1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Trung Quốc đang xây dựng “con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”

(Dân trí) - “Đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đang định hiện thực hóa bằng cách cơi nới các đảo là vô căn cứ, không theo chuẩn mực quốc tế nào. Theo Tiến sỹ Đỗ Minh Cao, Trung Quốc vẫn bất chấp để xây dựng một "con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21".

LTS: Việc cơi nới đảo phi pháp của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và máy bay trinh sát của Mỹ nhiều lần bị Hải quân Trung Quốc xua đuổi khi bay trên khu vực đảo đá Trung Quốc chiếm đóng trái phép đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong nước cũng như quốc tế. Để giúp bạn đọc hiểu hơn về ý đồ của các bên sau những hành động gây căng thẳng đó, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Đỗ Minh Cao – Viện Nghiên cứu Trung Quốc (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) về vấn đề này.


TS Đỗ Minh Quang

TS Đỗ Minh Cao

PV: Dưới góc độ một nhà nghiên cứu về Trung Quốc, Tiến sỹ có đánh giá như thế nào về mức độ nguy hiểm của những hành động cơi nới trái phép đối với một đảo thuộc Việt Nam từ Trung Quốc?

TS Đỗ Minh Cao: Tại Biển Đông, cứ đến dịp thuận lợi, Trung Quốc lại tăng cường những hoạt động của họ trong chiến lược lâu dài – chiến lược cố gắng kiểm soát thực tế khu vực Biển Đông, khu vực được gọi là “lợi ích sống còn” của họ.

Những hành động cơi nới đảo phi pháp của Trung Quốc nằm trong chiến lược lâu dài vươn lên làm cường quốc số 1 thế giới của họ. Và Trung Quốc kiên trì thực hiện nó. Trung Quốc đang thực hiện từng bước và hiện nay họ đang thực hiện cái gọi là “sức mạnh Trung Hoa” với mục tiêu xây dựng một cường quốc biển vốn được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rất để ý, tập trung.

Vừa qua, Trung Quốc đưa ra một dự án “siêu thế kỷ” có tên là “Một vành đai, một con đường” bao gồm cả con đường tơ lụa mới trên đất liền và con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21.

Trước đây Trung Quốc thực hiện cái gọi là chiến lược “chuỗi ngọc trai”. Đó là chiến lược trong đó có các đảo nối từ Đài Loan qua Biển Đông, qua Campuchia, Myanmar tới Pakistan, sát Châu Phi. Biển Đông là cửa ngõ duy nhất để Trung Quốc vươn ra Ấn Độ Dương và xa hơn nữa là Đại Tây Dương.

Vào các tháng 4 và tháng 5 hàng năm, khi thời tiết trên biển thuận lợi, Trung Quốc lại tăng cường cơi nới đảo. Những đảo họ cơi nới ở Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hành động này rất nguy hiểm, thậm chí nguy hiểm hơn cả vụ Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương – 981 tại Biển Đông năm ngoái.

Sự nguy hiểm đó có thể được hiểu đơn giản như sau: Giàn khoan chỉ như một biên giới di động còn đảo là một biên giới “cứng”. Khi Trung Quốc thực hiện được ý đồ của mình, họ đã thẳng thừng nói ra mục đích quân sự (có đường băng có thể đỗ được các máy bay chiến đấu).

Và tôi cho rằng việc cơi nới phi pháp của Trung Quốc đối với những đảo đó không chỉ có mục đích quân sự mà họ còn muốn biến nó trở thành những căn cứ quân sự. Ngoài ra, họ còn có thể có mục đích hậu cần nhằm phục vụ ý đồ dân sự cho các tàu cá đánh bắt ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam và xa hơn nữa là xuống phía Nam giáp tận Malaysia và Indonesia. Đội tàu cá này núp dưới cái vỏ dân sự nhưng thực chất là quân sự. Toàn là tàu cá bọc thép, trên tàu không chỉ trang bị lưới mà cả súng. Họ sẵn sàng có những hành động gây hấn rất nguy hiểm. Họ có thể có những “đội quân” có đến 3.000 tàu dân sự bọc thép, gây sức ép rất lớn đối với các nước có liên quan.

Hoạt động tạo đảo của Trung Quốc trên Gạc Ma, thuộc Trường Sa.

Một "nhà máy tạo đảo" của Trung Quốc ở Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Ảnh: BBC)

Xin ông có thể chia sẻ thêm đôi điều về “con đường tơ lụa thế kỷ 21” của Trung Quốc?

Việc xây dựng cái gọi là "con đường tơ lụa" trên biển nằm trong một kế hoạch rất nguy hiểm đối với Việt Nam. Nó là hiện thân của con đường do Trịnh Hòa (người Trung Quốc) đã đi từ thế kỷ XV. Mà Trịnh Hòa được Trung Quốc nói là người đã khám phá ra những vùng đất mới trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc thực hiện như vậy thể hiện tham vọng chính trị rất lớn. Nếu các nước vì lợi ích trước mắt mà tham gia vào con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 thì rất nguy hiểm. Bởi vì như vậy sẽ vô hình chung công nhận con đường do Trịnh Hòa khai phá, vướng vào hàm ý sâu xa của Trung Quốc muốn nói rằng Hoàng Sa và Trường Sa do họ phát hiện.

Nếu không tính toán, chủ động nhìn xa, trông rộng, các nước sẽ mắc phải mưu của họ. Trong thời điểm hiện tại, trước tham vọng chính trị trong việc xây dựng đảo của Trung Quốc, Việt Nam cần cực kỳ thận trọng và xem xét kỹ, ngẫm lại những bài học lịch sử….

Vừa qua, ở châu Âu đã diễn ra một số Hội thảo về Biển Đông. Các nhà khoa học cũng phản đối Trung Quốc và nói rõ ràng: “Đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đang định hiện thực hóa bằng cách cơi nới các đảo là vô căn cứ, không theo chuẩn mực quốc tế nào.

Còn về hành động đem tàu và máy bay trinh sát đến Biển Đông của Mỹ, TS có đánh giá như thế nào về ý đồ của Mỹ từ những hành động này?

Đối với Mỹ, từ trước đến nay, từ sau vụ giàn khoan, họ kiên quyết phản đối Trung Quốc. Trong việc cơi nới đảo, Mỹ đã rất cương quyết khi đem tàu và máy bay đến. Và những nhà nghiên cứu và người dân cũng chưa hiểu hết ý đồ từ những hành động này của Mỹ.

Việc Trung Quốc thực hiện cái gọi là "con đường tơ lụa" trên biển với "một con đường. một vành đai" với mục đích là chống lại Dự án Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ khởi xướng. Vì thế, tôi cho rằng hành động kiên quyết của Mỹ cũng là để đáp trả lại những hành động từ phía Trung Quốc. Mỹ sẽ kiên quyết chuyển trọng tâm chiến lược sang Châu Á - Thái Bình Dương và thực hiện TPP.

Liệu việc Trung Quốc tiếp tục cơi nới đảo và Mỹ tiếp tục tuần tra tại Biển Đông có dẫn đến một sự va chạm hay xung đột nào về quân sự không, thưa TS?

Theo cá nhân tôi, tôi cũng đã nói trong một vài nghiên cứu của mình rằng Trung Quốc sẽ thực hiện kịch bản là “Xung đột cường độ thấp tại Biển Đông”. Tức là Trung Quốc sẽ cố gắng bằng cách nào đó thực hiện cái gọi là chính sách không đánh mà thắng. Các xung đột ở cường độ thấp như xây đảo hay đem giàn khoan vào biển thuộc chủ quyền của Việt Nam chưa đến mức trở thành những xung đột vũ trang nhưng sẽ gây bức xúc và căng thẳng cho an ninh trong khu vực, đặc biệt là đối với Việt Nam, Philippines và một số nước có liên quan trực tiếp tại Biển Đong.

Và những việc đó không căng thẳng đến mức khiến Mỹ hoặc các nước có lợi ích liên quan đến khu vực này buộc phải có hành động quân sự đáp trả. Với Trung Quốc, hiện họ đã có thị trường vững vàng ở Việt Nam, nhiều sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp của họ đã tràn sang Việt Nam, thắng thầu ở nhiều dự án lớn tại Việt Nam. Về mục tiêu, các nước bao giờ cũng cạnh tranh nhau để chiếm được thị trường. Nếu họ gây ra một cuộc chiến thì họ sẽ bị thiệt.

Giả sử Trung Quốc có hành động lớn như thế nào nữa thì cuối cùng họ cũng hiểu rằng trong lịch sử chiến tranh Việt Nam – Trung Quốc, chưa bao giờ họ thắng cho dù họ tạm thời thắng trong một giai đoạn nào đó nhưng cuối cùng người chiến thắng không phải là họ.

Còn trong thời đại thông tin mở hiện nay, các nước có mối quan hệ rộng rãi với nhau thì Trung Quốc càng hiểu rằng gây ra các cuộc xung đột lớn chỉ có hại cho họ. Miệng họ nói là xây dựng một thế giới hài hòa, xây dựng một châu Á hài hòa, quan hệ các nước hài hòa, xây dựng tình hữu nghị nhưng họ gây ra những xung đột thì uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế sẽ giảm rất nhiều.

Từ những lý do này tôi cho rằng việc xảy ra một cuộc xung đột Trung – Mỹ là không có lợi cho Trung Quốc và Mỹ. Và những vụ va chạm giữa Trung Quốc với các nước khác có liên quan cũng khó xảy ra vì điều đó không có lợi cho cả hai. Với các nước ASEAN, hành động gây xung đột từ Trung Quốc sẽ khiến ASEAN đoàn kết lại – trái ngược với mong muốn và ý đồ chia rẽ khối này của họ. Khi đó, chính sách ngoại giao của Trung Quốc cũng sẽ bị phá sản.

(Còn nữa)

Hồng Chính Quang (thực hiện)