1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa:

Nan giải tình trạng lao động "chui" nơi xứ người

(Dân trí) - Tình trạng lao động Việt Nam làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài đã gây ra nhiều hệ lụy, nhiều trường hợp bị tai nạn, thiệt mạng, bị phạt tù... Theo số liệu thống kê từ Công an tỉnh Thanh Hóa, những năm 2017 trở về trước, Thanh Hóa có tới hơn 14-15 nghìn lao động bất hợp pháp nơi xứ người.

“Xuất cảnh hợp pháp nhưng lao động bất hợp pháp”

Vượt biên trái phép sang nước ngoài lao động “chui”, người dân phải chịu nhiều rủi ro là sự thật. Tuy nhiên, việc ngăn chặn, giải quyết dứt điểm tình trạng này đến nay vẫn là bài toán khó.

Hiện nay, tình trạng lao động là người Thanh Hóa bất hợp pháp chủ yếu ở các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Malaysia…

Ngoài việc xuất cảnh trái phép còn có tình trạng người dân xuất cảnh hợp pháp sang nước ngoài để đi du lịch sau đó thì ở lại lao động bất hợp pháp hoặc lao động hết thời hạn nhưng không chịu trở về nước. Tình trạng này thường diễn ra ở Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc các nước châu Âu, khiến cơ quan chức năng rất khó quản lý.

Nan giải tình trạng lao động chui nơi xứ người - 1

Nhiều người xuất cảnh hợp pháp nhưng lại lao động bất hợp pháp bên nước ngoài.

Theo Ông Hoàng Ngọc Trung, Trưởng Phòng Việc làm - an toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hoá, số lao động bên Hàn Quốc hết thời hạn không chịu trở về là do bên đó trả lương cao nên người lao động bất chấp, cùng với đó là chế tài xử phạt còn hạn chế. Tình trạng trên khiến cho 2 năm trước Thanh Hoá có 6 huyện bị cấm xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Sang năm 2019, Thanh Hoá vẫn còn 2 huyện bị cấm là Đông Sơn và Hoằng Hoá.

Thượng tá Mai Xuân Ngọc, Phó trưởng Phòng An ninh Đối ngoại (PA01) Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Trước năm 2017, mỗi năm có hàng ngàn người dân Thanh Hóa sang Trung Quốc và một số nước châu Á làm việc trái phép. Có thời điểm lên đến 14-15 nghìn lao động bất hợp pháp bên nước ngoài”.

Nan giải tình trạng lao động chui nơi xứ người - 2

Cuộc sống nghèo khó khiến người dân bất chấp rủi ro, đánh cược cả tính mạng để sang lao động bất hợp pháp tại các nước ngoài.

“Theo thống kê mới nhất, toàn tỉnh Thanh Hóa có 3.448 người đang lao động bất hợp pháp ở nhiều nước. Riêng lao động trái phép bên Trung Quốc nhiều nhất là vào năm 2015, khoảng 13.000 người. Hiện tại, chỉ còn hơn 1.000 người. Ngoài Trung Quốc, một số nước có người lao động “chui” nhiều như: Hàn Quốc 1.164 người, Thái Lan 800 người, Lào 400 người... Bên cạnh đó, có khoảng 1.351 người đang lao động tại châu Âu. Con số này cơ quan chức năng cũng chưa xác định được bất hợp pháp hay không, do có thể những người này được người thân bảo lãnh. Cơ quan chức năng rất khó để ngăn chặn tình trạng này bởi phần lớn người dân tự tìm đến "cò mồi" hoặc nhờ người thân đang sinh sống ở các nước lo thủ tục” - Thượng tá Mai Xuân Ngọc thông tin thêm.

Cũng theo Thượng tá Mai Xuân Ngọc, một con số đáng báo động là trong số hàng ngàn người lao động bất hợp pháp tại nước ngoài thời gian qua đã có hàng chục lao động địa phương tử vong, mất tích

Đến thời điểm này, Thanh Hóa có 43 người tử vong khi lao động tại Trung Quốc, 39 người bị phía Trung Quốc bắt đưa ra xét xử; 2.751 người bị bắt trục xuất về nước.

Mất quyền bảo hộ công dân

Nguyên nhân sâu xa được các ngành chức năng đánh giá, do đời sống khó khăn, thiếu việc làm. Bên cạnh đó, nhận thức về pháp luật của một bộ phận quần chúng còn nhiều hạn chế, trong khi đó các chế tài xử phạt đối với những đối tượng này lại không đủ mạnh để răn đe.

Ở xã Minh Lộc (huyện Hậu Lộc) có thời điểm 300 thanh niên cùng lúc sang Trung Quốc và thường xuyên xảy ra tình trạng bị ngược đãi. Thế nhưng, người dân vẫn bất chấp những rủi ro, thậm chí đánh cược cả tính mạng để mưu sinh bên xứ Người.

Nan giải tình trạng lao động chui nơi xứ người - 3

Do lao động bất hợp pháp nên khi bị rủi ro, tử vong họ đều không được Nhà nước Việt Nam bảo hộ.

Ông Vũ Huy Bộ, Chủ tịch UBND xã Minh Lộc cho rằng: “Việc ra nước ngoài làm việc đã giúp rất nhiều gia đình thoát nghèo, bộ mặt nông thôn từng bước được thay đổi. Thế nhưng, hậu quả của nó là vô cùng lớn. Do chọn con đường di cư lao động bất hợp pháp, nhiều người chấp nhận đánh cược cho may rủi, đối mặt rất nhiều rủi ro như cưỡng bức lao động, đánh đập, thậm chí bỏ mạng nơi xứ người”.

“Rủi ro lớn nhất của lao động bất hợp pháp bên nước ngoài là họ bị mất quyền bảo hộ của Nhà nước Việt Nam. Khi xảy ra tất cả các vấn đề như xúc phạm nhân phẩm, nhân quyền không được bảo hộ. Chưa kể những hoàn cảnh khác như chủ quỵt lương, nợ lương, cũng không được bất kỳ cơ quan nào đứng ra bảo vệ” – Thượng tá Mai Xuân Ngọc nhấn mạnh.

Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, để ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp ra nước ngoài, trong những năm qua, Công an tỉnh đã có nhiều biện pháp quyết liệt trong đấu tranh ngăn chặn các đường dây lừa đảo, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép; đồng thời phối hợp với ngành lao động tăng cường vận động, khuyến khích người dân đi làm việc hợp pháp.

Từ năm 2016 đến nay, ngành công an ngăn chặn 38 vụ với 382 người có ý định xuất cảnh trái phép; phát hiện 108 đối tượng nghi vấn môi giới, tổ chức đưa người đi lao động trái phép; khởi tố 14 đối tượng về hành vi “Tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài trái pháp luật”.

Bình Minh