1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Mỹ sẽ hành động mạnh mẽ hơn tại Biển Đông như thế nào?

(Dân trí) - Tiến sỹ Đỗ Minh Cao cho rằng, việc Mỹ đưa tàu chiến và máy bay trinh sát đến Biển Đông đã là một sự cứng rắn và có thể nước này sẽ có hành động cứng rắn hơn.

LTS: Việc cơi nới đảo phi pháp của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và máy bay trinh sát của Mỹ nhiều lần bị Hải quân Trung Quốc xua đuổi khi bay trên khu vực đảo đá Trung Quốc chiếm đóng trái phép đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong nước cũng như quốc tế. Để giúp bạn đọc hiểu hơn về ý đồ của các bên sau những hành động gây căng thẳng đó, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Đỗ Minh Cao - Viện Nghiên cứu Trung Quốc (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) về vấn đề này.


TS Đỗ Minh Cao

TS Đỗ Minh Cao

PV: Việc dự đoán những hành động tiếp theo của Trung Quốc trong tương lai gần là một việc được nhiều người quan tâm. Có nhiều người cho rằng sau việc cơi nới các đảo, khả năng Trung Quốc sẽ thiết vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) là rất cao…

TS Đỗ Minh Cao: Theo tôi, khả năng này xa hơn một thời gian nữa và cũng không nói trước được là có chắc chắn hay không vì nó còn phụ thuộc vào ràng buộc giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc, Trung Quốc với các nước khác như Úc, Nhật, Ấn Độ, khối ASEAN… vì con đường hàng hải qua Biển Đông lớn hơn so với vùng biển Hoa Đông rất nhiều. Nếu thiết lập vùng nhận dạng phòng không tại Biển Đông thì Trung Quốc sẽ phải cân nhắc đến nhiều yếu tố. Vì thế tôi cho rằng trong tương lai gần, chưa chắc Trung Quốc đã dám thiết lập vùng này.

Vậy theo ông, trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ có những hành động như thế nào trên Biển Đông?

Trong tương lai gần, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hơn việc cơi nới đảo và họ sẽ cố gắng hoàn thành mục tiêu của họ: xây được nhà, cảng, đường băng và thành lập đơn vị hành chính ở đây như đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Những việc này mang ý nghĩa chính trị lớn. Cùng với đó, việc họ đưa người dân ra đảo ở, phát triển du lịch cũng sẽ gây phiền toái rất nhiều. Khi đó, Việt Nam và các nước ASEAN sẽ phải đau đầu để tìm phương án tiếp cận và giải quyết vấn đề đó. Đó là sức ép lớn đối với các nước.

Còn mục tiêu lâu dài của họ chính là con đường tơ lụa trên biển và hiện thực hóa “đường lưỡi bò”.

Với Mỹ, Mỹ đang chứng minh cho thế giới thấy Mỹ không nói suông chỉ để dọa Trung Quốc khi quyết liệt mang tàu cùng may bay đến. Theo ông, những việc làm quyết liệt này có mối liên hệ nào đối với cuộc bầu cử của Mỹ sắp tới cũng như giúp nước này nâng cao uy tín với các đồng minh tại châu Á như Nhật Bản và Philippines?

Trong tương lai gần, trong cuộc đua đến Nhà Trắng, người ta dự đoán bà Hillary Cliton sẽ là một ứng cử viên nặng ký cho chức Tổng thống của Đảng Dân Chủ (hiện ông Obama đang ủng hộ bà Clinton). Mà bà Clinton chính là người đặt ra học thuyết Thái Bình Dương sau này gọi là chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Những điều này sẽ liên quan trực tiếp đến cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ. Đó là sự hiện thực hóa chiến lược của Mỹ do bà Clinton chủ xướng (được sự ủng hộ của ông Obama).

Trong thời gian tới, Mỹ tăng cường hoạt động tại khu vực Biển Đông là để họ chứng tỏ cho các đồng minh thấy ở châu Á – Thái Bình Dương (như Nhật Bản, Philippines) và các đối tác mới (như Việt Nam) thấy rằng Mỹ có lợi ích thực sự tại đây và thực sự quan tâm đến khu vực này.

Việc xây dựng dự án TPP càng củng cố thêm quan điểm bảo vệ lợi ích của họ tại Châu Á - Thái Bình Dương. Các đồng minh của Mỹ sẽ yên tâm hơn trong việc ủng hộ những chiến lược toàn cầu của Mỹ cũng như những người sẽ lên cầm quyền ở Mỹ. Ngoài chuyện này, việc phải rút quân ở Trung Đông sẽ khiến Mỹ phải có những điểm tựa chiến lược mới nào đó. Vì vậy Châu Á – Thái Bình Dương sẽ trở thành điểm tựa chiến lược của Mỹ thay vì Trung Đông như trong thời gian trước. Với Mỹ, quan trọng là kiềm chế được Trung Quốc.

Ba hướng triển khai của Hải quân Mỹ đối phó Trung Quốc trên Biển Đông

Đồ họa mô phỏng khả năng các hướng triển khai của Hải quân Mỹ (màu xanh lam) và mũi tấn công của quân Trung Quốc (màu nâu). (Ảnh: Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại Mỹ - FPRI

Ý ông là trong thời gian tới, Mỹ sẽ có những hành động mạnh mẽ hơn việc cử tàu chiến và máy bay tuần tra tới những đảo của Việt Nam vốn đang bị Trung Quốc chiếm đóng và cơi nới trái phép…

Theo tôi, những hành động của họ hiện nay đã mạnh mẽ lắm rồi. Đó là một sự cứng rắn. Còn một hành động cứng rắn hơn là việc Quốc hội Mỹ ra một nghị quyết giống như Nghị quyết về giàn khoan Hải Dương – 981 buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan này khỏi khu vực thềm lục địa của Việt Nam.

Ngày đó, người Trung Quốc nói là giàn khoan của họ đã hoàn thành nhiệm vụ. Dư luận trong nước cũng cho rằng Trung Quốc rút giàn khoan là vì một số lý do khác. Nhưng tôi cho rằng nguyên nhân lớn nhất chính là việc Mỹ ra Nghị quyết phản đối Trung Quốc. Sau nghị quyết đó một thời gian rất ngắn, Trung Quốc đã rút giàn khoan.

Trung Quốc là một thành viên của Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Vậy, ngoài việc Quốc hội Mỹ ra Nghị quyết phản đối, liệu rằng Mỹ cùng các đồng minh ở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ có biện pháp nào đó không, thưa ông?

Về điều này các bên đều sử dụng quyền của mình ở Liên hợp quốc. Và việc lợi dụng, sử dụng Liên hợp quốc, Mỹ mạnh hơn Trung Quốc bởi vì họ chi nhiều hơn Trung Quốc. Người chi nhiều hơn là những ông chủ. Qua những kinh nghiệm quốc tế đều thấy Mỹ trội hơn trong việc lợi dụng các tổ chức quốc tế để thực hiện những ý đồ của họ. Ý đồ của họ đôi khi ở một mức cao mà các nước khác cũng không nắm được hết được ý đồ đó. Chỉ khi các hành động của họ được thực hiện thì các nước khác mới có thể nhận ra ý đồ của họ trước đó. Trong thời gian tới, chắc chắn Mỹ sẽ sử dụng nó như một công cụ, biện pháp để kiềm chế Trung Quốc.

Mỹ và Trung Quốc đều đã và đang có hành động tại Biển Đông như vậy, theo ông, Việt Nam cần có những hành động như thế nào với tư cách là một nước có liên quan trực tiếp đến các vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông?

Về việc này, nhiều người đã nói từ các năm trước trong đó có các biện pháp như tăng cường tuyên truyền không chỉ cho người dân trong nước hiểu hơn về chủ quyền của mình mà còn phải chú ý đến dư luận quốc tế; tranh thủ sự ủng hộ của dư luận thế giới để phản đối Trung Quốc… Dưới góc độ một nhà nghiên cứu, rất khó để chúng tôi đưa ra những ý kiến mang tính gợi mở. Tôi tin rằng các vị lãnh đạo đất nước đã có những phương án đối phó.

Trong lợi ích của Việt Nam tại Biển Đông, việc Mỹ mang máy bay tuần tra và tàu chiến đến khu vực các đảo ở Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) đang bị Trung Quốc cơi nới trái phép cần được nhận định như thế nào, thưa TS?

Không phải Mỹ đang giúp Việt Nam như nhiều người nhầm tưởng mà họ đang thực hiện chiến lược toàn cầu của họ. Nếu nói về giúp thì họ còn có các đồng minh đáng để họ giúp hơn Việt Nam. Nếu nói Mỹ mang tàu và máy bay đến để giúp Việt Nam là một sự ngộ nhận.

Nhưng đó là một thuận lợi cho Việt Nam trong việc đấu tranh pháp lý trong việc đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông. Chúng ta cần coi đó là một lợi thế mà quốc tế mang đến cho chúng ta.

Ngoài ra, tôi cho rằng để giữ được Biển Đông và hai quần đảo, chúng tôi phải có sức mạnh dân tộc. Hơn lúc nào hết, người Việt Nam trong nước và những người ở Việt Nam ở nước ngoài phải đoàn kết lại trước những thách thức từ Biển Đông. Sự đoàn kết đó chính là sức mạnh dân tộc. Và đó chính là một cơ hội để những người Việt Nam xích lại gần nhau hơn, đoàn kết hơn và việc hòa hợp dân tộc sẽ được xúc tiến mạnh mẽ hơn.

Xin trân trọng cảm ơn Tiến sỹ!

Hồng Chính Quang (thực hiện)