1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nam Đông không khóc nổi!

(Dân trí) - “Khóc hả? Chúng tôi mất hết rồi, còn chi mà khóc nổi. Cái chúng tôi cần bây giờ là nơi trú ngụ và cái ăn cho tụi nhỏ, còn nữa thì chúng tôi nỏ cần chi”. Câu nói của một người dân ở khu chợ Nam Đông, Thừa Thiên Huế gần như là nỗi lòng của tất cả người dân nơi đây.

Tính cho đến hết ngày 1/10, hơn 700 ha cao su bị vật ngang lưng, hơn 3.000 ngôi nhà bị sập và tốc mái, cơ sở vật chất của người dân nơi huyện vùng cao Nam Đông đã bị cơn bão số 6 đánh tơi bời…

 

Con đường vào thị trấn Khe Tre của huyện Nam Đông phủ một lớp dày những lá rừng mà trên đường qua đây, cơn bão số 6 đã “bứt” xuống, cả con đường quốc lộ 14 nồng nặc những mùi nhựa cây với những thân cây đổ rạp hai bên đường đủ để biết sức tàn phá của cơn bão Xangsane ra sao. Những thân keo, tràm, phi lao, bạch đàn to gần bằng người lớn cũng bị gió xoắn tròn, bẻ gãy như que tăm, trơ cả lõi cây trắng hếu, tươm nhựa, những dấu hiệu cho thấy sự tàn phá ghê gớm của cơn bão.

 

Nam Đông không khóc nổi! - 1
  Rừng cao su của bà con Nam Đông đang thời kỳ cho mủ đã bị bão vật ngã.

 

“Sáng hôm rày, bão đã gần tan, bỗng “rằm” một cái ngẩng lên đã thấy mái nhà bốc đâu mất theo con gió cuối cùng. Chạy ra cửa nhà, tìm mãi mới thấy nó nằm trên ngọn đồi cách nhà cả trăm mét. Cả đời tui chưa bao giờ thấy cơn gió nào ác liệt như trận bão này hết đó” - anh Nguyễn Công Trứ, người thị trấn Khe Tre kể lại câu chuyện mà vẻ mặt vẫn chưa hết bàng hoàng.

 

Gia đình anh xây được một ngôi nhà khá kiên cố lợp mái tôn, oằn mình chịu bão số 6, nhưng cuối cùng thì cũng phải chịu thua sức mạnh của thiên nhiên. Hầu hết của cải trong nhà anh đều bị mưa và gió đánh tơi bời, giường tủ, cái thì vỡ kính, cái thì bị quăng vào góc nhà như bị thóc. Mái hiên nhà anh bây giờ chỉ còn vài thanh sắt quặt quẹo, may mà gia đình có căn hầm chắc chắn nên mọi người và các vật dụng đắt tiền đều có chỗ trú ẩn.

 

Vậy cũng còn đỡ hơn nhà chị Đặng Hường xã bên, cả nhà trông vào 1 ha cao su đang thời kỳ cho mủ thì đã bị gió quật gãy, cả ngôi nhà giờ đây chỉ còn mỗi gian bếp là đủ che đầu. Vừa thu nhặt những tấm tôn cũ, chị vừa sụt sùi: “Mai đây mấy mẹ con tui lấy gì kiếm sống?”…

 

Nam Đông không khóc nổi! - 2
 Rổ cơm nguội thấm đẫm nước mưa cùng một góc bếp, đó là những gì còn lại sau cơn bão của gia đình chị Đặng Hường (Hương Hoà, Nam Đông).

 

Những câu chuyện về cơn bão dường như không dứt với những người dân nơi đây khi chúng tôi dừng lại tìm hiểu. Chúng tôi biết, những mất mát này còn lâu họ mới có thể phục hồi lại được, nhà có mất, cao su có gãy, nhưng còn người là còn tất cả. “Vẫn biết thế, nhưng mai rày chúng tôi sống sao đây?” - với vẻ mặt thẫn thờ, chị Trần Thị Thọ, người thôn 7 xã Hương Hoà ngồi trên một đống gỗ đổ nát chẳng buồn đứng lên tiếp chuyện chúng tôi.

 

“Cả nhà, hai vợ chồng cùng 2 đứa con, may mà bão xảy ra ban ngày nên chúng tôi còn biết đường mà chạy, chứ nếu trời tối thì chúng tôi biết chạy đằng mô khỏi bão?...”. Với một đống gạch gỗ ngổn ngang mà mới hôm qua chị còn gọi là nhà, câu hỏi của chị khiến chúng tôi cũng phải lúng túng. Cũng may, một nhóm bộ đội đại diện Ban Chỉ huy Quân Khu 4 đến tặng lương thực chống đói đã cứu chúng tôi khỏi hoàn cảnh khó xử này.

 

Ngang qua ngôi chợ đầu thị trấn, những người bán hàng trong chợ đang hè nhau bẩy chiếc cửa sắt bị gió thổi bung khỏi ray, xung quanh vài ba người mang hàng hoá ra hóng nắng, chẳng ai thiết buôn bán, hoạ hoằn lắm họ chỉ trao đổi với nhau vài ba câu thăm hỏi gia cảnh…

 

Nam Đông không khóc nổi! - 3
 Thu dọn những gì quý giá nhất sau cơn bão.

 

“Khóc hả? Chúng tôi mất hết rồi, còn chi mà khóc nổi. Cái chúng tôi cần bây giờ là nơi trú ngụ và cái ăn cho tụi nhỏ, còn nữa thì chúng tôi chẳng cần chi”. Câu nói của một người dân khu chợ gần như là nỗi lòng của tất cả người dân nơi đây.

 

Để ổn định lại cuộc sống như ngày hôm qua, cần một thời gian cực khổ khá dài, tự bản thân họ chưa chắc đã  đứng lên nổi, tất cả niềm hy vọng của họ giờ đây chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của chính quyền địa phương với những tính toán dài hơi, để họ có thể ổn định cuộc sống chứ không phải chỉ là những bữa cơm hàng ngày, được hôm nay lại lo ngày mai.

 

Nam Đông không khóc nổi! - 4
 Những cây tre trên quốc lộ 14 vốn dẻo dai đến thế cũng không chịu nổi với cơn bão số 6.

 

Nam Đông không khóc nổi! - 5
  Những cột điện xiêu vẹo sau cơn bão chỉ chực đổ xuống người đi đường.

 

Nam Đông không khóc nổi! - 6
 Những gian hàng trong chợ Khe Tre bị bão số 6 tàn phá.

 

Nam Đông không khóc nổi! - 7
 Chiếc cửa sắt kiên cố này cũng không chịu nổi sức tàn phá của gió bão.

 

Nam Đông không khóc nổi! - 8
 Chiếc đồng hồ trong một ngôi nhà ven đường quốc lộ 14 dừng lại lúc 8h sáng ngày 1/10, thời gian mà ngôi nhà không chịu đựng được gió bão.

 

Nam Đông không khóc nổi! - 9
 Anh Nguyễn Công Trứ thất thần trong ngôi nhà trơ mái của mình.

 

 

Nam Đông không khóc nổi! - 10
 Một người dân Nam Đông đang cố gắng tận dụng lại những tấm tôn méo mó sau cơn bão.

 

Nam Đông không khóc nổi! - 11
 Một gian nhà và một mảnh rừng cao su, đó là những thứ thiết yếu của đa số bà con Nam Đông, thế nhưng, sau cơn bão số 6, giờ đây là những gì mà họ còn lại.

 

Nam Đông không khóc nổi! - 12
 Một em bé tranh thủ kiếm củi trong rừng cao su gãy gập sau cơn bão.

 

Nam Đông không khóc nổi! - 13
Người dân bán hàng trong chợ Khe Tre mang hàng hoá ra phơi, ngay bên cạnh con sông Tả Trạch vẫn đang cuồn cuộn đổ về TP Huế.

 

Nam Đông không khóc nổi! - 14
  Một cửa hàng sửa xe đã đón khách mặc dù ngôi nhà bị bão phá huỷ chưa kịp sửa sang.

 

 

Bài và ảnh: Việt Hưng

Dòng sự kiện: bão số 6 - 2006