1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Nao lòng với tiếng đàn bầu ngày cuối năm của ông cụ ăn xin

(Dân trí) - Giữa phố phường tấp nập, nhộn nhịp ngày cuối năm, bên góc phố, ông cụ ngồi đánh đàn bầu, cứ mỗi khi tiếng đàn vang lên bài hát “Xuân này con không về” khiến nhiều người đi qua ai cũng thấy nao lòng…

Hơn 20 năm qua, ông Nguyễn Duy Sang (58 tuổi) thành phố Thanh Hóa đi thổi sáo, đánh đàn rong kiếm tiền nuôi sống gia đình. Những ngày giáp Tết này, mọi người ai cũng đều mong được nhanh về đoàn tụ bên gia đình nhưng ông Sang lại phải tranh thủ đi đánh đàn bầu kiếm tiền lo Tết cho gia đình mình.


Qua câu chuyện với người đàn ông có dáng người nhỏ nhắn, mái tóc đã điểm bạc, chúng tôi mới dần thấu hiểu về hoàn cảnh của người đàn ông này. Cũng nhờ vào cái nghề không giống ai này mà hơn 20 năm qua ông Sang đã nuôi sống được gia đình mình và chăm lo cho 3 con ăn học trưởng thành.

Ông Sang cho biết, nhà ông ở xã Quảng Phú, cách thành phố hơn 10km. Mỗi ngày, ông phải thức dậy từ lúc 5 giờ sáng. Sau khi giúp vợ làm những công việc nhà xong, ông bắt đầu lên chiếc xe đạp cũ cùng bộ đồ nghề ngược lên thành phố. Thông thường công việc đi thổi sáo và chơi đàn rong của ông bắt đầu từ lúc 8 giờ sáng, đến khoảng 14 giờ chiều ông lại đạp xe về nhà.

“Những ngày thường thì tôi đi thổi sáo dạo khắp các phố. Hơn một tuần nay thì tôi chuyển qua đánh đàn. Ngày Tết đường xá đông người quá, đi lại khó khăn nên tôi chỉ ngồi một chỗ để đánh đàn. Nhờ vào chiếc âm ly sử dụng điện bình này rồi phóng tiếng đàn ra loa mà nhiều người có thể thưởng thức được tiếng đàn”.

Tiếng đàn bầu của ông Sang vang lên từ góc phố khiến nhiều người nghe cũng phải nao lòng.
Tiếng đàn bầu của ông Sang vang lên từ góc phố khiến nhiều người nghe cũng phải nao lòng.

Vợ chồng ông Sang sinh được ba người con. Ông bảo: “Nhờ cái nghề đi thổi sáo, chơi đàn bầu dạo này mà tôi mới có tiền nuôi được các con ăn học. Ở quê làm ruộng cũng khó khăn lắm, không đủ ăn. Giờ đứa con gái đầu và thằng con trai thứ hai đã lập gia đình cả rồi. Thằng con trai út nó cũng mới học xong cấp ba giờ đang ở nhà đi làm phụ hồ”.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Sang tâm sự, điều mà ông tự hào nhất không phải là việc mình có thể chơi được nhiều loại nhạc cụ mà nhờ vào cái nghề không giống ai này mà ông đã nuôi người con trai thứ hai của mình học xong được bốn năm Đại học, giờ đã đi làm phụ giúp lại bố mẹ.

Giờ tuổi đã cao hơn trước nhưng ông Sang vẫn thích đi hát rong. Ông giải thích: “Hoàn cảnh gia đình tôi giờ cũng bớt khó khăn, con cái cũng bảo tôi nên nghỉ ở nhà làm ruộng nhưng tôi không chịu. Cái nghề này mới nhìn tưởng là đi “xin” nhưng với tôi đi là vì niềm đam mê nhạc cụ, âm nhạc. Tôi muốn được chia sẻ cùng mọi người, còn ai cho tiền thì tôi cũng đều cảm ơn họ. Tôi thích nhất là ai cũng hiểu và chia sẻ được với mình”.

Vốn là người đam mê các loại nhạc cụ dân tộc nên ông Sang có thể chơi được nhiều loại nhạc cụ khác nhau như: Nhị, sáo, đàn bầu, măng-đô-li… Khi còn trai trẻ thì ông Sang cũng từng đi làm phụ hồ rồi nhiều nghề khác để kiếm sống. Nhưng vì sức khỏe yếu nên ông không thể đi làm lâu dài được.

Thấy bản thân mình chỉ ở nhà, sống phụ thuộc vào vợ con vừa ngại lại làm gánh nặng cho gia đình nên ông đã nghĩ ra cái nghề “không giống ai này”. Thế là mỗi ngày ông Sang đi thổi sáo khắp các đường phố cho đến bây giờ. Từ các cổng chợ, bệnh viện, các quán cà phê… trên địa bàn thành phố Thanh Hóa nhiều người đã quen mặt ông. Ông không chỉ chơi nhạc cụ hay mà lại còn là người vui tính hòa đồng, ai ông cũng trò chuyện được.

Ông như nhập tâm vào những điệu nhạc.
Ông như nhập tâm vào những điệu nhạc.

Có mặt trên phố Lê Hoàn, nơi không khí mua sắm nhộn nhịp nhất của thành phố Thanh Hóa những ngày giáp Tết. Nhiều người khi đi qua đây cũng đều được nghe tiếng đàn bầu của ông vang lên từ góc phố. Nhiều người còn chạy đến bên nhờ ông đánh đàn bài hát theo yêu cầu để được nghe.

Nhiều người tâm đắc nhất là mỗi khi ông chơi cho ngân nga bài hát “xuân này con không về”. Mọi người nghe xong, cảm xúc lại bồi hồi và mong muốn nhanh được về quê đoàn tụ bên gia đình trong những ngày cuối năm này.

Ông Sang chia sẻ: “Bài nào tôi cũng chơi được hết, bình thường đàn bầu chỉ nghe hay những bài nhạc buồn nghe nó não lòng hơn. Tết đến xuân về nên tôi phải gắng tập để chơi những bài nhạc xuân để phục vụ khách những ngày giáp Tết. Mọi người nghe nhạc xuân bằng băng đĩa nhạc nhiều rồi, giờ nghe tiếng đàn bầu thấy lạ mới hay”.

Thái Bá