TPHCM:
Nâng cao vai trò của Hội đồng Nhân dân trong quản lý đất đai
(Dân trí) - Ngày 17/5, tại trường Đại học Luật TPHCM đã diễn ra hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi” với sự tham gia của nhiều chuyên gia pháp lý, luật sư, đại diện Hội Đồng Nhân dân TPHCM, trưởng phòng tài nguyên môi trường các địa phương…
Trong bản tổng hợp ý kiến đối với dự thảo, trường Đại học Luật TPHCM đã đưa ra nhiều đề xuất, góp ý. Theo đó, tại điều 1 của dự thảo, các giảng viên cho rằng cần áp dụng hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với tất cả các chủ thể gồm: tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt định cư ở nước ngoài sử dụng đất để thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh… Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân nước ngoài nếu đã thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam theo pháp luật Việt Nam thì cần nên được áp dụng hình thức sử dụng đất thống nhất như đối với các doanh nghiệp trong nước.
Về phát triển quỹ đất, tại điều 7 (dự thảo) quy định UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Quỹ phát triển đất của địa phương. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cần ủy thác cho tổ chức phát triển quỹ đất trực tiếp quản lý mà không phải ủy thác cho Quỹ đầu tư phát triển hoặc Quỹ tài chính khác của địa phương quản lý Quỹ phát triển đất. Nguyên nhân bởi tổ chức phát triển quỹ đất là người trực tiếp sử dụng quỹ này để phát triển đất nên nếu giao cho họ quản lý sẽ bảo đảm sự chủ động, hạn chế những thủ tục không cần thiết. Ngoài ra, nếu để Tổ chức phát triển quỹ đất quản lý Quỹ phát triển đất sẽ tạo điều kiện để họ sử dụng chính quỹ đất được giao quản lý để bổ sung nguồn tài chính cho Quỹ phát triển đất một cách linh hoạt.
Dù muốn giữ nguyên hạn mức giao đất nông nghiệp như quy định tại khoản 1, 2, 3 của Điều 126 dự thảo nhưng các chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực đất đai đề xuất cần kiên quyết thu hồi đất đối với những trường hợp không có khả năng sử dụng đất hoặc sử dụng đất không có hiệu quả. Về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp (điều 127, dự thảo) cần đưa thêm các chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với những trường hợp nhận chuyển quyền sử dụng đất để đầu cơ đất đai, không tiến hành tổ chức sản xuất.
Theo các chuyên gia, cần bỏ điều 18 (dự thảo) về giải quyết khiếu nại, tố cáo đất đai bởi vấn đề khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền nói chung đã được Luật Khiếu nại và Luật Tố tụng hanh chính quy định cụ thể. Các chuyên gia kiến nghị sửa đổi Điều 21 về xử lý đối với người quản lý vi phạm pháp luật về đất đai: “Cán bộ công chức vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện các hoạt động quản lý đất đai thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Ông Trương Lâm Danh, Phó Ban Pháp chế HĐND TPHCM cho rằng rất nhiều vụ khiếu nại, khiếu kiện kéo dài hiện nay về đất đai là do quy hoạch. Cần rõ ràng, minh bạch về đất đai và trong Luật Đất đai sửa đổi cần có thêm chương về trưng dụng, thu mua, trung thu về đất đai.
Nghiên cứu sinh Lê Ngọc Thạnh thì đề xuất cần phải thể hiện rõ vai trò, thẩm quyền của Hội đồng Nhân dân (HĐND) đối với đất đai. Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003 quy định ngoài thẩm quyền quyết định các vấn đề kinh tế, xã hội, xây dựng chính quyền địa phương, khoa học công nghệ… trong lĩnh vực tài nguyên, HĐND cấp tỉnh, huyện có quyền quyết định biện pháp quản lý, sử dụng đất đai, rừng núi, sông hồ, nguồn nước… Đối với HĐND cấp xã thì có quyền quyết định biện pháp quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ đất đươc để lại nhằm phục vụ các nhu cầu công ích của địa phương.
Mặc dù pháp luật quy định thẩm quyền của HĐND rộng như vậy nhưng trong Dự thảo chỉ đề cập đến vai trò của HĐND trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cũng như trong việc ban hành giá đất, còn trong lĩnh vực giám sát, quản lý đất đai chưa được cụ thể hóa. “Một số nghị quyết của HĐND trong lĩnh vực đất đai dường như chỉ là thủ tục trung gian. Khi xây dựng thẩm quyền HĐND cần xét đến đặc thù của nước ta là đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu nhằm tránh tập trung quyền lực vào cơ quan hành chính hoặc người được trao quyền trong cơ quan hành chính. Nói cách khác, nếu toàn bộ tài sản, đất đai của quốc gia chỉ do một số người điều hành, quyết định số phận thì dễ dẫn đến việc sử dụng đất đai không được cân nhắc hợp lý, tham ô lãng phí, không được kiểm soát, ngăn chặn kịp thời”, giảng viên Lê Ngọc Thạnh nói.
Công Quang