Mưu sinh trên đỉnh Langbian
(Dân trí) - Langbian đầy gió, mây và thỉnh thoảng ào ạt cơn mưa lạnh. Ngọn núi mang huyền thoại tình yêu của chàng Lang và nàng Bian mỗi ngày đều in dấu chân những đứa trẻ oằn lưng cõng gánh hàng mưu sinh…
Langbian đầy gió…
Rơ-ông K’Thơm mới 9 tuổi đầu đã theo các chị lên Langbian (Đà Lạt, Lâm Đồng), gia nhập đội ngũ bán rong hàng lưu niệm cho khách du lịch. K’Thơm ít nói, chỉ bẽn lẽn đưa mắt nhìn khách rồi nói mấy câu tiếng Kinh bập bẹ: “Mua giùm con đi cô”. Sức vóc nhỏ nên cô bé chỉ mang một túi hàng thổ cẩm nhẹ. Chiếc khăn choàng mỏng không đủ để chắn gió, có lúc rét quá, K’Thơm lui vào một góc nhà hàng, ngồi run, mặt và môi tím tái. Gạn hỏi mãi, cô bé mới cho biết: “K’Thơm học lớp 3B, trường tiểu học Xã Lát. Có hôm bán không được hàng, đói bụng quên cả về đi học”.
Những đứa trẻ lớn lên đã quen với việc leo núi để kiếm cho được mỗi ngày vài chục ngàn đồng. Langbian có cả một tiểu đội nhí “xung kích” đem hàng dệt thổ cẩm từ các buôn làng lên phục vụ cho nhu cầu mua sắm của khách du lịch. Tiểu đội “ba cấp” này có khoảng gần 20 người, ít tuổi nhất là K’Thơm, còn “chị cả” là Cô- liêng Ngọc Yến đang học lớp 10C3, trường THPT Langbian. “Mỗi ngày mất gần 2 tiếng để leo từ làng lên đến đây. Mãi thành quen, không mỏi chân như mấy chị khách đâu”, Cil- Múp K’Dôen, học sinh lớp 9A3, trường Lạc Dương cho biết.
Vừa thấy đoàn khách đổ bộ từ trên xe xuống là cả nhóm quây lại, ra sức mời chào. Cô cậu nào cũng vờ bập bẹ mấy tiếng Kinh chưa sõi: “Mua ủng hộ con…”, nhưng ngay khi gặp cái lắc đầu của du khách liền than thở ngay: “Lại một ngày chưa bán được hàng”. Rồi cả nhóm túm tụm dạt vào một góc, chuyện trò bằng thứ ngôn ngữ bản địa, như muốn thách thức khách du lịch.
Mấy năm gần đây, khi Langbian trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch đến tham quan, đỉnh núi này đã hình thành một khu chợ bán hàng thổ cẩm ngoài trời của người dân tộc Lạch, Cil và K’ho. Bán rong ở chợ, ngoài tiểu đội nhí, còn có những bà mẹ U40 địu con sau lưng như Liêng- hót Tình, Liêng- hót K’Nơ, Cil- múp Than… Họ ra sức mời chào, mong kiếm đủ tiền nuôi 4-5 cái “tàu há mồm” ở nhà.
Tôi nhìn đứa trẻ chừng gần đầy tuổi ngủ ngặt đầu sau lưng Liêng- hót Tình mà thấy như từng cơn gió lạnh trên đỉnh núi đang thổi thấu vào da thịt.
Khuất nẻo những ước mơ
Đứng trên đỉnh núi cao ngang mây ngàn gió núi này, gần như nhìn thấy cả thành phố hoa mờ ảo phía xa xa. Những trại hoa kéo dài từ Trại Mát ra tận những vùng ven nội thành Đà Lạt, ngày và đêm, đều giăng giăng đèn điện. Cũng đứng ở chính nơi đây, nhìn những đứa trẻ đang nặng mang túi hàng thổ cẩm, thấy những ước mơ khuất nẻo đường về.
“Em học chỉ để biết đếm tiền thôi. Nhà nghèo nên phải biết bán hàng sớm”, cô bé Liêng- hót Thin nói. Mỗi ngày, em bán được bao nhiêu tiền từ gánh hàng đeo vai của mình đều đưa về cho mẹ chạy gạo ăn từng bữa.
M’Then kể, có những ngày không có hàng để lên núi, cô và mấy người bạn cùng buôn tranh thủ đi rừng tìm lá chuối. Một nắm cơm cất trong khăn, một cái gùi, dao và rạ, mấy đứa trẻ “hành quân” vào sâu trong những khu rừng ẩm ướt, đầy sên vắt để kiếm cho kỳ được vài chục cân lá chuối tươi.
“Phải chọn những cây lá lành, không quá non hoặc quá già, chặt xong đem hơ lửa, rọc xếp thành bó. Chiều tối, gùi lá đi bán được nghìn rưỡi một ký”, M’Then kể. Then còn nói em chỉ học hết lớp 9 là thích… lấy chồng, “để dành” cho 4 đứa em còn có chữ.
“Bọn em muốn ngày thì bán hàng trên núi, tối đến thì xuống làng để múa hát cho khách du lịch xem thôi”, Cô- liêng Ngọc Yến nói, không quên kèm theo điệu cười hồn nhiên của tuổi 16. Nghe Yến nói, tôi thấy ước mơ “hạ sơn” của cô như một đường parabol, dù có biến thiên thế nào thì cũng chỉ dao động quanh “cái trục” Langbian.
Langbian ngày càng tấp nập những đoàn xe đưa đón du khách thập phương. Không ít cư dân bản địa cũng tham gia “làm du lịch” bằng cách đưa thổ cẩm lên núi bán, trong đó có nhiều lắm những đứa trẻ đang san sẻ giờ lên lớp để “đi làm kinh tế”. Bao ước mơ gắn với cái chữ dường như cũng đang “hoá đá”, như thiên tình sử vốn làm nên cái tên Langbian thơ mộng, huyền thoại.
Sang Anh