1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM:

Hạn chế ô tô theo ngày chẵn lẻ sẽ làm khó người dân

(Dân trí) - Sở Giao thông Vận tải chỉ mới có đề nghị nghiên cứu giải pháp hạn chế xe ô tô cá nhân đi vào khu vực trung tâm TP theo cách xe số chẵn đi ngày chẵn, xe số lẻ đi ngày lẻ thì dư luận đã phản ứng vì cách này gây khó đủ đường.

Hạn chế ô tô theo ngày chẵn lẻ sẽ làm khó người dân - 1
Phiền phức lớn khi phải chờ đúng ngày mới được đi
 
Theo đề xuất của ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT với UBND TP thì các xe có biển số chẵn (số cuối là 0, 2, 4, 6, 8) chỉ được vào trung tâm vào các ngày chẵn (thứ 2, 4, 6); xe biển số lẻ (số cuối là 1, 3, 5, 7, 9) chỉ được vào trung tâm vào các ngày lẻ (thứ 3, 5, 7); riêng chủ nhật thì các xe được lưu thông bình thường.

Theo ông Trần Quang Phượng, tình trạng kẹt xe ở khu vực trung tâm hiện nay đã đến mức báo động, số lượng xe cá nhân tăng quá nhanh trong khi diện tích đường và diện tích dành cho xe ô tô đậu quá thấp.

Hiện số lượng ô tô do TP quản lý đã gần 500.000 chiếc và hơn 50.000 chiếc từ các tỉnh đổ vào TP mỗi ngày. Chưa kể, mỗi ngày TP vẫn có thêm khoảng 100 xe được đăng ký mới.

Do vậy, một trong những giải pháp chính trong chương trình hành động nhằm giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2011 - 2015 của TPHCM là phát triển vận tải hành khách công cộng, hạn chế xe cá nhân. Và biện pháp hạn chế xe ô tô theo ngày chẵn lẻ chỉ mới là bước đầu trong hàng loạt các biện pháp mà TP chuẩn bị triển khai (thu phí xe vào trung tâm, tăng lệ phí trước bạ…).

Ngoài ra, TP cũng đang nghiên cứu cách thu phí sử dụng hạ tầng giao thông đối với các loại xe cơ giới cá nhân, thu phí đậu ô tô với mức phí tăng dần từ ngoại thành vào nội thành…

Dân khổ, doanh nghiệp gặp khó

Giải pháp hạn chế xe ô tô theo ngày chẵn lẻ từng được Sở GTVT đề xuất cách đây vài năm, nhưng lúc đó đã bị dư luận phản ứng gay gắt vì thiếu tính khả thi, thiếu những giải pháp triển khai cụ thể. Nay Sở GTVT đề xuất lại ý kiến này, các chuyên gia giao thông vẫn rất e ngại về khả năng thực thi.

Theo PGS - TS Phạm Xuân Mai (ĐH Bách khoa TPHCM), giải pháp này cũng đã được một số nước trên thế giới áp dụng, tuy nhiên, nếu triển khai tại TPHCM thì phải nghiên cứu kỹ các điều kiện thực hiện.

Ông lo ngại dù có triển khai thì nhân lực và thiết bị của TP không đủ để kiểm soát hết được các cung đường. Dù có phát hiện ra xe vi phạm thì trước dòng xe dày đặc CSGT cũng khó dừng xe để xử phạt, vì như vậy sẽ càng gây kẹt xe nặng hơn.

Theo ông, nếu muốn thực hiện thì TP phải chuẩn bị thật kỹ, phải lắp đặt hệ thống camera và áp dụng biện pháp phạt “nguội” thật nghiêm túc. Ông đề nghị nếu có thực hiện thì chỉ nên thí điểm ở một khu vực nhỏ hay vài tuyến đường cụ thể, đánh giá tính khả thi rồi mới mở rộng.

Về phía doanh nghiệp, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TPHCM lại e ngại biện pháp này sẽ gây tác động xấu đến hoạt động vận tải taxi. Vì nếu áp dụng biện pháp này, taxi TP sẽ phải rơi vào tình trạng làm 1 ngày, nghỉ 1 ngày. Từ đó có thể khiến doanh nghiệp bị thua lỗ. Các xe từ ngoại tỉnh hay ngoại thành vào trung tâm cũng phải sang khách dọc đường vì không thể vào trung tâm.

PGS - TS Phạm Xuân Mai cũng lo lắng biện pháp này sẽ ảnh hưởng xấu đến nhiều người dân vì mọi người đều có nhu cầu đi lại và không thể chờ đến ngày chẵn hay ngày lẻ rồi mới đi.

Theo PGS - TS Phạm Xuân Mai, trước thực trạng phương tiện giao thông ngày càng cao thì chủ trương hạn chế xe cá nhân của thành phố là đúng. Tuy nhiên, các giải pháp thực hiện như thế nào để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân mới quan trọng.

Theo ông thì các nước thực hiện biện pháp hạn chế xe cá nhân thành công vì họ có hệ thống vận tải hành khách công cộng rất tốt. Còn ở TPHCM thì hiện hệ thống vận tải hành khách công cộng còn yếu kém, phát triển quá chậm, chất lượng phục vụ chưa cao nên nếu hạn chế xe cá nhân ngay sẽ  rất khó khăn cho người dân. 

Tùng Nguyên