1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

“Muốn phát triển đường sắt phải hiểu khách hàng là thượng đế”

(Dân trí) - Tân Tổng Giám đốc Đường sắt Việt Nam hứa từ đây ĐSVN sẽ cởi mở hơn để hiểu rõ mình còn thiếu, yếu cái gì. “Tất cả cho khách hàng và khách hàng cho tất cả. Chúng tôi nhận thức được rằng, muốn phát triển đường sắt phải luôn hiểu khách hàng là thượng đế”.

Sau 15 ngày ngồi vào ghế “nóng” tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), tân Tổng Giám đốc Vũ Tá Tùng chia sẻ: “ĐSVN cũng là một doanh nghiệp, cũng bị cạnh tranh và chịu sự đào thải khắc nghiệt của thị trường. Chúng tôi biết mình đang đứng ở đâu và hoàn toàn không yên tâm một giờ một phút nào khi hoạt động vận tải ở mức rất thấp”.

Ông Vũ Tá Tùng (giữa) - tân Tổng Giám đốc ĐSVN.

Ông Vũ Tá Tùng (giữa) - tân Tổng Giám đốc ĐSVN.

Thực tế trước năm 1975, khi các phương tiện vận tải khác chưa có nhiều, thị phần của vận tải đường sắt đã chiếm tới 60%; đó được coi là thời hoàng kim của ngành đường sắt. Nhưng sau 40 năm, tại thời điểm này, thị phần của đường sắt chỉ dưới 10%.

Ông Tùng thừa nhận, đường sắt là một loại phương tiện vận tải rất được ưu ái, được xã hội đang rất kỳ vọng và có rất nhiều yếu tố để nhân dân lựa chọn tin tưởng. Vì vậy bản thân ông và ngành đường sắt có rất nhiều việc phải làm ngay trước mắt.

“Những việc làm được ngay thì không để đến ngày mai, đó là việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ĐSVN. Các loại hình vận tải khác làm được cái gì thì chúng tôi sẽ làm được cái đó và làm tốt hơn. Đơn cử như sự linh hoạt về giá vé, những vấn đề liên quan đến chất lượng phục vụ ở trên tàu dưới ga, tư thế tác phong làm việc, văn hóa giao tiếp ứng xử của nhân viên đối với hành khách… Những việc này phải thay đổi rõ rệt để xã hội cảm nhận được và để lấy lại lòng tin của xã hội. Chúng tôi sẽ làm được những điều đó và hiểu rằng đây là sự tồn tại của ĐSVN” - Tổng Giám đốc Vũ Tá Tùng nhấn mạnh.

Về phát triển doanh nghiệp đường sắt, ông Tùng cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để thực hiện chiến lược phát triển của Nhà nước và phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, vị Tổng Giám đốc này cũng cho rằng nếu chỉ một mình ĐSVN thì không thể làm được mà sẽ cần phải có sự chung sức, mà ở đây là việc thu hút nguồn lực xã hội, thu hút đầu tư để phát triển ngành trở thành một loại hình vận tải ưu việt, xứng đáng là huyết mạch của nền kinh tế.

Ông Tùng cho hay: “Trên thị trường hiện nay, với nguồn tiền của tư nhân cứ chỗ nào phát sinh lợi nhuận tiền sẽ “chảy” vào đó. Vì thế, khi mở cửa các dự án đường sắt và chào mời các nhà đầu tư, chúng tôi xác định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp là gì, của Nhà nước là gì, của các thành phần kinh tế khác là gì, và cần sự phối hợp để có một môi trường đầu tư hấp dẫn”.

Đề cập tới hoạt động vận tải hiện nay của ĐSVN, ông Tùng nhìn nhận: “Chúng tôi cũng là một doanh nghiệp, cũng đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu, nhưng song song với đó chúng tôi phải thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội, thực hiện nhiệm vụ vận tải tới các vùng sâu, vùng xa, vùng núi. Nhưng thú thực, hiện nay chúng tôi chỉ có 3 tuyến đang hoạt động hiệu quả, đó là: Sài Gòn - Nha Trang, Hà Nội - Vinh và Hà Nội - Lào Cai. Trong khi đó, 5 tuyến còn lại trên hệ thống đường sắt quốc gia chúng tôi đang phải bù lỗ, Nhà nước bù lỗ và điều này đã cho thấy chúng tôi phải chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt với các loại hình vận tải khác”.

Với mong muốn thay đổi tình hình trên, ông Tùng cho biết trong chiến lược kinh doanh của mình, ĐSVN dành toàn bộ nguồn lực để tăng trưởng thị phần và tăng trưởng thu nhập cho người lao động, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động.

ĐSVN đang có những đổi mới về tư duy và hi vọng sẽ có nhiều hành động thực sự đổi mới

ĐSVN đang có những đổi mới về tư duy và hi vọng sẽ có nhiều hành động thực sự đổi mới

Không né tránh về sự trì trệ, yếu kém của ngành trong thời gian qua và trong bối cảnh mới với quyết tâm phải thay đổi ngành, ông Tùng hứa rằng từ đây ĐSVN sẽ cởi mở hơn, vì có cởi mở thì mới có cơ hội để hiểu rõ mình hơn và biết mình còn thiếu, yếu cái gì.

“Trong chiến lược phát triển kinh doanh của mình, chúng tôi lấy khách hàng làm trung tâm. Mỗi phương án kinh doanh, giải pháp kinh doanh, chúng tôi đều yêu cầu từ lãnh đạo đến công nhân lao động phải luôn coi mình là khách hàng để biết khách hàng muốn gì và đáp ứng, thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho khách hàng và khách hàng cho tất cả”. Chúng tôi nhận thức được rằng, muốn phát triển đường sắt thì phải luôn hiểu khách hàng là thượng đế” - ông Tùng khẳng định.

Chỉ trong khoảng thời gian chưa tới 10 phút, nhưng tân Tổng Giám đốc Vũ Tá Tùng nói lên một bức tranh tổng thể của ngành đường sắt với những khoảng màu sáng-tối và cả những triển vọng của một loại hình vận tải vốn được coi là xương sống, là huyết mạch của nền kinh tế quốc gia. Mong rằng, từ những tư duy đổi mới, tân Tổng Giám đốc Vũ Tá Tùng cũng sẽ có những hành động đổi mới và “ghi điểm” bằng một hình ảnh ngành đường sắt đẹp trong mắt nhân dân.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm