1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nền công vụ ở TPHCM cần phải giải quyết vấn đề gì?

Q.Huy

(Dân trí) - GS-TS Trần Ngọc Anh cho rằng nền công vụ của TPHCM và cả nước có 3 thách thức cần giải quyết: thu nhập của công chức, viên chức; tính giải trình từng cán bộ và môi trường pháp lý còn cản trở.

Sáng 4/4, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì hội thảo khoa học lấy ý kiến xây dựng đề án xây dựng nền công vụ TPHCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2024-2030. Hội nghị có sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực hành chính công cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.

Mở đầu hội thảo, Chủ tịch TPHCM nhấn mạnh, việc xây dựng một nền công vụ, nền hành chính tiên tiến, phục vụ người dân, kiến tạo phát triển là kim chỉ nam của thành phố hiện nay và thời gian tới. Do đó, địa phương mong muốn học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm trong nước, quốc tế để xác định mô hình về nền công vụ phù hợp.

Nền công vụ ở TPHCM cần phải giải quyết vấn đề gì? - 1

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì hội nghị (Ảnh: Q.Huy).

"Việc xác định mô hình phải chuẩn hóa lại các quy trình, quy định để vận hành, đi liền với đó là tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, hiện đại hóa nền công vụ và đảm bảo chính sách, điều kiện đi kèm. Đối với đề án này, có những vấn đề luật chưa có, cần đầu tư thêm và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, cũng có những thứ TPHCM phải tự điều chỉnh", ông Phan Văn Mãi gợi mở.

Cần hạn chế xin - cho

TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Nghị quyết 98, nhìn nhận, nền công vụ có 3 cấu phần là thể chế hành chính, tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ thực thi công vụ. Nếu thiếu một cấu phần thì nền công vụ không thể hoạt động được.

Về thể chế, vị chuyên gia cho rằng, Nghị quyết 98 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù có ý nghĩa rất quan trọng đối với TPHCM. Chính phủ cần sớm ban hành nghị định mở rộng phân cấp, phân quyền cho thành phố trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước, nhất là 5 lĩnh vực đã được quy định trong Nghị quyết 98.

"Nền công vụ cần phân cấp, phân trách nhiệm, giải trình rõ ràng, hạn chế tới mức tối thiểu cơ chế xin - cho trong bộ máy", ông Trần Du Lịch góp ý. 

Nền công vụ ở TPHCM cần phải giải quyết vấn đề gì? - 2

TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Nghị quyết 98 (Ảnh: Q.Huy).

TS Trần Du Lịch cũng đặt vấn đề về việc nghiên cứu, xây dựng mô hình chính quyền đô thị phù hợp với vị trí, vai trò của TPHCM. Mô hình này cần gắn với việc tổ chức các đô thị trực thuộc TPHCM trong quá trình đô thị hóa 5 huyện.

"Trong tương lai, cần thống nhất việc TPHCM hướng tới việc có nhiều thành phố, đô thị trực thuộc. Mỗi thành phố trực thuộc sẽ là một cấp chính quyền tự chủ. Bộ máy hành chính cấp sở, ngành chủ yếu phục vụ, thanh, kiểm tra công vụ đối với 15 quận nội thành", TS Trần Du Lịch góp ý.

Ông Trần Du Lịch cũng nhấn mạnh về việc không cào bằng các đô thị tự chủ sẽ giúp từng nơi mới có động lực phát triển. Việc không cào bằng về tổ chức, biên chế cũng cần áp dụng đối với tổ chức nhân sự từng phường, từng đơn vị hành chính.

Chủ tịch Hội đồng tư vấn Nghị quyết 98 cũng phân tích, bản nghị quyết này vẫn có phần dang dở trong việc huy động tài chính. Ông cho rằng, nếu không có dư địa để chính quyền huy động nguồn lực thì những thế mạnh của địa phương không thể phát huy.

Đề án mang tính chiến lược quốc gia

GS-TS Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana (Mỹ), nhìn nhận, TPHCM luôn đóng vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước. Đầu tàu khỏe sẽ kéo cả nước đi lên, đầu tàu yếu sẽ khiến cả nước bị ảnh hưởng.

"Động cơ để đầu tàu này hoạt động chính là nền công vụ. Do đó, nền công vụ của TPHCM có tầm quan trọng không chỉ cho địa phương này mà cho cả nước. Đây là bản đề án có tính chiến lược quốc gia", GS Trần Ngọc Anh bày tỏ.

Nền công vụ ở TPHCM cần phải giải quyết vấn đề gì? - 3

GS - TS Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana (Mỹ), đóng góp ý kiến qua hình thức trực tuyến (Ảnh: Q.Huy).

Vị chuyên gia chia sẻ về một nghiên cứu mới được thực hiện về mức độ tăng trưởng các nước và chỉ số quản trị, chỉ số nền công vụ. Cụ thể, các nước thoát được bẫy thu nhập trung bình trong 25 năm qua đều có chỉ số quản trị, chỉ số nền công vụ cao hơn các nước đang vướng bẫy thu nhập trung bình và nước nghèo.

"Việt Nam đã thoát khỏi bẫy thu nhập thấp và đang ở trong bẫy thu nhập trung bình. Để thoát được bẫy, đạt mục tiêu trở thành nước thu nhập cao, nước công nghiệp vào năm 2045, một bệ phóng về mặt quản trị là điều cần thiết", GS Trần Ngọc Anh phân tích.

Vị chuyên gia cũng làm rõ, nền công vụ của TPHCM và cả nước đang có 3 thách thức cần giải quyết. Đầu tiên là thu nhập của công chức, viên chức không đủ sống; tính giải trình trong bộ máy của từng đơn vị, từng cán bộ còn hạn chế; môi trường pháp lý còn nhiều cản trở.

"Nếu không giải quyết được 3 thách thức này sẽ không xây dựng được nền công vụ hiệu lực, hiệu quả. TPHCM không thể tự mình làm mà cần sự vào cuộc của Trung ương, đây là điểm mấu chốt", GS Ngọc Anh lưu ý.

Về giải pháp, vị giáo sư của Đại học Indiana đưa ra phương án từng địa phương cần được giao quyền về lương, biên chế, tạo nguồn thu để có thêm thu nhập cho đội ngũ. Khi giao việc cho từng chuyên viên, các đơn vị cần đánh giá theo từng tháng, từng quý, lấy sự hài lòng của người dân để đánh giá, nâng cao trách nhiệm giải trình.

Về vấn đề pháp lý, Trung ương và địa phương cần có cơ quan giải nghĩa pháp luật. Hiện tại, do còn nhiều điểm mờ trong các quy định pháp luật, các lãnh đạo, cán bộ rất khó quyết định.

"Kinh nghiệm quốc tế là khi thí điểm các sáng tạo, người thực hiện thí điểm không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cần có cơ chế để luật hóa vấn đề này", GS Trần Ngọc Anh nêu giải pháp.