Khánh Hòa:
Muốn câu “cọp biển” phải rình khi bão tố nổi lên...
(Dân trí) - Ngư dân Nam Trung Bộ được cho là những người đầu tiên làm nghề đánh bắt cá mập ở Hoàng Sa, Trường Sa. Thuở ban đầu chỉ có một vài hộ đi câu cá mập, nay đã có những làng biển chuyên đánh bắt loại cá này.
Trong câu chuyện ngư dân đánh bắt cá mập, một loài cá hung dữ được ví như “cọp biển” ở vùng biển xa, ông Võ Khắc Én, Chi cục Phó Chi Cục khai thác & Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Khánh Hòa, kể rằng, những ngư dân đầu tiên ở Nam Trung Bộ đánh bắt loài cá này chính là những ngư dân Quảng Ngãi, Bình Định. Hàng chục năm trước, ngư dân 2 tỉnh này đã vươn ra vùng biển Trường Sa để đánh bắt cá mập, vì thời điểm đó ở đây có trữ lượng cá mập lớn. Theo ông Én, cá nhám theo cách gọi của ngư dân Nam Trung Bộ nhưng thực tế đó là cá mập.
Có những thời điểm, hàng loạt tàu cá xa bờ ở 2 tỉnh này vào “cắm chốt” ở Nha Trang để việc đánh bắt thuận lợi hơn. Một trong những lý do là Nha Trang gần ngư trường Trường Sa và nơi đây quy tụ nhiều người chuyên thu mua loài cá được ví là “hung thần của biển cả” này.
Sau một thời gian khai thác, dòng cá mập “rút” mạnh về vùng biển các nước bạn nên kể từ sau thập niên 90 thế kỷ trước, ngư dân chuyển sang khai thác cá mập ở ngư trường Hoàng Sa. Trước kia, mồi để câu cá mập chỉ là những loại cá bình thường như cá nục, cá hố… do ngư dân mua ở chợ. Khác với bây giờ để có thể “lừa” được cá mập nhanh chóng “đớp” câu, ngư dân phải dùng mồi sống, sau khi lặn bắt ở các bãi đá ngầm ở trên biển.
Cá mập là loài cá rất hung dữ, có thể ăn thịt người nếu bị chúng "đánh hơi" khi rơi xuống biển
Là một trong những ngôi làng làm nghề câu cá mập có tiếng ở Nam Trung Bộ, làng Thủy Đầm (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) có 12 chiếc tàu đánh bắt cá mập quanh năm ở Hoàng Sa, với cả trăm ngư dân lành nghề và được truyền nghề từ đời bố sang đời con.
Nói về nghề câu “cọp biển”, ngư dân cho biết đây là nghề hết sức gian nan, hiểm nguy vì những lúc giông gió, bão tố nổi lên… thì mới là lúc cá mập cắn câu nhiều. Có những chuyến biển, ngư dân phải đánh cược mạng sống bám trụ giữa mưa gió cấp 7, cấp 8 ở Hoàng Sa, tiếng gió quét liên hồi, sóng biển đánh lên boong tàu trắng xóa, táp mặt… để câu cá mập.
Ngư dân khi khai thác cá mập thường chú trọng đến lấy vi (vây cá) hơn so với thịt cá. Theo ông Võ Khắc Én, vào khoảng năm 2012 trở về trước, mỗi kg vây cá mập dao động 2-2,2 triệu đồng/kg, thì nay mức giá đã giảm đi nhiều, dao động 500.000-1,2 triệu đồng/kg.
Thịt cá mập dù có thể nấu canh chua, làm gỏi, nấu kho… nhưng giá cả cũng không “vượt trội” so với nhiều loại cá khác. Theo ông Én, nếu cá còn tươi thì có thể đạt 30.000 đồng/kg, nhưng nếu bị ươn thì chỉ đạt 13.000-20.000 đồng/kg vì khi đó thịt cá đã có mùi khai, khó ăn. Đa phần thịt cá mập tiêu thụ ở các chợ trong nước thì vây cá mập xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, Đài Loan… vì được người dân ở những nước này ưa chuộng.
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban Quản lý Cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang, Khánh Hòa), vào những thời điểm trăng tròn (sau chuyến biển) nhiều tàu cá ở các tỉnh Nam Trung Bộ thường ghé cảng để xuất bán cá mập. Theo ông Hiếu, sở dĩ vây cá mập có giá trị cao vì quan niệm rằng khi ăn thì rất bổ dưỡng, đem lại sức khỏe, thậm chí có tác dụng chữa bệnh.
Trong khi đó, PGS.TSKH Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho biết, cá mập là loài cá khỏe, sống ở vùng biển xa, trong vây cá mập có nhiều đạm. Trong truyền thống của người Châu Á, mỗi khi có yến tiệc thì người ta thường dùng vây cá mập để nấu súp được coi là món ngon, quý hiếm, bổ dưỡng cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, theo PGS.TSKH Nguyễn Tác An, trên thực tế vây cá mập cũng không hẳn có giá trị cao như vậy mà do các tư thương người ta đầu cơ nên có lúc giá vây cá mập lên cao.
Viết Hảo