1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Năm Mậu Tuất và những sự kiện lịch sử

(Dân trí) - Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc có nhiều năm Tuất có những dấu ấn không thể nào quên. Nhân dịp bước sang năm Mậu Tuất 2018, chúng ta cùng ôn lại một số sự kiện từng xảy ra trong những năm Mậu Tuất.

Năm Mậu Tuất (938)

Mùa đông năm 938, Ngô Quyền từ Ái Châu (Thanh Hóa) kéo quân ra chống lại quân xâm lược Nam Hán. Chiến thắng Bạch Đằng, một chiến thắng lịch sử oanh liệt, đã kết thúc 1000 năm Bắc thuộc kể từ năm 179 trước Công nguyên do Triệu Đà xâm lược Âu Lạc.


Tranh vẽ trận đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng.

Tranh vẽ trận đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng.

Trong trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng, lợi dụng thủy triều lên xuống, Ngô Quyền cho quân sĩ đóng cọc có bịt sắt nhọn xuống lòng sông Bạch Đằng. Khi thuỷ triều lên, bãi cọc không bị lộ. Ngô Quyền nhử quân địch vào khu vực đóng cọc. Đợi đến khi thủy triều xuống, thuyền chiến lớn của Nam Hán bị mắc cạn và lần lượt bị cọc đâm thủng gần hết. Lúc đó Ngô Quyền mới tung quân ra tấn công dữ dội.

Quân Nam Hán thất bại tan tác, tướng Lưu Hoằng Tháo cùng với hơn nửa binh lính của mình đã bỏ mạng. Đại thắng trên sông Bạch Đằng đã khắc họa mưu lược và khả năng đánh trận của Ngô Quyền.

Sau khi đánh bại quân Nam Hán, Ngô Quyền lên làm vua đóng đô ở Cổ Loa (Hà Nội), mở ra thời đại phong kiến đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, một thời kỳ độc lập lâu dài của dân tộc.

Năm Mậu Tuất (1418)

Đúng ngày mùng 2 Tết năm 1418, trên đất Lam Sơn (Thọ Xuân, Thanh Hóa), Bình Định Vương Lê Lợi làm lễ tế cờ, dấy binh khởi nghĩa.

Trong suốt 10 năm khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi triệt để thực hiện tiến công ngoại giao, kết hợp với đấu tranh quân sự, chính trị.

Khi quân địch bị dồn vào thế bất lợi, Lê Lợi, Nguyễn Trãi không vội dùng sức mạnh quân sự để tiến công tiêu diệt địch mà bình tĩnh thực hiện bao vây uy hiếp kết hợp với tiến công chính trị dụ hàng. Vây đánh kết hợp với dụ hàng là nét đặc sắc trong nghệ thuật tiến hành chiến tranh của Nguyễn Trãi.

Sau một thập kỷ chiến đấu gian nan, năm 1428 quét sạch giặc Minh xâm lược, Lê Lợi lên ngôi lấy vương hiệu Lê Thái Tổ, lập ra triều đại Hậu Lê cường thịnh.

Năm Mậu Tuất (1718)

Tham Tụng Nguyễn Công Hãng, người làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn (nay thuộc Tiên Sơn, Bắc Ninh) được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh tháng 4 năm 1718.

Sau khi kết thúc chiến tranh Minh - Đại Việt, để giữ yên bờ cõi, chấm dứt chiến tranh và quan hệ hòa hiếu giữa hai nước, nhà Lê từ Lê Thái Tổ phải chấp nhận lệ cống người vàng Liễu Thăng, gọi là để đền mạng cho Liễu Thăng bị Lê Sát và nghĩa quân Lam Sơn chém đầu tại núi Mã Yên (đãi thân kim nhân).

Từ đó trở đi mỗi khi sang Trung Hoa triều cống, Đại Việt phải đúc một tượng người bằng vàng ròng cùng sản vật địa phương đem sang cống.

Việc đó sang thời Lê trung hưng, nhà Thanh lên thay thế nhà Minh vẫn phải tiếp tục lệ cống người vàng Liễu Thăng.

Khi Nguyễn Công Hãng sang sứ, ông bảo triều đình ta thôi không đúc người vàng nữa. Đến khi sang Trung Quốc, các quan thiên triều xét đồ cống thấy thiếu liền đem tâu lên vua quan nhà Thanh. Các quan triều Thanh đem chuyện cũ ra hỏi, ông đáp: Quốc vương nước tôi nối gìn nghiệp cũ, không dám bỏ việc tuế cống còn các việc thu thành, nạp khoán hay bồi thường thì sứ thần này đâu biết đến. Người Thanh lại nhắc lại chuyên Liễu Thăng, ông cười trả lời: Liễu Thăng là tên bại tướng của nhà Minh. Triều Thanh ta nay bao gồm cả muôn nước mà lại cứ khư khư đi đòi món "của đút" của kẻ thua trận để trả thù cho người xưa, sao đủ để làm gương cho đời sau.

Chánh sứ Nguyễn Công Hãng với tài ngoại giao khéo léo thuyết phục triều đình nhà Thanh chấp thuận chấm dứt việc cống người vàng mà dân gian ta quen gọi là “món nợ Liễu Thăng” .

Năm Mậu Tuất (1778)

Năm 1778, Nguyễn Nhạc, thủ lĩnh phong trào Tây Sơn lên ngôi Hoàng đế niên hiệu là Thái Đức, Hoàng đế thứ nhất của nhà Tây Sơn. Nguyễn Nhạc phong Nguyễn Lữ làm Thiết chế, Nguyễn Huệ là Long Nhương tướng quân.


Tượng đài ba anh em nhà Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ ở Bảo tàng Quang Trung, Qui Nhơn, Bình Định.

Tượng đài ba anh em nhà Tây Sơn Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ ở Bảo tàng Quang Trung, Qui Nhơn, Bình Định.

Anh em Tây Sơn, là những lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh ở phía Bắc và Nguyễn ở phía Nam, lật đổ hai tập đoàn này cùng nhà Hậu Lê.

Ngoài ra, Nguyễn Huệ còn là người đánh bại các cuộc xâm lược Đại Việt của Xiêm La từ phía nam, của Đại Thanh từ phía bắc; đồng thời còn là người đề ra nhiều kế hoạch cải cách tiến bộ xây dựng Đại Việt.

Sau này Nguyễn Huệ hay Bắc Bình Vương trở thành vị hoàng đế thứ hai của nhà Tây Sơn. Nguyễn Huệ không những là một trong những vị tướng lĩnh quân sự xuất sắc mà còn là một Hoàng đế tài giỏi, đưa ra nhiều cải cách kinh tế, xã hội nổi bật trong lịch sử Việt Nam.

Năm Mậu Tuất (1838)

Tháng 3 âm lịch năm 1838, Vua Minh Mạng đổi tên nước là Đại Nam, ngụ ý một quốc gia Phương Nam rộng lớn. Trong lịch sử Minh Mệnh là vị Hoàng đế thứ hai của nhà Nguyễn, vương triều cuối cùng của nền quân chủ Việt Nam.

Minh Mạng được xem là một vị vua siêng năng, luôn thức khuya dậy sớm để xem xét công việc, có khi thắp đèn đọc sớ chương ở các nơi gửi về đến trống canh ba mới nghỉ.

Quốc hiệu Đại Nam tồn tại đến năm 1945.

Nguyễn Thanh Giang
(Biên soạn)