khoảng cách các lần sinh” được hiểu là nhằm chống phân biệt đối xử với phụ nữ. Nói cụ thể hơn, nam và nữ có quyền như nhau trong việc quyết định số con.

Chủ nhiệm UB Tư pháp, Lê Thị Thu Ba cũng cho rằng, cam kết trên chủ yếu ràng buộc việc bảo đảm bình đẳng trong quyết định số con. Bà Thu Ba đề nghị, cần mạnh dạn sửa đổi Pháp lệnh theo hướng làm rõ việc sinh 1 đến 2 con. Sau này, khi dân số đạt đến đỉnh điểm và có xu hướng giảm sẽ sửa đổi lại.

Việc sửa đổi để dân số không tăng nhanh như vừa qua, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của nước ta là ý kiến của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Ksor Phước. Tuy nhiên, với các dân tộc ít người, ông Ksor Phước đặt vấn đề, các dân tộc dưới 10 ngàn người được sinh con thứ ba, nhưng với các dân tộc trên 10 ngàn một chút đang có xu hướng suy giảm, có mở rộng, cho sinh con thứ ba hay không?

Kết luận buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội, Tòng Thị Phóng giao các cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến sửa điều 10 và cả điều 4 của Pháp lệnh Dân số để Thường vụ Quốc hội thông qua vào cuối tuần này.

Kim Tân