1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hà Nội:

Nạn cân điêu tái diễn ở các chợ

(Dân trí) - Sau một thời gian được chấn chỉnh, nạn cân điêu hiện đang tái diễn lại với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn khi trọng lượng bị “ăn bớt” lên đến 30-40% và trở thành một tệ nạn mà hầu như chợ nào cũng có.

Tràn lan khắp các chợ…

Nạn cân thiếu khi bán hàng với mức độ thiếu đã đến mức đáng sợ. Chị Mai Minh (phố Mai Dịch, quận Cầu Giấy) ngao ngán kể: “Cách đây chưa lâu, một người bán hoa quả trên xe đẩy qua nhà tôi rao giá 15 nghìn đồng một cân cam. Thấy rẻ hơn tại các chợ, siêu thị tôi chọn mua hai cân.

Vì mua tại nhà và được nhiều người khuyến cáo về nạn cân điêu, tôi lấy cân ở nhà ra cân lại trước sự chứng kiến của người bán thì chỉ được một cân rưỡi. Đến nước này người bán đành phải giải thích: “chắc tại vì cân bị giằn xóc do di chuyển suốt ngày nên lò xo bị … dão khiến kim đồng hồ chạy bất tử”.

Tương tự, chị Hạnh (ngõ số 2, phố Thái Hà) cho biết: trên thực tế, chuyện cân thiếu một vài lạng đối với dạng bán hàng dạo, xe đẩy nhan nhản trên đường phố, nhất là đối với mặt hàng hoa quả đã trở thành chuyện thường ngày. Người mua không phải không biết nhưng họ cũng đành bỏ qua bởi không thể lúc nào cũng mang cân theo và cân lại khi mua hàng. Còn khi về đến nhà cân lại thì cũng chẳng ích gì vì biết tìm người bán ở đâu để đòi”.

Nạn cân thiếu không chỉ diễn ra tràn lan tại các điểm bán dạo, hàng rong mà tình trạng này còn rất phổ biến tại hầu hết các chợ, điểm bán lẻ cố định trong thành phố.

Chợ Ngã Tư Sở là một trong những chợ “sung túc” nhất của thành phố vì hầu như chợ họp suốt 24/24 giờ không lúc nào vắng người qua lại. Và khu chợ này, từ lâu, cũng khét tiếng là có nạn cân “điêu”. Một phụ nữ tuổi hơn 40 bán hoa quả, miệng rao liên hồi: “26 ngàn đồng một cân cam sành đây”. Nhiều người trả giá 23 nghìn, thậm chí 20 nghìn, người bán chỉ đẩy đưa thêm vài tiếng kỳ kèo chiếu lệ rồi gật đầu đồng ý. Và lẽ đương nhiên khi cân cam, người bán hàng sẽ cân theo kiểu…giá 20 nghìn.

Tại các chợ tự phát, nạn cân thiếu càng phổ biến hơn. Chị Mai Hương, nhà ở đường Hồ Tùng Mậu bức xúc: “tại khu chợ tự phát trên đường Phan Văn Trường, chuyện cân thiếu đối với mặt hàng thịt, cá, tôm là chuyện thường. Rất nhiều lần tôi còn chứng kiến cảnh người mua phản ánh chuyện cân thiếu liền bị người bán mắng như tát nước vào mặt”.

Câu chuyện chưa có hồi kết?

Cân điêu đã từ lâu trở thành nỗi nhức nhối của không chỉ người dân. Năm 2005, Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hoá. Theo đó, tiểu thương cân “điêu” sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-300 ngàn đồng. Mức phạt có thể lên tới 2-5 triệu đồng nếu các hành vi gian lận cân, đong hàng hoá có giá trị lớn.

Và theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn Hà Nội hiện có không dưới 20 chiếc cân đối chứng đặt tại các chợ để người tiêu dùng cân kiểm tra. Việc làm này nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đồng thời các tác dụng răn đe các tiểu thương cần nghiêm chỉnh trong việc cân đong.

Bên cạnh đó, việc kiểm định, dán tem mã số quản lý cho từng chiếc cân tại một số khu chợ trong thành phố cũng được các cơ quan chức năng tiến hành khá thường xuyên. Tuy nhiên, có một thực tế là phần đông người tiêu dùng lại không có thói quen sử dụng cân kiểm tra và khiếu nại vì không muốn đôi co mất thời gian vì “vài đồng bạc lẻ” mà chẳng giải quyết được gì.

Nhiều ý kiến của người dân cho rằng, cái quan trọng là người bán chứ không phải cái cân. Dù cho đã được kiểm định đạt chất lượng nhưng sau khi đoàn kiểm tra đi khuất thì mọi việc lại đâu vào đấy cả thôi.

Bác Hà Thu, một người đi chợ Khương Đình nhiều năm cho rằng: “có phát hiện ra họ cân điêu cũng không giải quyết được việc gì. Lý do mà họ đưa ra nhằm từ chối giải quyết, nhận lỗi là hàng hoá đã mang ra khỏi sạp không đảm bảo người mua có lấy bớt mà vu vạ cho người bán hay không?!”

Phạm Phúc Hưng