1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Nam sinh trên tàu cá bị tàu Trung Quốc tông chìm: Vẫn xin ba đi biển...

(Dân trí) - “Hè năm sau, có cơ hội đi biển, em vẫn xin ba cho đi tiếp ra Hoàng Sa... Em không sợ Trung Quốc...”, đó là chia sẻ của em Võ Văn Cầu - học sinh trường THPT Vạn Tường (huyện Bình Sơn) - ngư dân nhỏ tuổi nhất trên tàu cá QNg 90479-TS vừa bị tông chìm ở Hoàng Sa.

Khát khao bước chân đến Hoàng Sa, em Cầu tranh thủ kỳ nghỉ hè, xin gia đình để cùng ba vươn khơi xa. “Cả cuộc đời ba bám biển Hoàng Sa, dành dụm được con tàu hơn 2 tỷ đồng, giờ thì bỏ xác tàu ở biển rồi. Có đi biển cùng ba, em mới thấu hiểu nỗi đắng cay, bức xúc khi bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp tài sản 2 lần và lần này thì tông chìm tàu”, em Cầu bày tỏ khi vừa trở về đất liền.

Khoảng 11h ngày 9/7, 2 tàu Trung Quốc khống chế 5 ngư dân trên tàu cá QNg 90479-TS và dồn các ngư dân về mũi tàu. Sau đó, phía Trung Quốc ép thuyền trưởng Võ Văn Lựu điều khiển tàu cá tấn công tàu QNg 95001-TS do thuyền trưởng Võ Văn Khanh điều khiển.

Sử dụng tàu cá QNg 90479-TS rượt đuổi và dùng lời lẽ qua I-com để lừa thuyền trưởng Khanh nhưng bất thành, đến 14h cùng ngày, phía Trung Quốc dùng tàu sắt tông chìm tàu cá QNg 90479-TS và bỏ mặc 5 ngư dân lênh đênh trên chiếc tàu đang chìm dần. Khi chiếc tàu chìm gần hết, chỉ còn nhô phần mũi tàu và trời tối, tàu Trung Quốc mới bỏ đi. Khoảng 19h, tàu QNg 95001-TS chạy lại cứu vớt 5 ngư dân.

“Chúng tôi cùng làm nghề biển với nhau, khi gặp hiểm nguy, tôi không thể bỏ mặc ngư dân mình, có chết cũng cố cứu người cho bằng được mới thôi. Tôi cùng anh em ngư dân nghỉ ngơi vài ngày, rồi tiếp tục đi biển lại và dù có chết cũng không bỏ biển Hoàng Sa”, thuyền trưởng Huỳnh Văn Khanh chia sẻ.

Mất gia sản hơn 2 tỷ đồng, thuyền trưởng Lựu lo lắng không biết kiếm nguồn vốn nào để đóng mới con tàu, tiếp tục bám lấy ngư trường truyền thống của tổ tiên ở Hoàng Sa. Anh Lựu nói: “Ngư trường Hoàng Sa thì tôi không thể nào bỏ, trở về tay trắng thế này, tôi biết vay mượn tiền ở đâu để đóng mới tàu công suất lớn đây”.

Thuyền trưởng Lựu (phải) cùng em trai Võ Thanh Hương (trái) tiếp tục bám biển Hoàng Sa, bất chấp sự đe dọa từ phía Trung Quốc.
Thuyền trưởng Lựu (phải) cùng em trai Võ Thanh Hương (trái) tiếp tục bám biển Hoàng Sa, bất chấp sự đe dọa từ phía Trung Quốc.

Dù đã 2 lần bị phía Trung Quốc cướp tài sản ở Hoàng Sa, lần này lại bị chìm tàu nhưng ngư dân Lựu vẫn một lòng quyết bám biển khơi xa.

Đối với lão ngư Võ Bông (70 tuổi), đây là chuyến biển cuối cùng và chia tay với Hoàng Sa vì tuổi cao, sức yếu. “Giờ này thì tôi hết sức thật rồi, may mà vừa rồi, không bỏ mạng ở biển, đó cũng coi như là cái phúc mà ông trời cứu giúp. Khi tàu chìm gần hết, tôi chợt nghĩ đến câu “Sinh nghề, tử nghiệp”, tôi cứ nghĩ sẽ chết thôi”.

Lão ngư Võ Bông đã 70 tuổi, ông chia tay với Hoàng Sa sau cả cuộc đời bám biển.
Lão ngư Võ Bông đã 70 tuổi, ông chia tay với Hoàng Sa sau cả cuộc đời bám biển.

Vừa bước chân lên đất liền, ngư dân Võ Thanh Hương - em ruột thuyền trưởng Lựu khẳng định: “Chỉ khi chết tôi mới không đi Hoàng Sa nữa, chứ còn sống ngày nào, tôi vẫn bám biển ngày đó. Sau chuyến biển vừa rồi, tôi nghỉ ngơi vài ngày rồi tìm tàu bạn đi biển lại. Khi nào anh Lựu đóng tàu mới, tôi về đi cho anh trai”.

Trong số 5 ngư dân bị nạn, có 1 thành viên chưa hề biết đến đi biển. Đó là thầy giáo Nguyễn Trung Hậu - giáo viên môn thể dục trưởng THCS Sơn Dung (huyện Sơn Tây) - con rể thuyền trưởng Lựu. Tranh thủ những ngày nghỉ hè, thầy giáo Hậu thử thách chinh phục chuyến biển dài ngày ở Hoàng Sa cùng gia đình vợ.

Khát khao chinh phục Hoàng Sa, thầy giáo Nguyễn Trung Hậu vẫn có ý định đi biển lần nữa.
Khát khao chinh phục Hoàng Sa, thầy giáo Nguyễn Trung Hậu vẫn có ý định đi biển lần nữa.

“Giáo viên và học sinh ở trường tôi dạy học, chỉ biết đến Hoàng Sa qua thông tin đại chúng, ai cũng bảo tôi nên đi ra Hoàng Sa cho biết để về kể lại cho đồng nghiệp cùng học sinh. Thế là trong suy nghĩ, tôi tự hỏi mình là con rể của gia đình ngư dân, ba vợ có tàu cá đi Hoàng Sa nên tôi xin ba đi cùng cho biết. Lúc tàu đang chìm, tôi sợ đến hết hồn, may mà gia đình vợ hướng dẫn cách chống chọi với sóng biển, cho đến khi tàu anh Khanh tới cứu thì tôi mới hết sợ. Khi nào ba vợ đóng thuyền mới, tôi xin đi tiếp, chắc đi vài lần là quen thôi”, thầy giáo Hậu chia sẻ.

Chuyến biển của đại gia đình thuyền trưởng Lựu đầy nước mắt, mất mát tài sản hơn 2 tỷ đồng. Thế nhưng, ngư dân vẫn cam trường bám biển, khép lại nỗi đau để vươn ra Hoàng Sa. Tinh thần của thầy giáo Nguyễn Trung Hậu, học sinh Võ Văn Cầu đã thể hiện ý chí vươn ra biển Đông, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc.

Theo Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi, ngoài mức hỗ trợ ban đầu 50 triệu đồng (chủ tàu 40 triệu đồng, mỗi ngư dân 2 triệu đồng), nếu gia đình ngư dân Võ Văn Lựu có nguyện vọng thì Quỹ HTND tỉnh cho vay vốn với lãi suất 0%, tương ứng theo công suất máy.

Hồng Long

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm