1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ trưởng Bộ GTVT:

“Nên chọn tuyến bức xúc để thí điểm xe lưu thông ngày chẵn, lẻ”

(Dân trí) - “Tôi ủng hộ đề xuất của TPHCM nhưng nên nghiên cứu chọn một số tuyến bức xúc nhất, một số loại xe điển hình để thí điểm cho lưu thông theo ngày chẵn, lẻ chứ không nên mở rộng hết các loại phương tiện trên tất cả các tuyến phố nội đô”.

Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho biết bên lề Hội nghị Quốc tế về Chiến lược đảm bảo an toàn giao thông quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn 2030 tổ chức hôm nay (15/4) tại Hà Nội.
 
“Nên chọn tuyến bức xúc để thí điểm xe lưu thông ngày chẵn, lẻ” - 1
Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng. (Ảnh: Quỳnh Anh)

Thưa Bộ trưởng, TPHCM vừa đề xuất giải pháp cho xe ô tô biển chẵn, lẻ lưu thông theo ngày chẵn, lẻ để giảm ùn tắc giao thông. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về giải pháp này?

Đó là một đề xuất cần cổ vũ để nghiên cứu. Bây giờ có nhiều ý kiến đưa ra là không bàn đến chuyện đó vì không thực tế và phải đầu tư hạ tầng, tăng vận tải công cộng... Những biện pháp đó là đúng song chúng ta phải áp dụng nhiều biện pháp đồng thời.

Biển xe chẵn lẻ là một giải pháp để nghiên cứu chứ không thể thay thế tất cả. Mặc dù rất khó áp dụng vào thực tế nhưng cá nhân tôi cổ vũ cho đề xuất này để nghiên cứu, tất nhiên cần phải thận trọng.
 
Tại sao lại khó áp dụng vào thực tế thưa Bộ trưởng?

Không có biện pháp gì hoàn hảo, sẽ có một số mặt trái của vấn đề. Theo tôi, TPHCM có thể nghiên cứu một số tuyến đường bức xúc nhất trong thành phố để thực hiện thí điểm, khi áp dụng có hiệu quả rồi thì nhân rộng ra ra và từng bước rút kinh nghiệm, không có gì bằng thực tiễn.

Còn đối với phương tiện, không nên đánh đồng lên tất cả các loại phương tiện mà nên chọn một số loại điển hình như chỉ áp dụng xe cá nhân, vì thế tôi đề nghị cần cổ vũ để nghiên cứu, thấy được thì sẽ mở rộng ra.
 
Nhiều ý kiến cho rằng xe máy là "tín đồ" gây nên ùn tắc giao thông. Để giải quyết tình hình này, theo Bộ trưởng sẽ phải ứng xử như thế nào đối với phương tiện cơ giới là xe máy?

Kiềm chế sự gia tăng của xe máy là cần thiết, nhưng chúng ta không thể nào giảm hoặc cấm được xe máy ngay một lúc được mà còn phải sống chung với xe máy trong thời gian khá dài nữa.

Về hạ tầng là phải có đường cho xe máy, đường cao tốc cũng phải có đường gom chỉ dành cho xe máy. Với những tuyến hiện tại thì phải tách làn cho xe máy.

Bộ trưởng có thể nói cụ thể hơn?

Đơn cử như ở xung quanh Hà Nội là tuyến cao tốc Thăng Long - Nội Bài, vành đai 3, các tuyến khác… đều có thể chọn phân cách mềm. Giải pháp này chúng ta đã làm và cũng rất cần có sự chia sẻ của người dân.

Ví dụ: đường Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, đường rất rộng và cũng đã tách làn xe máy nhưng không thành công vì sự chia sẻ của cộng đồng chưa lớn, thói quen của người dân, trong khi không thể duy trì lực lượng chỉ suốt ngày đứng giám sát, phân luồng giao thông tại đây.

Người đi xe máy cũng phải ý thức về vấn đề này, đường rộng mà xe máy đi nghênh ngang, trong khi đó xe container đi chung với xe máy thì rất dễ xảy ra tai nạn. Làm được như vậy thì chúng ta mới có thể giảm dần xe máy trên một số tuyến, thậm chí tiến tới phải cấm ở một số giờ nhất định.

Ngoài ra, phải tăng cường các phương tiện giao thông công cộng, có ưu tiên cho xe công cộng hay metro, tàu điện trên cao… Tuy nhiên, thực hiện điều này chúng ta phải có lộ trình chứ chưa thể giảm ngay xe máy được, tất nhiên phải mất từ 5-10 năm nữa.
 
“Nên chọn tuyến bức xúc để thí điểm xe lưu thông ngày chẵn, lẻ” - 2
"Lưu thông ngày chẵn lẻ nên áp dụng thí điểm trên những tuyến đường bức xúc và loại xe điển hình"

Dù đã áp dụng nhiều giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông, nhưng tại sao trong quý I/2011 tình hình tai nạn giao thông gia tăng so với mọi năm thưa Bộ trưởng?

Trong 4 năm vừa qua, tai nạn giao thông liên tục giảm, giảm nhiều nhất là năm 2008 sau khi chiến lược đội mũ bảo hiểm và thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ thì mức giảm xuống tới gần 12%. Tuy nhiên, quý I năm nay tai nạn giao thông đang tăng trở lại, đặc biệt có nhiều tai nạn thảm khốc xảy ra.

Nguyên nhân dẫn đến tình hình này là do kết cấu hạ tầng, ngoài ra là ý thức của người tham gia giao thông, thói quen tùy tiện rất dễ gây tai nạn như: ngủ gật, phóng nhanh vượt ẩu, đâm vào xe đỗ ven đường…

Chính phủ và cộngđồngđangđầu tư cho kết cấu hạ tầng song trong khi chưa có kết cấu hạ tầng đồng bộ thì ý thức tham gia giao thông của mỗi người vô cùng quan trọng, chúng ta nhường nhau một tý, thân thiện với nhau thì sẽ giảm được tai nạn.

Theo như nghiên cứu của tổ chức JICA, nếu như tổ chức giao thôngđượcchấp hành tốt thì với kết cấu hạ tầng như hiện nay vẫn có thể giảm 30% tai nạn.

Dự thảo về Chiến lược đảm bảo an toàn giao thông đến năm 2020 tầm nhìn 2030 đã có báo cáo cuối kỳ, theo Bộ trưởng đâu là vấn đề cấp bách nhất này?

Chiến lược an toàn giao thông đến năm 2020 tầm nhìn 2030 nhìn thấy nhiều khó khăn và cái gì cũng cấp bách.

Tôi nghĩ rằng làm được việc này vô cùng khó vì sẽ động chạm đến thói quen, lợi ích cá nhân, tiện ích của mỗi cá nhân. Chúng ta phải rất bình tĩnh và có thái độ cùng chia sẻ với Chính phủ, để có lợi ích chung của cộng đồng.

Có rất nhiều chương trình trong Chiến lược đặt ra song tôi rất lo về sự hưởng ứng của cộng đồng, triển khai vào cuộc sống như thế nào, không phải đơn giản.

Để Dự thảo này đạt kết quả chúng ta cần tạo sự đồng thuận xã hội, chia sẻ của nhân dân với Chính phủ, hy sinh lợi ích, tiện ích của cá nhân để tham gia chương trình lớn của đất nước. Đó cũng là trách nhiệm của mỗi người với đất nước trước an toàn bền vững của mỗi gia đình, cả xã hội và cả cộng đồng quốc tế.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Quỳnh Anh