1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Năm 2022, Cảnh sát phòng cháy cứu được hơn 2.100 người bị mắc kẹt

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Năm 2022, lực lượng Cảnh sát phòng cháy đã trực tiếp hướng dẫn thoát nạn cho hàng nghìn người và cứu được hơn 2.100 người bị mắc kẹt, tìm được 842 thi thể bị nạn bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý.

Sáng 7/3, Bộ Công an tổ chức hội nghị tổng kết công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự của lực lượng Công an nhân dân năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

Năm 2022, Cảnh sát phòng cháy cứu được hơn 2.100 người bị mắc kẹt - 1

Quang cảnh hội nghị (Ảnh: Phạm Kiên).

Thiên tai năm 2022 "nuốt" gần 20.000 tỷ đồng

Theo Bộ Công an, năm 2022 Việt Nam bị ảnh hưởng 7 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới, 300 trận mưa lớn,... làm 175 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế ước tính gần 20.000 tỷ đồng.

Năm 2022, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai...

Trong đợt bão số 4, Cục CSGT đã bố trí địa điểm và các điều kiện đảm bảo để lập Sở Chỉ huy tiền phương của Bộ Công an ứng phó với cơn bão này tại Đà Nẵng; Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã huy động gần 3.100 lượt cán bộ, chiến sĩ, cùng trang thiết bị, phương tiện tăng cường phối hợp, hỗ trợ chi viện cho các địa phương;...

Về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), năm 2022, lực lượng PCCC và CNCH công an các địa phương đã huy động gần 90.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, xuất hơn 14.000 lượt phương tiện ứng cứu hơn 4.200 vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn; trực tiếp hướng dẫn thoát nạn cho hàng nghìn người và cứu được hơn 2.100 người bị mắc kẹt, tìm được 842 thi thể bị nạn bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý; tổ chức di chuyển tài sản và cứu được tài sản trị giá khoảng 534,37 tỷ đồng.

Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường đã được Bộ Công an các đơn vị, địa phương quan tâm chỉ đạo, thực hiện, góp phần quan trọng phòng ngừa sự cố, thiên tai.

Cụ thể, công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện hơn 31.000 vụ/ hơn 32.000 đối tượng vi phạm về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm; khởi tố, đề nghị khởi tố 591 vụ/763 đối tượng; xử phạt, đề nghị xử phạt vi phạm hành chính hơn 28.000 vụ/gần 30.000 đối tượng với tổng số tiền trên 402 tỷ đồng;...

Ngoài các nội dung trên, Bộ Công an còn tập trung triển khai các giải pháp nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự cho cán bộ, chiến sĩ công an các cấp, nhất là cấp cơ sở.

Thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan

Tại hội nghị, các đại biểu từ các đơn vị, địa phương đã có phát biểu tham luận, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Đại tá Nguyễn Minh Khương - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (C07 - Bộ Công an) đã có chia sẻ ngắn gọn về chuyến công tác thực hiện nhiệm vụ CNCH, cứu trợ nhân đạo tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm 2022, Cảnh sát phòng cháy cứu được hơn 2.100 người bị mắc kẹt - 2

Đại tá Nguyễn Minh Khương phát biểu tại hội nghị (Ảnh: D.T.).

Theo Đại tá Khương, khi đến Thổ Nhĩ Kỳ đoàn gặp nhiều khó khăn vì thời tiết rất lạnh; làm việc ở hiện trường luôn có nguy cơ đổ sập từ các công trình bên cạnh; bất đồng ngôn ngữ; điều kiện sinh hoạt thiếu thốn về nước sạch, điện chiếu sáng;...

"Sang Thổ Nhĩ Kỳ làm nhiệm vụ, chúng tôi xác định phía bạn sẽ hỗ trợ hậu cần cho mình là rất hạn chế. Do đó, chúng tôi đã chuẩn bị hậu cần có thể đảm bảo tối thiểu được 15 ngày, bao gồm cả nước uống, lương thực...", Đại tá Khương nói và cho biết thêm, đoàn công tác đã nhờ Đại sứ quán Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị hỗ trợ một tình nguyện viên nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và hiểu văn hóa con người nước sở tại, từ đó công tác CNCH của đoàn được thuận lợi hơn.

Đoàn CNCH của Bộ Công an được đánh giá là đoàn có nhiều trang thiết bị hiện đại tại khu vực đoàn làm nhiệm vụ tìm kiếm nạn nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ. 

Ngoài thực hiện nhiệm vụ CNCH, đoàn Việt Nam còn thực hiện tốt công tác dân vận như đến thăm hỏi, động viên người dân nước sở tại bị thiệt hại do động đất. Từ đó, người dân địa phương đã rất ấn tượng về đoàn công tác của Bộ Công an và hỗ trợ lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tại hội nghị, đại biểu tỉnh Đồng Tháp tóm tắt quá trình giải cứu cháu bé rơi xuống trụ bê tông và nêu ra một số kinh nghiệm trong công tác CNCH; đại diện Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (K02 - Bộ Công an) nêu khó khăn do chưa có phương tiện chuyên dụng để phục vụ riêng cho nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;...

Theo Bộ Công an, thành tích của lực lượng công an trong phòng, chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn đã được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương ghi nhận, đánh giá cao; nhiều lượt tập thể đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Công an biểu dương, khen thưởng. 

Năm 2022, Cảnh sát phòng cháy cứu được hơn 2.100 người bị mắc kẹt - 3

Bộ Công an trao tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn... (Ảnh: Phạm Kiên).

Năm 2022, Cảnh sát phòng cháy cứu được hơn 2.100 người bị mắc kẹt - 4

Thiếu tướng Lê Văn Tuyến - Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu kết luận hội nghị (Ảnh: Phạm Kiên).

Phát biểu kết luận hội nghị, Thiếu tướng Lê Văn Tuyến - Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, các đơn vị của Bộ Công an, công an các địa phương phải thường xuyên theo dõi diễn biến thiên tai, sự cố để kịp thời tham mưu, chỉ đạo các biện pháp để phòng chống, ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai, mục đích cuối cùng là giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra;

Lực lượng công an chủ động phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân trong thiên tai; Khi xảy ra thiên tai thì cần phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, nhất là với lực lượng quân đội, chủ động các phương án để ứng phó với thiên tai...; Chủ động rà soát, ưu tiên bố trí kinh phí, bổ sung các phương tiện phục vụ công tác phòng, chống thiên tai;...