Nầm bẩn đổ về Hà Nội
Cả chục tấn nầm lợn, dê, nội tạng động vật “bẩn” hàng ngày thẩm lậu qua biên giới, lọt vào nội địa và được nhiều chủ quán hàng, người dân mua về chế biến thành “đặc sản”...
Nầm động vật nhập lậu vào Việt Nam đều là nầm lợn tẩm ướp hóa chất
Thực phẩm “bẩn” chạy từ Bắc vào Nam
Từ tháng 8/2011 đến nay, các lực lượng Công an Hà Nội, phối hợp với Chi Cục QLTT Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ gần 10 vụ vận chuyển nội tạng, các sản phẩm động vật nhập lậu từ nước ngoài, qua biên giới phía Bắc về Hà Nội và chuyển đi các tỉnh phía Nam tiêu thụ. Các vụ vận chuyển thực phẩm “bẩn” số lượng lớn đều được phát hiện, bắt giữ vào ban đêm, số lượng khoảng 5 tấn - Trung tá Phạm Giang Sơn, Đội trưởng Đội PCTP về môi trường trong lĩnh vực y tế, ATVSTP (Đội 6) Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường - CATP Hà Nội cho biết. Công tác tuần tra, bắt giữ của lực lượng công an nhiều là vậy, song thực phẩm “bẩn” vẫn len lỏi, thẩm lậu vào nội địa.
Mới đây, lực lượng chức năng phục kích trên QL 1B - đoạn qua địa bàn huyện Thường Tín, phát hiện xe ô tô chở khách BKS: 98K-4346 chạy tuyến Bắc Giang - TP Hồ Chí Minh chở hàng hóa quá tải, có biểu hiện nghi vấn đã ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra. Trong khoang hành lý, lực lượng chức năng phát hiện có 22 thùng xốp cỡ lớn, chứa 1,5 tấn nầm động vật. Lái xe Trần Văn Nghiệp (SN 1975), trú tại TP Bắc Giang khai chở thuê số hàng trên cho một chủ hàng tại Bắc Giang, vào khu vực quận 10 - TP Hồ Chí Minh, với giá vận chuyển 100.000 đồng/thùng.
Chứng kiến lực lượng chức năng kiểm tra các thùng thực phẩm, PV ghi nhận nhiều tảng nầm to dù ướp đá lạnh trong thùng xốp, nhưng vẫn mốc xanh, mốc đen… bốc mùi hôi thối. Với số ít thùng không được bảo quản lạnh tốt, miếng nầm tái nhợt, tiết ra nhiều dịch nhầy, bắt đầu phân hủy…
Chỉ huy Đội 6 - Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường cho biết hơn 1 tấn nầm được vận chuyển từ bên kia biên giới, qua đường tiểu ngạch vào Việt Nam. Hàng tiếp tục được trung chuyển về Bắc Giang. Tính cả thời gian đóng gói từ biên giới, vận chuyển, xuống hàng… thì ít nhất số nầm này đã có mặt tại Bắc Giang đã 3-4 ngày. Thực phẩm bảo quản trong thùng xốp chỉ có thể đảm bảo chất lượng trong vòng một ngày. Nhiều khả năng, nầm đã được tẩm ướp hóa chất chống ôi thiu, có hại cho sức khỏe người sử dụng.
Dễ dàng đến tay thực khách
Đến hẹn lại lên, khi thời tiết Hà Nội chuyển thu, dọc vỉa hè các tuyến phố, nhiều quán đồ nướng, đặc biệt là “đặc sản” nầm nướng mọc lên san sát. Khách đến đây đa phần là giới trẻ, họ vui vẻ ăn uống, thưởng thức “đặc sản” mà không hề lo lắng đến chất lượng, nguồn gốc thực phẩm. Dạo quanh các tuyến phố nhỏ ở Hà Nội, mới thấy số lượng quán nhậu gia tăng chóng mặt. Chẳng cần quảng cáo, tiếp thị ồn ào, chính mùi thơm đặc trưng lan tỏa khắp phố phường sẽ níu thực khách dừng chân.
Mới 19h, song dãy hàng đặc sản thịt dê ở phố Kim Mã đã đông nghịt khách. Đội quân mời khách ngang nhiên chặn xe bất kể ai qua lại lối đi này, gây mất TTATGT. Theo quan sát của chúng tôi, trên trục đường dài khoảng 100m có đến 5 quán hàng bán “đặc sản” thịt dê. Vỉa hè đường Đại Cồ Việt - đoạn đối diện công viên Thống Nhất cũng tương tự. Nơi đây luôn có vài ba quán hàng đồ nướng trưng biển sáng chói, khách ngồi chật ních. Những đĩa nầm dê trắng bóc, bóng mượt đã tẩm ướp phụ gia được bà chủ quán béo mầm quảng cáo: nầm dê Ninh Bình “xịn”.
Cùng tham gia thực tế với PV ở nhiều quán bán đồ nướng vỉa hè, trên địa bàn Thủ đô gần 1 tuần qua có 3 cán bộ, trinh sát dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng ngừa, đấu tranh với các vi phạm về VSATTP, thuộc Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường CATP Hà Nội. Qua ghi nhận thực tế, với con mắt nghề nghiệp, các cán bộ này đều khẳng định, hầu hết các quán bán “đặc sản” nầm dê nướng hiện nay đều trá hình bán nầm lợn, nhập chui qua biên giới. Dù là thực phẩm bẩn, bốc mùi khó chịu, song theo một cán bộ Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường: Giống như mực thối bị phát hiện trước đây tại chợ Long Biên, nầm bốc mùi cũng dễ dàng được rửa sạch, tẩy trắng bằng ôxy già công nghiệp nồng độ cao. Sau khi làm mới sản phẩm, nầm được phân phối đến các nhà hàng, quán ăn ven đường. Tùy theo chất lượng hàng mà đầu bếp sẽ tẩm ướp gia vị để lừa miệng thực khách...
“Bó tay”… trước hiểm họa
Thực phẩm bẩn ồ ạt về Thủ đô là thực tế diễn ra lâu nay, nhưng vì sao đến thời điểm này, lực lượng chức năng vẫn không đưa ra một khuyến cáo cụ thể về mức độ nguy hại của sản phẩm, nhằm định hướng thói quen ăn uống của người dân - thắc mắc được chúng tôi đặt ra với nhiều cán bộ, chỉ huy Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường - CATP Hà Nội. Câu hỏi được đại diện cơ quan công an giải đáp qua ví dụ thực tế.
Sau khi phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển 1,5 tấn nầm động vật nghi tẩm ướp hóa chất độc hại, lực lượng công an và QLTT đã lấy một số mẫu sản phẩm, gửi đến cơ quan chuyên môn phân tích, xác định thành phần độc tố, hóa chất tẩm ướp bảo quản trong thực phẩm. Mang mẫu đến gửi một đơn vị phân tích có uy tín, chúng tôi giật mình khi được cán bộ nhận mẫu hỏi:
- Anh cần phân tích hóa chất gì trong thực phẩm này?
Cán bộ công an ngỡ ngàng đáp: “Tôi nhờ viện xác định trong mẫu thực phẩm có hóa chất tẩm ướp gì bị độc hại, bị cấm”.
Cán bộ phân tích nói vui: “Em mà biết thì giàu to, vì sẽ mua về tẩm ướp, bảo quản thực phẩm, hoa quả bán kiếm lời!”
Anh em trong đơn vị luống cuống, đề nghị cơ quan phân tích hàm lượng formadehyt (chất cấm thường được dùng bảo quản thực phẩm tại Việt Nam), song kết quả không có hóa chất này - đại diện Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường cho biết.
Ví dụ thực tế trên cũng chính là bất cập lớn nhất trong kiểm tra, xử lý, ngăn chặn các vi phạm về ATVSTP hiện nay. Trong khi các loại hóa chất bảo quản thực phẩm, gây độc hại cho con người được sản xuất ngày một nhiều, thì các máy móc, phương tiện phân tích trong nước không đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu. Đây là lý do tại sao lực lượng chức năng không thể đưa ra khuyến cáo cụ thể về mức độ nguy hại của sản phẩm “bẩn” cho người sử dụng, giống như: “tôm có dư lượng chất kháng sinh”; “thịt lợn có thuốc tăng trọng”…, mà nhiều nước trong khu vực vẫn làm.
Ngoài bất cập về kiểm tra, xử lý, trang thiết bị chuyên dùng phát hiện các độc tố trong thực phẩm “bẩn”, một trong những nguyên nhân khiến nạn mua bán, vận chuyển loại thực phẩm gia tăng thời gian qua còn do chế tài xử lý hành vi này không đủ sức răn đe. Nghị định số 40/2009/NĐ-CP ngày 24/4/2009, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y quy định, các cá nhân có hành vi kinh doanh, vận chuyển sản phẩm động vật theo quy định phải kiểm dịch mà không có giấy phép chứng nhận kiểm dịch, với số lượng bất kể bao nhiêu chỉ bị xử phạt 1,5 triệu đồng…
Theo Thu Hạnh
An ninh Thủ đô