Nâng cao tay nghề và vị thế của lao động Việt Nam tại Trung Đông
(Dân trí) - Trước khi cử lao động đi làm việc tại thị trường Trung Đông, cần tập trung đào tạo lao động có tay nghề và hiểu biết về văn hóa, coi đây là lợi thế cạnh tranh, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.
Sau khi cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cấp cao Việt Nam dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ả-rập Xê-út tại Thủ đô Riyadh, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung đã gặp mặt các doanh nghiệp xuất khẩu lao động của Việt Nam và doanh nghiệp tuyển dụng lao động Việt Nam làm việc tại Ả-rập Xê-út, ngày 19/10.
Báo cáo tình hình người lao động Việt Nam đang làm việc tại Ả-rập Xê-út, ông Nguyễn Trần Thăng, Trưởng Ban thị trường Trung Đông, Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS), cho biết hiện có khoảng 5.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại quốc gia này.
Lao động Việt Nam sang Ả-rập Xê-út làm việc chủ yếu trong các ngành nghề như xây dựng, cơ khí, giúp việc gia đình. "Một số ít người lao động là kĩ sư, chuyên gia với chế độ đãi ngộ tốt, thu nhập cao", theo lời ông Thăng.
Trưởng Ban thị trường Trung Đông cho biết lao động Việt Nam được Ả-rập Xê-út đánh giá cao về ý thức trách nhiệm, sự chăm chỉ, khéo léo và chủ động trong công việc. Tuy nhiên, nước này nhận định thị trường Ả-rập Xê-út vẫn chưa thu hút được lực lượng lao động có kỹ năng nghề của Việt Nam, trong khi nhu cầu rất lớn.
"Thời gian gần đây, cơ quan chức năng hai nước đã ban hành các chính sách pháp luật tăng cường công tác quản lý người lao động, chấn chỉnh và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp trong bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tại địa bàn nhất, là những lao động có trình độ thấp như giúp việc gia đình", ông Thăng báo cáo Bộ trưởng.
Chia sẻ với những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhận định, thị trường Ả-rập Xê-út nói riêng và các quốc gia Trung Đông nói chung rất tiềm năng, có nhu cầu lớn tiếp nhận lao động, đặc biệt là lao động có kỹ năng, tay nghề.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, có một số khó khăn cần phải nhận diện. Đó là thị trường Trung Đông có sự khác biệt rõ rệt về văn hóa, tôn giáo, điều kiện thời tiết với khí hậu khắc nghiệt, và chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ bởi lực lượng lao động giá rẻ từ các quốc gia lân cận.
Trong khi đó, với điều kiện kinh tế trong nước phát triển, người lao động Việt Nam ngày càng có nhiều sự lựa chọn tốt về việc làm.
Từ góc độ của các quốc gia muốn tiếp nhận lao động Việt Nam, Bộ trưởng nhấn mạnh cần nâng cao quyền lợi cho người lao động mới có thể thu hút được lực lượng lao động sang làm việc.
Còn với cơ quan quản lý và doanh nghiệp, Bộ trưởng cũng lưu ý cần chú trọng một số vấn đề.
Trước hết, theo Bộ trưởng, cần tập trung đào tạo người lao động có tay nghề, kỹ thuật và hiểu biết về văn hóa, tôn giáo trước khi đi làm việc tại các nước Trung Đông. "Phải coi đây là lợi thế cạnh tranh để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài", theo lời Bộ trưởng.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh phải chú trọng đàm phán, lựa chọn những chủ sử dụng lao động tốt, có hợp đồng phù hợp với người lao động Việt Nam.
Bộ trưởng Dung cho rằng cần sử dụng trình độ, kỹ năng nghề của người lao động Việt Nam, làm cơ sở để đàm phán, nâng cao mức lương và các quyền lợi khác cho người lao động, nâng cao vị thế người lao động Việt Nam trên thị trường các nước.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, đại diện các doanh nghiệp Việt Nam cam kết sẽ triển khai ở thị trường Trung Đông đúng theo quan điểm chỉ đạo "không đưa người lao động đi bằng mọi giá".
Thay vào đó, các cơ quan sẽ chú trọng công tác đào tạo, lựa chọn, đánh giá kỹ lưỡng đối tác, hợp đồng và hỗ trợ, quản lý người lao động trong suốt thời gian làm việc ở nước ngoài để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng nhiều bộ trưởng, thứ trưởng các bộ, ngành tham gia tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến công tác tới Ả-rập Xê-út từ ngày 18 đến 20/10.
Theo lịch trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC) và thăm Vương quốc Ả-rập Xê-út.
Hoài Thu (Từ Riyadh, Ả-rập Xê-út)