Muốn "kỳ tích sông Hồng", Hà Nội phải có quy hoạch phân khu
(Dân trí) - Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu muốn "kỳ tích sông Hồng", Hà Nội phải triển khai sớm quy hoạch phân khu. Nếu chưa giải quyết được vấn đề này, bài toán phát triển Hà Nội hiện đại, xứng tầm còn khó khăn.
Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp HĐND Hà Nội sáng 3/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ mong muốn Hà Nội quan tâm hơn tới việc hoàn thiện quy hoạch phân khu sông Hồng, rộng hơn nữa là sông Đuống. Ông cho rằng với việc dành nhiều thời gian để nghiên cứu, nhất là những nỗ lực trong những năm gần đây, thành phố cần quan tâm 6 phân khu đô thị sông Hồng.
"Nếu chúng ta chưa giải quyết được vấn đề này thì bài toán phát triển Hà Nội hiện đại, xứng tầm khó lắm. Nếu muốn kỳ tích sông Hồng, Hà Nội phải triển khai sớm quy hoạch phân khu. Ví dụ triển khai cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên, mười mấy cây cầu qua sông Hồng thế nào, quy hoạch các phân khu ra sao, hay mười mấy nghìn hecta đất để cải tạo quỹ đất khu vực này", ông Huệ nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, quy hoạch của đô thị này phải được triển khai sớm vì thành phố phải phát triển dọc hai bên bờ sông. Đây là nội dung Quốc hội rất quan tâm với mong muốn thay đổi diện mạo thủ đô, tạo động lực đột phá phát triển thủ đô.
Cùng với đó, ông đề nghị Hà Nội đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính và công vụ, xử lý hoặc thay thế kịp thời cán bộ công chức đùn đẩy, né tránh, không hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhất là đối với người đứng đầu.
Trên cơ sở đó, Hà Nội cần tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do HĐND bầu phê chuẩn; bảo đảm việc lấy phiếu tín nhiệm thực chất.
"Chúng tôi mong muốn Thành ủy Hà Nội tiếp tục quan tâm khối đại biểu dân cử này, Quốc hội đang làm rất quyết liệt, lần đầu tiên gửi tất cả văn bản đi các địa phương trên cả nước. Chúng tôi rất mong cơ quan dân cử của thủ đô cũng như vậy", Chủ tịch Quốc hội nói.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội cho biết Hà Nội không thể chủ quan, thỏa mãn và cũng còn rất nhiều việc phải làm; phải có những bước đi, giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt, đột phá hơn.
Việc này nhằm tạo chuyển biến căn bản và kết quả cao hơn nữa, không chỉ so với bình quân chung quốc gia mà phải so sánh với các địa phương khác đang dẫn đầu cả nước và tư duy cạnh tranh quốc tế trong thời gian tới.
Theo đó, thành phố được định hướng đến năm 2030 trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao so với khu vực và thế giới.
"Mục tiêu rất cao, rất lớn, phải đặt thành phố trong khu vực và thế giới, như vậy mới có sự phát triển mạnh mẽ", Chủ tịch Quốc hội nói.
Để làm được điều đó, Hà Nội cũng cần tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc đã được chỉ rõ, tiếp tục hoàn thiện thể chế để kiến tạo phát triển thủ đô, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, kết cấu hạ tầng, kinh tế xã hội, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng của thành phố.
Chủ tịch Quốc hội đề cập đến một số dự án trọng điểm như: vành đai 4 - vùng thủ đô; xây dựng hệ thống đường giao thông và các tuyến đường sắt đô thị như Nhổn - ga Hà Nội; Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; đề án về cải tạo xây dựng lại nhà chung cư; chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030…
Theo Chủ tịch Quốc hội, Hà Nội mới có nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa, đề nghị tiếp tục, nhìn rộng ra là cả văn hóa, thể thao, du lịch. Vì vậy, thành phố cần tiếp tục quan tâm, dành nguồn lực đầu tư và các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển mạnh mẽ công nghiệp văn hóa.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng nhấn mạnh việc thành phố cần chú ý đến công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị.
Trong đó, Hà Nội kiên quyết cắt giảm vốn của các dự án không giải ngân được, hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp để bổ sung nguồn vốn chi trả nợ các dự án có khả năng giải ngân tốt… nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Bí thư Hà Nội đề nghị HĐND thành phố tăng cường giám sát, nhất là việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính gây phiền hà, làm cản trở các hoạt động bình thường của nhân dân và doanh nghiệp; khắc phục tình trạng trì trệ trong hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp.
Cùng với đó, khắc phục tình trạng trì trệ trong hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp; sự chồng chéo, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; tăng cường tính công khai, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.