1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Mưu sinh trên biển Mỹ Khê

(Dân trí) - Dấu chân trần in vết mòn trên cát, cuộc sống của họ “phó thác” cho biển xanh đầy nắng gió. Bên cạnh những du khách đến bãi biển thưởng lãm vẻ đẹp của đất trời, có những phận người mải mê tìm miếng ăn giữa tiếng ì ầm của muôn ngàn sóng biển…

Cái nắng đầu mùa như rực lửa, cả bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng) chỉ tiếp đón vài du khách là học sinh phổ thông ùa ra tắm biển. Hoà vào niềm vui con trẻ là nhiều bà, nhiều chị, và cả những người đàn ông nước da rám nắng, cất lời mời gọi mua khô mực, xoài xanh, chụp vài kiểu hình kỷ niệm…

Khẩu trang che kín nửa gương mặt, “phó nháy” Nguyễn Thị Hoa luôn phóng tầm mắt quan sát những đám khách mới đến bãi biển. Mỹ Khê nắng cháy da người, bộ đồ bảo hộ lấm tấm mồ hôi hằn li ti những hạt muối trắng bé tẹo sau lưng người thợ ảnh.

Chiếc máy ảnh Pentax đời cổ nặng khoảng hai kilôgam đã gắn bó với hai đời người. Chị là đời thứ hai sử dụng chiếc máy này sau khi nối nghiệp chụp ảnh của bố. Từ ông nội, đến đời bố chị Hoa đã gắn với nghề chụp ảnh dạo suốt khắp Đà Nẵng từ mấy chục năm nay. Từ khi không đủ sức đặt chân xuống bãi cát rát bỏng, người bố già đã bàn giao “cơ nghiệp” gắn bó cả cuộc đời cho con gái.
 
Mưu sinh trên biển Mỹ Khê - 1
Mưu sinh trên biển Mỹ Khê.
 
Vui chuyện, chị kể lại hành trình dọc bãi biển Mỹ Khê cho đám khách lạ chúng tôi nghe. Hằn lên trong mỗi câu nói, động tác biểu đạt là vị mặn của muối, của thứ mồ hôi theo lưng áo người đàn bà suốt hai mươi năm qua.
 
Từ kinh nghiệm - chị nói - những người bình dân mới là “đối tác” của cánh thợ ảnh. Khác với khách hàng sang trọng (luôn có máy ảnh kỹ thuật số mang theo người), du khách bình dân phương xa và những em học sinh nhỏ tuổi muốn “lên hình” đều phải thuê thợ chụp. Nguồn sống cả gia đình hàng ngày được tính bằng số lượng phim lắp vào máy, một phép tính đơn giản nhưng chính xác.
 
Chồng chị Hoa theo đám đàn ông khoẻ mạnh đi biển đánh bắt cá, giao phó con nhỏ cho chị quán xuyến, dăm bữa nửa tháng mới đáo về nhà mua xăng, xuất hàng.

Rong ruổi trên nền cát trắng nóng như rang trên bếp lửa, hai bàn chân của những người thợ ảnh sần sùi, cháy thịt. Mùa nắng cũng đỡ, cực nhất là đến mùa đông khách có nhu cầu ra biển chụp ảnh, họ phải tiến ra xa theo yêu cầu. Nước ngập ngang bụng lạnh buốt, quần áo lúc nào cũng “nửa khô nửa ướt” nhưng theo nghề thì chẳng cho phép ai chán nghiệp.

Chẳng liên quan gì đến “nghiệp” của chị Hoa, nhưng biển Mỹ Khê vẫn là nơi mưu sinh lý tưởng cho nhiều cuộc đời khốn khó. Xô ốc luộc, gánh cháo lòng, xe bánh bao, những quán cóc chứa hột vịt lộn, khô mực cũng “xuống biển” tìm thị trường. Hôm chúng tôi ra biển, cả một triền cát trắng bám dọc bờ vắng hoe. Nhìn thấy khách lạ từ xa, bà Hướng tất tả mang thúng hàng thập cẩm chạy đến. Mua ít khô mực rồi gọi bà gọt cho quả xoài xanh, nét mặt người đàn bà 74 tuổi như tươi hơn vì “các chú là người mở hàng” kể từ sáng sớm.

Đến cuối buổi chiều, khi dòng người tứ xứ ồ ạt ra “hạ hoả” bằng nước biển mát lạnh thì cũng là thời điểm những cô, những bác, những em bé dọn hàng ra theo. Đối thoại với nhiều người, bắt gặp cái nhìn né tránh, những gương mặt chịu đựng, khắc khổ.

Không “cạnh tranh” gay gắt, ít to tiếng với nhau vì đều người cùng làng, cùng phường nhưng “cái nhục” của những người lấy bãi biển làm nơi mưu sinh thì ngày nào cũng “nhận” được. Ảnh không “lột tả” được thần thái của “thượng đế” là bị càu nhàu, bị quát. Đến mời “thực khách” đĩa ốc biển cũng bị đuổi, nhận được những câu trả lời vô hồn “không ăn, không cần, nói nhiều thế...” của khách lạ. Liệt kê, còn có nhiều thứ...

Kiếm sống trên bãi biển Mỹ khê - có đàn ông, đàn bà, nhìn chung họ đều luống tuổi. Nghiệp “hàng rong” gắn gót chân trần trên bãi cát, mùa nắng cũng như buổi đông giá lạnh. “Buông máy là hết cái ăn” - thợ ảnh tên Hải trầm ngâm trả lời mà mắt vẫn dõi theo đoàn khách vừa đặt chân xuống chiếc xe khách sang trọng.

Trần Minh Tuấn