Năm 2017, vệ tinh ASNARO của Việt Nam sẽ cung cấp hình ảnh radar
(Dân trí) - Đến năm 2017, vệ tinh ASNARO của Việt Nam sẽ cung cấp ảnh radar phục vụ cho hoạt động kinh tế thương mại, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp như dự báo năng suất lúa, dự báo phòng chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra.
Mặc dù công nghệ viễn thám (CNVT) đã phát triển và ứng dụng mạnh mẽ ở nhiều nước phát triển trên thế giới, song vẫn chưa được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam.
Việt Nam là một trong 5 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, hàng năm chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ; ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động sản xuất nông nghiệp. Do đó công tác dự báo và quản lý thiên tai đóng vai trò quan trọng trong giảm thiểu thiệt hại.
“Chúng tôi nhận thức việc áp dụng công nghệ viễn thám trong việc quy hoạch sản xuất nông nghiệp là một xu thế tất yếu trên thế giới và trong khu vực” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định tại Hội thảo “Ứng dụng công nghệ viễn thám trong đảm bảo an ninh lương thực”, được tổ chức tại Hà Nội sáng nay 30/6.
Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, hiện nay nhiều cơ quan không gian cũng như cơ quan vũ trụ Châu Âu vẫn đang tiếp tục cung cấp những bức ảnh vệ tinh miễn phí. Ở Việt Nam, đến năm 2017, vệ tinh ASNARO của nước ta sẽ bắt đầu cung cấp ảnh radar phục vụ cho hoạt động kinh tế thương mại. Đây là điều kiện tốt để chúng ta bắt tay ngay từ bây giờ tiếp cận những cơ hội tốt để ứng dụng công nghệ viễn thám nhiều hơn.
Việt Nam cần sự hỗ trợ của quốc để để đẩy mạnh ứng dụng CNVT trong hoạt động phát triển sản xuất nông nghiệp một cách đồng bộ. Việc ứng dụng các hình ảnh từ vệ tinh radar (SAR) cũng nhưng hình ảnh viễn thám quang học (RS) có thể hỗ trợ công tác kiểm kê tài nguyên rừng, quản lý đa dạng sinh học, quy hoạch và sử dụng đất nông nghiệp, dự đoán sản lượng và năng suất lúa, kiểm soát hoạt đông của tàu cá trên biển, cảnh báo và giảm nhẹ thiên tai,….
Theo TS. Andy Nelson, thuộc Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI), CNVT giúp quản lý sản xuất lúa theo quy trình, cung cấp các thông tin về thời gian gieo cấy, quá trình sinh trưởng của lúa, quản lý sâu bệnh, biết được thời vụ thu hoạch, từ đó đưa ra những quyết sách về xuất khẩu gạo hợp lý hơn.
“Chủ quyền lương thực là quyền của người dân và chủ quyền nhà nước về đưa ra các quyết sách nông nghiệp và lương thực của mình một cách dân chủ. Chủ quyền lương thực đòi hỏi phải tiếp cận được thông tin tốt nhất về sản xuất nông nghiệp”, TS Andy Nelson nói.
Trao đổi với PV Dân trí bên lề hội thảo, ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ NN&PTNT cho rằng: Khó khăn lớn nhất trong việc ứng dụng CNVT trong nông nghiệp ở Việt Nam là vốn đầu tư đòi hỏi quá cao trong khi những lợi ích trước mắt trong việc áp dụng công nghệ này còn chưa rõ ràng. Hơn nữa, năng lực của đội ngũ cán bộ của nước ta về công nghệ này còn hạn chế nên chưa tối ưu hóa được những dữ liệu chúng ta thu thập được.
Thảo Nguyên