TPHCM:
Muỗi bùng phát, sốt xuất huyết vào mùa
(Dân trí) - Mới đầu mùa mưa nhưng muỗi đã bùng phát dữ dội trên nhiều quận huyện của TPHCM. Theo số liệu thống kê của Sở Y tế thành phố, thời gian gần đây mỗi tuần có tới gần 70 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị.
Hiện tượng muỗi bùng phát dữ dội trong mùa khô do nguồn nước ô nhiễm tại Rạc Lăng, quận Bình Thạnh khiến cho các cơ quan chức năng phải chật vật mới ngăn chặn được. Bước vào mùa mưa theo chu kỳ phát triển, muỗi hoành hành dữ dội hơn, người dân trên hầu khắp các quận huyện của thành phố đang phải đương đầu với “giặc muỗi” suốt đêm ngày.
Bà Phạm Thị Thanh Nga, một người sống tại đường Nguyễn Xí, phường 13, quận Bình Thạnh cho biết: “Từ khi bước vào mùa mưa, muỗi ở đây bay vo ve thành từng đàn, nhiều vô kể. Có đêm tôi ngủ sơ ý để tay sát mùng, sáng mai thức dậy cả cánh tay dày đặc vết chích của muỗi. Khổ nhất là lũ trẻ, chỉ cần sơ ý không để mắt đến thì cả bầy muỗi đã đốt no tự lúc nào rồi”.
Cho cháu ra ngoài chơi nhưng bà nga luôn lo lắng trước sự tấn công của những đàn muỗi
Muỗi bùng phát, kéo theo đó là bệnh sốt xuất huyết gia tăng. Theo số liệu thống kê của Sở Y tế TPHCM từ cuối tháng 5 đến nay, mỗi tuần trên địa bàn thành phố có đến gần 70 trường hợp mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị, trong đó có 1 trường hợp đã tử vong. Các quận 5, 6, 8, 12, Bình Thạnh, Tân Bình là những khu vực có số người mắc sốt xuất huyết nhiều nhất.
Số trẻ em mắc phải loại bệnh này đang ở mức cao, tại Khoa sốt xuất huyết Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân. Theo bác sĩ Lê Bích Liên, Phó giám đốc bệnh viện: Tuần qua, mỗi ngày BV Nhi đồng 1 điều trị tới 70 đến 80 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, trong đó có đến 60% trẻ ngụ tại TPHCM.
Theo nhận định của bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết còn sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Trước tình hình này, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ở 24 quận - huyện thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt muỗi và lăng quăng để kìm hãm và ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết.
Bác sĩ Thọ cho biết loại muỗi gây nên bệnh sốt xuất huyết có những đặc tính rất khác với muỗi thông thường. Chúng chỉ sống ở môi trường nước sạch, thiếu ánh sáng, gần con người và hay đốt vào ban ngày. Chính vì thế những lu chứa nước để dùng cho sinh hoạt thường ngày trong nhà của người dân hay các lu nước tại các công trình bỏ hoang, kho bãi, những nơi trồng loại cây cảnh sống trong nước, máng xối ngoài ban công, bờ mương… sẽ là môi trường sinh sôi chủ yếu của loại muỗi này.
Để hạn chế đến mức thấp nhất môi trường sống của loài muỗi gây bênh sốt xuất huyết và các loài muỗi nói chung, bác sĩ Thọ khuyến cáo người dân nên đậy kín các lu nước sinh hoạt sau khi sử dụng, san lấp hố nước tù đọng để lăng quăng không còn nơi sinh sống. Tăng cường dọn dẹp vệ sinh, phát quang lùm cây, bụi rậm quanh nhà, luôn ngủ trong màn để tránh bị muỗi chích.
Vân Sơn