1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Mỹ phẩm giá “bèo”: Không chỉ có chất sudan gây ung thư

Ngoài son, chất sudan gây ung thư có thể tồn tại trong nhiều loại mỹ phẩm khác như phấn má hồng, màu mắt, phấn nền... Những sản phẩm này vẫn được bán trôi nổi trên thị trường với giá rất "bèo".

Sudan tồn tại trong nhiều loại mỹ phẩm?

 

Theo các tài liệu khoa học, sudan là chất nhuộm màu công nghiệp dùng để nhuộm đỏ plastic và các chất tổng hợp khác. Chất này có 4 loại: sudan I màu đỏ, sudan II đỏ cam, sudan III đỏ sẫm, sudan IV đỏ đậm có khả năng gây ung thư (do làm tổn thương ADN của tế bào).

 

Theo tiến sĩ Phạm Thành Quân, Phó khoa Hóa Bộ môn Hóa phẩm Trường Đại học Bách khoa TPHCM, sudan là phẩm màu không tan trong nước, chỉ tan trong dầu nên khi dùng những sản phẩm này, sudan sẽ đi vào người thông qua đường ăn uống và tích tụ lại trong gan, máu... có khả năng gây ung thư.

 

Mặc dù độc hại nhưng sudan là chất dễ tạo màu, tạo ra nhiều nhũ tương khá đẹp mắt nên dễ được các hãng mỹ phẩm chạy theo lợi nhuận sử dụng. Ngoài son, sudan có thể tồn tại trong phấn má hồng, màu mắt, phấn nền... Vì được trộn lẫn với những phụ gia khác nên sẽ rất khó xác định sự hiện diện của sudan trong từng loại mỹ phẩm, đặc biệt là tại thị trường mỹ phẩm “hỗn độn” hiện nay.

 

Theo các nhà khoa học, mỹ phẩm có chứa sudan hay không không thể nhận biết bằng cảm quan mà phải dựa vào kết quả xét nghiệm. Tuy nhiên, mỹ phẩm càng rẻ tiền, màu sắc càng bắt mắt thì nguy cơ chứa các chất độc hại càng cao. Cho nên, người tiêu dùng nên cảnh giác, tránh sử dụng son hoặc mỹ phẩm rẻ tiền có sắc đỏ rực rỡ.

 

Và nhiều chất độc hại khác...

 

Trên thị trường mỹ phẩm hiện nay, sản phẩm trôi nổi có muôn hình vạn trạng. Theo các chuyên gia về hóa chất, mỹ phẩm càng lâu trôi càng dễ bị trộn lẫn nhiều hóa chất độc hại. Chẳng hạn: hắc ín, parabens (chất bảo quản) và sáp parasi được phát hiện có trong mascara (chải mi mắt) và chì vẽ chân mày.

 

Trong đó, hắc ín (cancer-causinh coal tar) có khả năng gây ung thư; chất parabens được dùng để chống mốc nhưng chất này chỉ làm ức chế các vi khuẩn có trong mỹ phẩm nên dễ dàng “chuyển” vi khuẩn sang con người và có thể là nguyên nhân của sự mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể, làm thay đổi tính nết...

 

Không chỉ những thành phần ngoài danh mục cho phép mà một số chất được phép sử dụng trong mỹ phẩm cũng rất độc hại. Đó là những chất PEG (dùng trong kem dưỡng da, chống khô da), PG (thuốc nhuộm, khử mùi), TEA, DEA (sữa tắm, kem chống nắng, dầu gội...) có khả năng gây ảnh hưởng bất lợi đến hệ miễn dịch, ảnh hưởng xấu cho gan, não, thận, hệ thần kinh trung ương.

 

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức, Trường Đại học Y Dược TPHCM, cảnh báo: Thị trường mỹ phẩm hiện rất phức tạp với đủ các mặt hàng chính quy, nhập lậu, hàng xách tay, hàng trôi nổi... các cơ quan chức năng chưa quản lý được. Cho nên, người tiêu dùng phải có ý thức tự bảo vệ mình, nên sử dụng mỹ phẩm có nguồn gốc rõ ràng, bán ở những nơi uy tín. Đối với kem, nên bôi vào mặt trong cánh tay khoảng 48 giờ, trước khi bôi lên mặt để thử độ dị ứng. Quan trọng nhất là không lạm dụng mỹ phẩm. Nếu thấy có dấu hiệu bất thường, không nên tiếp tục sử dụng hoặc tự ý sử dụng “kem, thuốc” điều trị mà phải khám ở bác sĩ da liễu.

 

Tràn ngập mỹ phẩm siêu rẻ

không rõ nguồn gốc

 

TPHCM, tại các điểm bán mỹ phẩm lề đường ở khu vực Tân Hưng (Bình Tân), gần chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh), lề đường Minh Phụng (quận 6) và xung quanh các khu chế xuất, khu công nghiệp, mỹ phẩm giá “bèo” được đổ bán như hàng loại thải.

 

Son, phấn mắt, phấn má hồng, mascara, chì màu, lăn nách, kem dưỡng da, nước hoa... bày la liệt bên cạnh đồ cột tóc, gương, lược. Giá bán những mặt hàng này cực rẻ, dưới 10.000 - 40.000 đồng/món. Đặc biệt, một số loại như son nước (màu rất tươi có phủ bạc), chì màu Trung Quốc giá chỉ 4.500 đồng - 9.000 đồng/cây. Son Shilulan bán tại những nơi này giá khá mềm, chỉ 8.000 - 15.000 đồng/cây...

 

Quan sát kỹ những mặt hàng này, hầu hết được đóng gói sơ sài, không có bao bì tiếng Việt mà in chữ Trung Quốc, Thái Lan hoặc xen kẽ chữ Anh.

 

Theo T. Nhân - M. Dung
Người Lao Động