Muốn giảm nghèo phải có công bằng
(Dân trí) - Đó là nội dung chính của bản báo cáo Phát triển Thế giới 2006 do Ngân hàng thế giới công bố tại Hà Nội, chiều 21/9. Theo đó, công bằng trong các cơ hội cho mọi người là một phần không thể tách rời của chiến lược giảm nghèo ở bất kỳ nơi đâu trong thế giới đang phát triển.
Sự công bằng không cụ thể là sự bình đẳng trong thu nhập, trong tình trạng sức khỏe hay mà là sự tìm kiếm một môi trường, trong đó các cơ hội là ngang bằng nhau, những cố gắng ưu việt và sáng kiến của cá nhân được đề cao, chứ không phải căn cứ vào hoàn cảnh gia đình, địa vị xã hội, chủng tộc hoặc giới.
"Công bằng giúp chúng ta theo đuổi mục tiêu thịnh vượng lâu dài" - François Bourguignon, Chuyên gia kinh tế trưởng, Phó Chủ tịch Kinh tế học Phát triển của Ngân hàng Thế giới nói. Chuyên gia này cho biết thêm, sự công bằng tăng lên sẽ đem lại lợi ích kép cho xóa đói giảm nghèo, giúp phát triển toàn diện bền vững và đem lại nhiều cơ hội hơn cho những nhóm nghèo nhất trong xã hội.
Báo cáo Phát triển Thế giới 2006 của Ngân hàng Thế giới mang tựa đề "Công bằng và Phát triển", được thực hiện bởi một nhóm gồm 8 tác giả do 2 chuyên gia kinh tế là Francisco Ferreira và Michael Walton dẫn đầu, đã ủng hộ sự công bằng, không chỉ vì tự bản thân nó quan trọng, mà còn bởi công bằng còn khuyến khích đầu tư nhiều hơn và hiệu quả hơn, giúp tăng trưởng nhanh hơn.
Báo cáo chỉ ra rằng, sự bất công bằng làm lãng phí tiềm năng con người, và trong nhiều trường hợp, có thể làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững.
Các tác giả cũng nói, việc các tầng lớp trên nắm giữ các thể chế đã làm phương hại đến sự công bằng. "Các thể chế thiếu công bằng sẽ gây ra những tổn thất về kinh tế "-Francisco Ferreira nói. "Các thể chế đó dường như bảo vệ cho lợi ích của những người giàu và những người có ảnh hưởng về chính trị, điều đó thường gây hại cho phần đông dân chúng, làm cho toàn xã hội trở nên kém hiệu quả. Nếu người nghèo và người trung bình không thể khai thác tiềm năng của họ, xã hội sẽ mất đi những cơ hội đổi mới và đầu tư"- Francisco Ferreira cho biết thêm.
Ông Michael và bà Tamar M. Atinc, hai trong số 8 tác giả của báo cáo nhận xét, Việt Nam đang đi đúng hướng trong nỗ lực giảm bất bình đẳng với những chính sách cụ thể như hỗ trợ cho người nghèo các khoản tín dụng ưu đãi thông qua hệ thống ngân hàng, ưu tiên giáo dục, chăm sóc y tế cho vùng sâu, vùng xa...Những chính sách như vậy đã được thực hiện ở một số nước và thu được nhiều kết quả khả quan.
Theo ông Michael, Việt Nam cần chủ động, tích cực và năng động hơn nữa trong các mối quan hệ quốc tế trên mọi lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa và chính trị để được đối xử công bằng hơn.
Tiến trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Việt Nam, kể cả song phương và đa phương, cũng như việc đáp ứng những điều kiện nhất định để được nhận các khoản viện trợ của quốc tế là những bài học cụ thể nhất về tầm quan trọng của xóa bỏ bất bình đẳng đối với phát triển.
Theo các tác giả, việc giảm thiểu bất bình đẳng trong nước, phát triển kinh tế chính là điều kiện quan trọng để Việt Nam có được sự bình đẳng trên trường quốc tế.
Nguyễn Hiền