Năm 2017, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ quá tải nghiêm trọng
(Dân trí) - Năng lực của sân bay Tân Sơn Nhất - TPHCM hiện đã vượt công suất thiết kế, từ năm 2017 Tân Sơn Nhất sẽ quá tải nghiêm trọng ở cả trên trời và dưới đất. Trong khi đó, việc hạn chế vùng trời để đảm bảo hoạt động quân sự là đặc biệt tối ưu.<br><a href='http://dantri.com.vn/xa-hoi/san-bay-long-thanh-co-xung-dang-de-uu-tien-dau-tu-954244.htm'><b> >> Sân bay Long Thành: Có xứng đáng để ưu tiên đầu tư?</b></a><br><a href='http://dantri.com.vn/xa-hoi/du-an-xay-dung-san-bay-long-thanh-cau-hoi-dau-tien-953532.htm'><b> >> Dự án xây dựng sân bay Long Thành: Câu hỏi “đầu tiên”</b></a>
Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM) đang được sử dụng cho cả dân dụng và quân sự. Tại nhiều thời điểm, hoạt động khai thác tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã rơi vào tình trạng quá tải, nhà ga hành khách hiện hữu đã khai thác đạt công suất thiết kế 20 triệu lượt hành khách/năm. Dự kiến, năm 2014, lượng hành khách qua Cảng Tân Sơn Nhất đạt 22 triệu người. Với vai trò là cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TPHCM hiện chiếm 46% tổng lượng hành khách toàn quốc.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành giao thông vận tải (GTVT) tập trung vào giải pháp tháo gỡ nút thắt quá tải của Tân Sơn Nhất bằng việc xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai), nhiều ý kiến phản biện cho rằng việc khai thác tại Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất chưa hợp lí và cảng này còn khả năng mở rộng để đáp ứng thông qua 40-50 triệu hành khách/năm trong giai đoạn tới. Bởi thế, về việc xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành vẫn còn những sự băn khoăn.
Làm rõ tình hình này, ông Nguyễn Nguyên Hùng - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) - khẳng định: Với tốc độ tăng trưởng của Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - TPHCM hiện nay là hơn 10%, năng lực thông qua vượt công suất thiết kế (20 triệu hành khách/năm). Với sức tăng trưởng như hiện nay thì hiện tại cảng đang quá tải về cất-hạ cánh. Từ sau năm 2017, dự báo lượng hành khách qua cảng sẽ đạt 25 triệu/năm, khi đó Tân Sơn Nhất sẽ quá tải nghiêm trọng ở cả trên trời và dưới đất.
Thực tế, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có 2 đường cất-hạ cánh được sử dụng từ sân bay quân sự của nhiều thập kỷ trước, tuy nhiên 2 đường cất-hạ cánh này lại rất gần nhau nên năng lực khai thác chỉ tương đương như 1 đường cất-hạ cánh. Mỗi năm, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đáp ứng được 180.000 chuyến bay cất-hạ cánh là tối đa, riêng năm 2014 này chỉ đáp ứng được 160.000 chuyến bay cất-hạ cánh.
“Việc mở rộng sân bay phải làm đồng bộ từ trên không xuống mặt đất, chứ không phải chỉ đơn giản là xây dựng thêm các nhà ga” - ông Hùng cho hay.
Trong khi đó, ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vẫn đang được mở rộng, đích thân Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng GTVT đã ngồi lại với nhau để thống nhất bàn giao đất nhằm mở rộng hạ tầng sân bay, nhưng dù mở rộng thì công suất thiết kế chỉ nâng được lên 25 triệu hành khách ở trên mặt đất.
“Tân Sơn Nhất đang tắc nghẽn về đường cất-hạ cánh và vùng trời sân bay nên cao điểm cũng chỉ đáp ứng được 29 chuyến bay/giờ. Vùng trời sân bay quân sự Biên Hòa đã được Bộ Quốc phòng tạo điều kiện sử dụng linh hoạt và cho bay dân dụng khi không có hoạt động bay huấn luyện, những lúc có hoạt động bay quân sự thì máy bay thương mại phải bay cao hơn để tránh dẫn đến tình trạng nghẽn cổ chai trên không ở đường ra đường vào sân bay.
Theo Cục trưởng Lại Xuân Thanh, trong khoảng thời gian 2017-2023, nếu ACV không thể tăng công suất khai thác thì dịch vụ ở sân bay sẽ kém đi, các máy bay phải bay vòng chờ nhiều hơn mới có thể hạ cánh. Tân Sơn Nhất được xây theo hình tam giác, nếu mở rộng sẽ phải dời đến nửa triệu dân và tiêu tốn 9,1 tỷ USD. Khi đó, đường tiếp cận trên không phải tính lại, phễu bay phải lùi lại, điều này đồng nghĩa với việc quy hoạch đô thị TPHCM cũng sẽ phải lùi đi để đạt tĩnh không...
Nhiệm vụ quân sự là đặc biệt tối ưu
Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn - Phó tư lệnh Quân chủng phòng không không quân, Bộ Quốc phòng - cho hay, hiện đã xảy ra ách tắc giao thông trên không và sẽ càng nghẽn vì lưu lượng máy bay ngày càng nhiều.
“Nếu phía quân đội cấp thêm đất để phục vụ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thì phải điều chỉnh khu vực bay để phục vụ hoạt động bay, nhưng cũng chỉ đến mức nào đó và giải quyết tạm thời chứ không thể để phục vụ về lâu dài. Bộ GTVT đã yêu cầu phía quân đội nghiên cứu và bàn bạc nhiều giải pháp nhưng là giải pháp tình thế ở mặt đất và chỉ 2-3 năm nữa là hết khả năng” - Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh.
Theo Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, về mặt chiến lược, sân bay Biên Hòa có nhiệm vụ bảo vệ vùng trời phía đông là Hoàng Sa, Trường Sa, nhà giàn DK1... nên không thể di dời. Sự chồng lấn trên vùng trời tiếp cận của căn cứ quân sự Biên Hòa và Tân Sơn Nhất về lâu dài sẽ là nguy cơ nguy hiểm về xung đột trên không. Vì thế, việc chuyển hoạt động bay dân dụng khu vực Long Thành là việc phải làm.
Rõ ràng, dù Tân Sơn Nhất đang quá tải, nhưng sự hạn chế về khai thác vùng trời để đảm bảo hoạt động quân sự tại đây vẫn phải được coi là nhiệm vụ đặc biệt tối ưu. Thực tế, khu vực cấm bay của TPHCM nằm ngay phía Nam của Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nên đã hạn chế không gian sử dụng cho máy bay cất-hạ cánh, đặc biệt là khi có hoạt động bay quân sự tại khu vực Tân Sơn Nhất và Biên Hòa.
Châu Như Quỳnh