1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Năm 2020, các loại bảo hiểm dùng chung một thẻ điện tử

(Dân trí) - Bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, hưu trí… sẽ được tích hợp đủ trong một thẻ điện tử duy nhất. Việc này đang được tích cực chuẩn bị để chính thức vận hành, thực hiện từ năm 2020, đồng thời với việc xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đây là một nội dung được thảo luận tại Hội thảo “Thúc đẩy việc triển khai thi hành luật Bảo hiểm xã hội 2014” do UB Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức tại Vĩnh Phúc ngày hôm qua, 23/7.
Năm 2020, các loại bảo hiểm dùng chung một thẻ điện tử
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai yêu cầu chuẩn bị để vận hành, thay thế sử dụng sổ BHXH bằng thẻ điện tử vào năm 2020.

Theo Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, với trách nhiệm là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, Ngành BHXH đóng vai trò quan trọng trong tiến trình đổi mới chính sách, pháp luật về an sinh xã hội, đồng thời, những sửa đổi, bổ sung trong Luật lần này đã tăng thêm điều kiện, cơ chế để ngành BHXH thực hiện tốt vai trò, chức trách của mình, đặc biệt là công tác thanh tra việc đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý BHXH, tổ chức xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu điện tử quản lý BHXH, thay thế việc sử dụng sổ BHXH bằng thẻ BHXH điện tử vào năm 2020.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng là cơ quan cung ứng dịch vụ công thiết yếu cho người dân. Do vậy, bà Mai nhấn mạnh, BHXH phải hướng tới mục tiêu phục vụ người dân, xem người tham gia BHXH là khách hàng, đối tác của mình trong quá trình phát triển của Ngành.

Đây là định hướng lớn mà BHXH Việt Nam cần phấn đấu thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, góp phần cùng với Đảng, Nhà nước đảm bảo an sinh xã hội cho người dân thông qua việc mở rộng và nâng cao chất lượng chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội nói.

Về phía BHXH Việt Nam, chia sẻ về yêu cầu đổi mới quản lý BHXH trước những yêu cầu mới Luật BHXH (sửa đổi) đặt ra, Phó Tổng Giám đốc Đỗ Văn Sinh cho biết, BHXH Việt Nam đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm và đang tích cực triển khai các nhóm nhiệm vụ của mình,

Trước hết, ngành đã tích cực chuẩn bị cơ sở pháp lý triển khai Luật. Hướng quản lý BHXH được xác định là phải dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin. BHXH Việt Nam cũng triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả công tác tuyên truyền nhằm phục vụ mục tiêu phát triển đối tượng mà Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra. Ngành cũng đã lo nguồn nhân lực đảm nhiệm chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định mới của Luật.

Không giải quyết trường hợp nào, vẫn cần 1.000 người vận hành quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Về việc quản lý, bảo toàn và phát triển quỹ BHXH, TS Phạm Trường Giang – Hiệu trưởng Trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức – Bộ LĐ,TB&XH khẳng định các hình thức đầu tư quỹ đã được quy định một cách chặt chẽ để đảm bảo an toàn.

Các số liệu thống kê cho thấy, khoản đầu tư chủ yếu của quỹ là cho ngân sách nhà nước vay, mua trái phiếu và cho các Ngân hàng thương mại nhà nước vay. Cơ cấu phân bổ các hình thức cho vay có sự thay đổi, điều chỉnh dần.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh phát biểu tại hội thảo.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh phát biểu tại hội thảo.

Ông Giang dẫn chứng, năm 2011, nguồn vốn quỹ cho các ngân hàng thương mại nhà nước vay rất lớn, tới gần 70.000 tỷ đồng (chiếm xấp xỉ 39%) tổng nguồn vốn nhưng đến năm 2012, tỷ lệ cho vay qua kênh này đã giảm xuống 25%, đến 2013 còn hơn 19% và năm 2014 chỉ còn gần 12%.

Nguồn vốn dành cho ngân sách nhà nước vay và mua trái phiếu Chính phủ có xu hướng tăng lên cả về số tiền và tỷ trọng trong tổng nguồn vốn của quỹ. Nếu năm 2011, số tiền từ quỹ cho nhà nước vay và đầu tư mua trái phiếu là 69.000 tỷ đồng (tương ứng 38%) thì đến 2012 đã tăng lên 129.000 tỷ đồng, tương ứng 55% và năm 2014, con số này là 274.000 tỷ đồng, tương ứng 74%.

Đánh giá về hiệu quả đầu tư, TS Phạm Trường Giang cho biết, tính đến 2011, lợi nhuận thu được từ hoạt động đầu tư quỹ là 14.728 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận bình quân hàng năm đạt 9,84%. Cho rằng tiềm năng đầu tư phát triển quỹ còn lớn hơn, ông Giang phân tích, mọi hoạt động đầu tư hiện vẫn theo khung kế hoạch hàng năm, do Hội đồng quản lý quyết định chứ BHXH Việt Nam không được chủ động thực hiện, làm hạn chế tính linh hoạt và quỹ luôn trong trạng thái bị động.

Việc đầu tư khoản tiền bảo hiểm thu được cũng không có mục tiêu, chiến lược dài hạn nên hiện ngoài khoản đầu tư vào trái phiếu chính phủ và cho các công trình trọng điểm quốc gia vay thì quỹ BHXH chưa có khoản đầu tư nào thực sự mang tính chất dài hạn. Các khoản tiền gửi, cho vay tại các ngân hàng thương mại cũng chỉ có kỳ hạn không quá 1 năm nên các đơn vị này cũng không thể sử dụng để cho vay các dự án dài hạn mà chỉ dùng để cho vay lòng vòng giữa các ngân hàng với nhau, khó kiểm soát.

Ông Giang đề nghị xây dựng một cơ quan giám sát độc lập hoạt động đầu tư quỹ, đảm bảo nguồn vốn đầu tư được sử dụng theo đúng quy định, đảm bảo an toàn cho khoản tiền an sinh quan trọng nhất của xã hội, khoản trông chờ khi đau ốm, mất việc, mất sức lao động, khi về già… của hàng triệu người lao động.

“Gật đầu” với quan điểm này, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh nguyên tắc an toàn, “ăn chắc mặc bền”, tránh rủi ro cho quỹ.

Nói thêm về việc chi phí quản lý quỹ, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, sau khi luật BHXH 2014 có hiệu lực thi hành (từ 1/1/2016), cần nhanh chóng tiến tới việc hạch toán lương thưởng của ngành BHXH như với một đơn vị sự nghiệp có thu, tính trên doanh thu cũng như hiệu quả đầu tư của quỹ.

Ông Lợi dẫn ví dụ một điểm bất cập hiện nay, hệ thống cơ quan BHXH cả nước cần 1.000 cán bộ để quản lý, vận hành quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Với con số “cứng” như vậy, tiền lương chi trả, chi phí hoạt động như với công chức, viên chức, nếu cả năm quỹ không phải giải quyết bất cứ trường hợp người lao động bị thất nghiệp nào thì cũng vẫn tốn chừng đó cho bộ máy 1.000 con người vận hành.

P.Thảo