1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nâng mức bồi thường, hạn chế công chức làm sai!

Nhờ có Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, nhiều cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án. 6 năm qua, Nhà nước đã bồi thường 204 vụ việc với trên 111 tỷ đồng, nhưng cán bộ làm sai mới hoàn trả lại cho Nhà nước 676,742 đồng (!?).

Ảnh minh họa.( Nguồn: dantri.com.vn)
Ảnh minh họa.( Nguồn: dantri.com.vn)

Theo báo cáo của Bộ Tư pháp,  tính đến ngày 31/12/2015 (6 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước), các cơ quan có trách nhiệm bồi thường đã thụ lý giải quyết 258 vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, trong đó đã giải quyết được 204 vụ  với tổng số tiền bồi thường trên 111,149 tỷ đồng, còn lại 54 vụ đang tiếp tục giải quyết.

Việc Nhà nước thực hiện trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án, là bước tiến mới của luật pháp, nhằm bù đắp lại những thua thiệt về kinh tế mà cá nhân, tố chức đã phải gánh chịu.

Thông qua trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, sẽ góp phần chẩn chỉnh và loại bỏ những công chức không thực hiện tốt công vụ, làm trái luật...

Khi công chức thi hành công vụ sai, thì Nhà nước thực hiện việc bồi thường trước, sau đó công chức phải có nghĩa vụ hoàn trả lại tiền bồi thường cho Nhà nước. Quy định “mở” của luật pháp giúp cá nhân, tổ chức bị thiệt hại được đền bù sớm, kể cả với số tiền hàng chục tỷ đồng, nhưng ngân sách Nhà nước sẽ khó khăn khi bỏ ra số tiền bồi thường nhiều, mà thu lại thì rất ít và quá lâu! Điều này được minh chứng qua số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, 6 năm qua, Nhà nước đã bồi thường 204 vụ với trên 111 tỷ đồng, nhưng cán bộ làm sai mới hoàn trả lại cho Nhà nước  676,742 đồng.

Theo Thông tư liên tịch số 04/2014 “Hướng dẫn thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ” ngày 23/1/2014 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, thì mức hoàn trả của người thi hành công vụ được xác định tối đa không vượt quá số tiền thực tế mà Nhà nước đã chi trả cho người bị thiệt hại.

Cụ thể, nếu người thi hành công vụ sai do lỗi vô ý thì mức hoàn trả được xác định tối thiểu là 01 tháng lương và tối đa không quá 03 tháng lương khi Nhà nước đã chi trả là trên 100 triệu đồng; nếu sai do lỗi vô ý thì  mức hoàn trả được xác định tối thiểu là 24 tháng lương và tối đa không quá 36 tháng lương khi Nhà nước đã chi trả là trên 500 triệu đồng.

Việc quy định trách nhiệm hoàn trả một phần tiền khi người thi hành công vụ sai do lỗi vô ý và cố ý, dường như còn quá thấp, chưa tương xứng với khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại, nên không ít công chức chưa biết sợ khi thi hành công vụ!

Ngoài trách nhiệm hoàn trả chưa tương xứng, thì việc xác định lỗi của người thi hành công vụ dường như “rất khó”, nếu không muốn nói là trong một số trường hợp có biểu hiện “bênh vực” nhau nhằm giảm nhẹ hoặc miễn trừ trách nhiệm kinh tế, hành chính, hình sự.

Siết chặt kỷ luật công vụ, tuyển chọn công chức thực sự có “Tâm và Tầm” và tăng mức hoàn trả lại tiền bồi thường cho Nhà nước, sẽ góp phần hạn chế những oan, sai cho cá nhân, tổ chức, đảm bảo sự bình yêu cho xã hội.

Nhân dân “trao gửi quyền lực" cho các “công bộc của dân”, thì không có lý gì mà không phụng sự nhân dân nhiều hơn, tốt hơn!

Theo Đăng Dương

Báo Đảng Cộng sản Việt Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm